Tình tan vì...cùng xóm trọ
Đối với SV, xóm trọ không chỉ là nơi ăn, ngủ, nghỉ sau những giờ tan lớp. Nó còn là nơi chắp cánh nhiều mối tình sinh viên. Thế nhưng tình yêu nơi xóm trọ không đơn giản như nhiều bạn vẫn nghĩ, bởi thực tế đã có không ít cuộc tình tan vỡ vì… chung xóm trọ.
Từ những tình yêu đẹp
Trong tình yêu, người ta thường nói vui với nhau “nhất cự ly, nhì tốc độ”. Không thể phủ nhận, ở cùng xóm trọ, cự ly gần nên việc nảy sinh tình cảm với nhau dễ dàng hơn rất nhiều. Và do đó, những mối tình sinh viên cũng chớm nở, đặc biệt là với các sinh viên năm nhất, mới rời xa cuộc sống gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập nơi xóm trọ xa lạ.
Phương (ĐH Thương mại) và An (ĐH Công nghiệp) trọ cùng một khu trọ trên đường Hồ Tùng Mậu. Thời gian đầu tiên lên nhập học, chưa tìm được bạn ở cùng phòng nên Phương ở một mình. Là con gái, lạ nước lạ cái nơi Thủ đô nên điều gì Phương cũng rất bỡ ngỡ. Chính vì vậy, sự nhiệt tình, hài hước của anh chàng An ở cùng xóm trọ nhanh chóng lấy được thiện cảm của Phương.
Từ những lần sửa hộ cái bóng đèn, cùng nhau đi uống trà đá và thăm quan đường phố Hà Nội, hai người chính thức yêu nhau chỉ sau vài tháng quen biết. Bạn bè thân cận biết chuyện đều mừng song vẫn ái ngại khuyên Phương nên chuyển sang chỗ trọ mới thì mới mong giữ tình yêu lâu bền. Lý do họ đưa ra là yêu người cùng xóm trọ, tình yêu dễ nhàm chán song Phương vẫn kiên trì với quyết định ở lại của mình.
Đến bây giờ, đã là sinh viên năm 3, bạn bè vẫn nhìn tình yêu của cặp đôi này với ánh mắt ngưỡng mộ bởi họ đi đâu cũng “có đôi có cặp” và yêu thương nhau như những ngày đầu, chẳng có gì gọi là nhàm chán vì cùng xóm trọ cả.
Phương vui vẻ tâm sự: “Ở gần nhau nên biết được nhiều thói quen, cách sống, tính tình của đối phương nên càng dễ để hiểu và cảm thông với nhau. Quan trọng nhất để giữ một tình yêu cùng xóm trọ là cả hai không được “vượt giới hạn” cho phép, không nên góp gạo thổi cơm chung, không chuyển sang sống thử thì đương nhiên tình yêu sẽ lâu bền thôi”.
Trên một diễn đàn, nickname Ốc_81 chia sẻ về mối tình xóm trọ kết thúc hạnh phúc của mình: “Mình lúc trước nhận lời yêu “xã” vì sống gần nhau. Thấy “xã” là người xí trai nhất xóm, nghèo nhưng hiền, ngoan, bản lĩnh, chăm chỉ và có trách nhiệm nhất xóm nên gật đầu cái rụp - mặc dù lúc đó chưa yêu.
Lúc đó mình là sinh viên, còn “xã” là anh thợ xây chăm chỉ và hơn mình 9 tuổi; đi xe xấu, ở nhà trọ với 4 người khác nữa. Sau khi quan sát “xã” 5 năm và "lượm lặt" tin tức từ những người thường xuyên tiếp xúc với “xã”.... thì biết xã là mẫu người chồng rất tốt. Thế là không còn lăn tăn gì nữa!
Lúc đó, ai cũng bảo mình "can đảm", giờ thì ai cũng bảo mình "khôn". Cũng như có nhiều người nói rồi, ở trọ gần nhau dễ bị cám dỗ song nếu có bản lĩnh thì tình yêu xóm trọ cũng rất đẹp và còn trong sáng nữa”.
Cho đến những cuộc “tình tan”
Mặc dù ai cũng hiểu yêu người cùng xóm trọ có nhiều thuận lợi song không phải ai cũng biết cách làm mới tình yêu để nó không nhàm chán hoặc không vượt qua được cám dỗ để rồi trót nếm “trái cấm”. Đó là còn chưa kể tới việc một số người trong cuộc khi sống gần không thể chịu nổi những tật xấu của đối phương.
N. Hoàn (ĐH Hà Nội) lúc đầu cũng suy nghĩ rằng sẽ luôn nói “không” với các anh chàng cùng xóm trọ. Song đến cuối cùng, cô nàng lại “bồ kết” một chàng cùng xóm. Và thế là Hoàn được nếm đủ tất cả các kiểu nhờ của người yêu: “Những câu quen thuộc nhất mình thường nghe là: “Em ơi giặt đồ cùng anh với", "Tí nữa giặt hộ anh đôi giày nhé", "Còn nước không em, cho anh cốc", "Còn gì ăn không em ơi?", " Em đi mua cái gì về ăn đi"...
Nói chung là chàng chả giúp đỡ được gì cho mình cả. Thậm chí mùa hè nóng, phòng mình mát nhất, đi học về chàng làm một cái quần cộc, mở cửa phòng mình nhảy tót lên giường, mình bảo anh về phòng anh mà ngủ thì hắn cười “thôi em sang phòng anh mà ngủ”. Thế có điên không cơ chứ”.
Chuyện tình của Hoàn ít ra còn may mắn vì mọi thói xấu của chàng vẫn được cô nàng chấp nhận. Với Huyền (ĐH KHXH&NV) thì mối tình đẹp sau hơn một năm yêu đương đã có dấu chấm hết khi hai người về cùng xóm trọ.
Anh chàng người yêu Huyền về ở cùng xóm trọ cùng là điều bất đắc dĩ vì xóm trọ cũ của chàng đập đi xây nhà tầng, xóm của Huyền thì đang dư một phòng. Thế là chàng chuyển về đó cho gần người yêu. Mọi xích mích bắt đầu nảy sinh từ sự gần gặn về địa lý ấy.
“Trước đây, trong mắt mình anh ấy khá hoàn hảo, biết làm mọi thứ. Ở gần nhau rồi, điện nước phòng mình hỏng hóc, mình gọi anh ấy sang sửa thì mới biết chàng mù tịt về mấy vấn đề này khiến mình phát ngượng với cô bạn cùng phòng. Thế mà thỉnh thoảng anh ấy còn chê mình con gái gì mà chả biết nấu nướng gì cả.
Đã vậy mình thấy rất mất hình tượng khi mỗi sớm thức dậy nhìn thấy cái điệu bộ ngái ngủ, tóc tai bù xù rồi cả cái quần sooc xoăn tít nữa chứ. Ít ra chuyển đến ở gần mình, anh ấy nên ý thức được điều đó và nên thoải mái có giới hạn”, Huyền bức xúc.
Cũng chính bởi những lý do không đâu vào đâu ấy, Huyền đã chia tay với người yêu. Anh chàng cũng nhanh chóng chuyển xóm trọ mới để tránh chạm mặt nhau hàng ngày.
Nên hay không nên yêu người cùng xóm trọ? - chủ đề ấy vẫn còn rất nóng trên các diễn đàn của sinh viên, giới trẻ.
Theo Thu Thu
Vietnamnet