TPHCM: Ấm tình xuân cho sinh viên đón tết xa nhà
(Dân trí) - Tết nguyên đán 2017 cận kề nhưng tại TPHCM vẫn có hàng nghìn học sinh, sinh viên học tập tại đây vì nhiều lí do sẽ không thể có cái tết sum vầy bên gia đình. Như mọi năm, Thành đoàn, Hội sinh viên TPHCM đã có nhiều hoạt động chăm lo tết để giúp những bạn trẻ phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.
Đón Tết tha phương
Trong số nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn buộc phải ở lại TPHCM đón tết có lẽ Lê Thị Ánh Dương (sinh năm 1993), quê xã Diễn Quảng, Diễn Châu (Nghệ An) có “thâm niên” đáng nể nhất. Dương chia sẻ: “Em đã không đón Tết ở nhà cùng gia đình đã 8 năm nay rồi. Nhớ nhà lắm và biết thiếu con ba mẹ buồn lắm nhưng hoàn cảnh khó khăn nên em không thể về được ”.
Dương kể, gia đình Dương ở quê tới 8 nhân khẩu nhưng chỉ có 4 sào ruộng nên rất khó khăn. Ba bị bệnh nên gần như chỉ trông chờ vào sức lao động của mẹ là chính. Chính vì thế 6 anh chị em Dương đều nghỉ học từ sớm để lăn vào đời bươn chải.
“Năm 2009, lúc đó vừa học xong lớp 7 em phải nghỉ học vào Nha Trang làm giúp việc cho người ta. Hai năm sau em xin đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Ở bên Malaysia suốt 3 năm em cũng đón tết với các bạn cùng đi làm bên đó. Đi xuất khẩu lao động tưởng kiếm được nhiều vốn nhưng thực tế mỗi năm qua đó em chỉ làm được 6 tháng nên đành về nước mà không chút dư dả nào.
Năm 2014 em về TPHCM và đi làm thêm ở một cửa hàng in ấn nhưng may sao gặp một mạnh thường quân biết được hoàn cảnh của em nên hỗ trợ cho em bắt đầu đi học bổ túc lại”, Ánh Dương kể về cuộc sống chật vật của mình.
Hiện tại, Dương đang học lớp 9 tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Tân Bình nhờ số tiền mà mạnh thường quân giúp đỡ. Dương chia sẻ: “Lúc đầu em cũng tính năm nay sẽ dành dụm về quê dịp Tết nhưng trong người chỉ còn đúng 1 triệu đồng, không đủ mua vé xe mà cũng không có vé nữa. Vậy đành phải chịu năm thứ 8 trong đời đón Tết xa gia đình thôi chị ạ”.
Tương tự, Phạm Thị Ngọc – sinh viên năm 4 trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 cũng trải qua 3 năm liên tiếp không về quê đón Tết nguyên đán. Nhà của Ngọc ở huyện Vũ Quang, một huyện nghèo nhất của tỉnh Hà Tĩnh, năm nào cũng gánh chịu bao cơn bão lũ.
Ở quê, cũng như nhiều hộ khác gia đình Ngọc cũng thuộc diện khó khăn. Mẹ Ngọc bị bệnh suy tim từ khi sinh Ngọc nên cả nhà chỉ trông vào sức lao động của người bố thương binh trên 6 sào đất. Dẫu vậy nhưng ba mẹ vẫn cố gắng để anh em Ngọc được học tới ĐH với hi vọng đổi đời.
Ngọc nhớ lại, hồi năm nhất ĐH, nhà khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cố gắng vung vén cho em đủ 300.000đ mua vé tàu về tết. Hồi ấy vé tàu còn rẻ nên em có thể được sum vầy bên ba mẹ nhưng 3 năm nay rồi Ngọc đã không được về.
