Trại hè Toán học và Khoa học 2018: “Nóng hổi” các dự án về môi trường
(Dân trí) - “Quy hoạch hẻm phố khu Dịch Vọng”, “Làm sạch Hồ Gươm” và “Xây dựng công viên mini dưới gầm cầu vượt Hà Nội”… là những dự án khoa học ấn tượng do các em học sinh xây dựng hướng tới giải quyết vấn đề môi trường sống ngay xung quanh mình.
Những dự án này được thuyết trình trong buổi bế mạc trại hè Toán học và Khoa học 2018 (MaSSP) diễn ra vào ngày 7/7 vừa qua tại Đại học Khoa học và Công nghệ (Hà Nội), thu hút đông đảo các bạn trẻ và những người yêu khoa học tham dự.
Trại hè Toán học và Khoa học 2018 có năm lĩnh vực: Toán học, Tin học, Sinh học, Khoa học môi trường và Hóa học thực nghiệm. Ở lĩnh vực khoa học môi trường, chỉ trong hai tuần, cũng đã thấy bật lên nhiều đề tài của các nhóm học sinh, tiêu biểu là: “Quy hoạch hẻm phố khu Dịch Vọng”, “Làm sạch Hồ Gươm” và “Xây dựng công viên mini dưới gầm cầu vượt Hà Nội”.
Xuất phát từ quan sát thực tế ở khu Dịch Vọng như con đường gồ ghề đất đá, bụi bặm, rác thải ngổn ngang, nước thải ứ đọng, đất trống thừa thãi,… ba nữ học sinh Thanh Thủy, Hoài Anh và Hoài Ngọc đã đưa ra dự án quy hoạch con hẻm, mang lại cuộc sống thoải mái cho người dân, giải quyết nhiều vấn đề kinh tế.
Một nhóm học sinh khác thực hiện dự án xây dựng công viên mini dưới gầm cầu vượt Hà Nội. Việc trồng các loại cây xanh tạo cảnh quan đô thị đẹp hơn và góp phần hấp thụ một phần CO2 trong không khí.
Nhóm mong muốn xây dựng hình ảnh một cây cầu xanh tươi, mát mắt và trên các trụ cầu thì trồng các loại cây xanh, ở dưới thì phủ một lớp cỏ xanh non.
Cùng với đó, nhóm đã tìm hiểu tính toán các lợi ích và tính khả thi của dự án. Các trụ bên dưới đều làm bằng bê tông và việc trồng cây trên đó sẽ rất khó. Vì thế, phải thay bằng túi vải bên trong tráng bằng nilon. Để đảm bảo dự án này dài lâu còn phụ thuộc vào bảo trì. Việc lắp camera ở Việt Nam tương đối rẻ và nhờ đó có thể hạn chế các phần tử phá hoại.
Dự án “Làm sạch Hồ Gươm” do các bạn học sinh Mạnh Thắng, Đắc Vượng, Hoàng Nam, Quốc Hưng tập trung thực hiện giảm thiểu ô nhiễm nước Hồ Gươm và rác thải xung quanh hồ qua hai giải pháp: lắp đặt hệ thống lọc nước dưới hồ, chương trình thay đổi hành vi xả rác bừa bãi.
Hồ Gươm là nơi tập trung đông dân và khách du lịch. Việc ô nhiễm ở Hồ Gươm không chỉ làm đảo loạn sinh hoạt của người dân, sức khỏe của người dân, các sinh vật dưới hồ chết hàng loạt mà còn làm mất mĩ quan đô thị, sụt giảm lượng khách du lịch đến thăm quan, ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế.
Cụ thể hơn về các giải pháp mà 4 học sinh THPT này đưa ra, chương trình thay đổi hành vi xả rác bừa bãi được xây dựng qua chiến dịch“thùng rác từ thiện” và “thùng rác bỏ phiếu”.
Nhóm lựa chọn các biện pháp này là do chúng đã rất thành công ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Để giảm tình trạng vứt đầu lọc thuốc lá bừa bãi, hoạt động “thùng rác bỏ phiếu” do một tổ chức từ thiện của Anh thực hiện lần đầu ở Edinburgh cho phép người dân bỏ phiếu về mọi thứ bằng những đầu mẩu thuốc lá. Chiến dịch đã từng nhận được sự ủng hộ do màu sắc thùng rác nổi bật, bắt mắt, kích thích tò mò và nó mang lại niềm vui từ việc vứt rác.
Chiến dịch “thùng rác từ thiện” đã từng được Hội đồng thành phố Buckingham kết hợp với một tổ chức từ thiện ở Anh thực hiện tại thành phố Buckingham. Tất cả thùng rác trong khu vực sẽ biến thành cái hòm từ thiện. Trong mỗi tháng sẽ có một nhóm từ thiện cộng đồng được chọn. Nhóm từ thiện sẽ đo lượng rác ở trong hòm và dưới mặt đất ở khu vực đặt thùng rác. Nếu rác trong hòm càng cao, rác dưới mặt đất càng thấp thì quỹ từ thiện sẽ càng được nhiều. Người vứt rác chính là người quyên góp cho các quỹ từ thiện cộng đồng.
Giải pháp thứ hai mà nhóm xây dựng lắp đặt hệ thống lọc nước dưới hồ thể hiện qua hình thức xe đạp lọc nước. Xe đạp lọc nước không còn xa lạ với người dân Hà Nội vì năm 2017, sáu chiếc xe đạp lọc nước ở hồ được một công ty tư nhân tài trợ cho Thành phố Hà Nội để lọc nước hồ Hoàng Cầu.
Tuy nhiên, việc bảo trì và quản lí những chiếc xe này ở Hoàng Cầu không tốt. Để khắc phục tất cả các nhược điểm đã từng có, nhóm đề xuất sáng kiến tạo ra chiếc xe đạp có cấu trúc mới.
Hành động vì môi trường quê hương
Bạn Vũ Minh Châu (Trưởng ban tổ chức Trại hè Toán học và Khoa học, hiện đang là kĩ sư phần mềm tại Mỹ) chia sẻ: “Tôi may mắn đi du học ở Mỹ tại một trường chuyên về khoa học và công nghệ. Tại đó, tôi có cơ hội được học nhiều kiến thức hữu ích.
Năm 2016, tôi và ba người bạn của mình lúc đó cũng đang du học tại Mĩ, nghĩ ra ý tưởng hình thành trại hè dành cho đối tượng học sinh THPT, đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh khó khăn, chưa được tiếp xúc những hướng nghiên cứu mới, máy móc, thiết bị hiện đại.
Các em ở Việt Nam thường giỏi lí thuyết nhưng ứng dụng và thực hành thì yếu. Các bạn tổ chức trại hè này đều mong muốn chia sẻ cơ hội học tập, cách thức tư duy độc lập và nghiên cứu ở các nền khoa học tiên tiến trên thế giới cho học sinh Việt Nam.
Nhiều người vẫn thường tranh luận “Đi du học nên ở lại hay về?” hoặc “Du học là đang gia tăng hiện tượng chảy máu chất xám”. Thay vì tranh luận, chúng tôi chọn hành động bằng cách truyền đạt lại kiến thức. Điều ấy khẳng định rằng, miễn trái tim hướng về Tổ quốc thì sẽ luôn có cách để cống hiến cho quê hương đất nước dù ở nơi đâu”.
Hồng Vân