Tết năm thứ 2 ĐH, Ngọc ở lại đi làm thêm việc bưng bê ở quán cà phê. Năm ấy mùa Tết em kiếm được hơn 3 triệu đồng, đủ để đóng học phí năm học đó. Sang năm 3, Ngọc cũng không về Tết được mà ở lại đi bán hàng ở siêu thị, dành được 6-7 triệu đồng, sau khi đóng học phí em gửi về cho ba mẹ. Tết này em cũng ở lại làm để phụ giúp gia đình.
Ngọc chia sẻ: “Quê em năm nào cũng lũ lụt, riêng đợt lũ hồi tháng 9-10 năm nay bị nặng nhất. Nhà bị lũ cuốn trôi tài sản, trong đó cả 2 con bò mà ba em đã nuôi là tài sản giá trị nhất mấy năm qua. Gia đình khó khăn vậy nên em không thể về, dịp tết thường người ta sẽ trả lương khá hơn nên em tranh thủ ở lại làm thêm biết đâu giúp ba mẹ đỡ vất vả”.
Dù nhiều năm không có cái tết cùng gia đình nhưng Ngọc vẫn chưa quen được điều đó. “Giờ chỉ nghĩ thôi là em đã muốn khóc rồi. Mấy ngày này đi đâu em cũng nghe những bài hát về mẹ, về tết nên thấy buồn lắm. Dù gia đình khó khăn, tết cũng không có gì nhiều hơn ngày thương nhưng được sum vầy cả nhà là vui rồi. Em cũng ao ước điều đó nhưng không được”, cô nữ sinh rưng rưng tâm sự.
Nhiều san sẻ cho sinh viên đón Tết xa nhà
Chiều ngày 19/1, Ánh Dương và Ngọc cùng hơn 1.800 sinh viên thuộc các trường ĐH, CĐ tại TPHCM được tham dự chương trình “Họp mặt sinh viên đón Tết xa nhà” tổ chức tại Nhà văn hoá Thanh niên. Tại đây, các sinh viên được giao lưu văn nghệ đón xuân, giao lưu với các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng, tâm sự, chia sẻ tình cảm với các bạn sinh viên khác có chung hoàn cảnh.
Bên cạnh đó, các bạn sẽ được nhận quà tết trị giá 600.000 đồng/phần (bao gồm quà tặng, báo xuân và bao lì xì).
Ông Lâm Đình Thắng- Chủ tịch Hội Sinh viên VN TPHCM cho biết, đây là chương trình do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố tổ chức, nhằm chăm lo các đối tượng sinh viên khó khăn đón tết xa nhà đang học tập tại các trường trên địa bàn Thành phố.
Hoạt động này nhằm mang lại cho sinh viên xa nhà không khí Tết ấm áp, thân tình bên các bạn bè cùng cảnh ngộ và bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Đồng thời, điều này thể hiện sự quan tâm của xã hội đến các sinh viên khó khăn không có điều kiện về quê đón tết.
Dù phần quà tặng không nhiều nhưng đó là những san sẻ của nhiều tổ chức, hội, doanh nghiệp tại TPHCM cho các bạn trẻ. Sinh viên Phạm Thị Ngọc cho biết: “Em đăng ký tham dự chương trình này được 2 năm rồi. Trong lúc mình buồn tủi vì không được ở cạnh người thân trong những ngày xuân, đến đây lại thấy nhiều bạn có hoàn cảnh giống, thậm chí còn thiệt thòi hơn mình. Những lúc này em thấy mình được động viên và đỡ tủi thân hơn rất nhiều”.
Chương trình “Họp mặt sinh viên đón tết xa nhà” đến nay đã có 18 năm tổ chức, đã hỗ trợ cho 34.050 sinh viên với tổng giá trị hơn 4 tỉ đồng.
Bên cạnh hoạt động này, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM còn giới thiệu 5.000 việc làm tết cho sinh viên có nhu cầu. Đồng thời, Trung tâm cũng tặng hơn 2.800 vé xe cho sinh viên khó khăn về quê đón Tết trong đó ưu tiên những sinh viên ở khu vực miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ. Sắp tới, phía Thành đoàn và Hội sinh viên TPHCM cũng sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các sinh viên ở lại tại các ký túc xá.
Lê Phương