Tìm việc làm thêm, nữ sinh bị "cò" quay vòng
Vốn mong muốn đi làm thêm kiếm tiền tiêu vặt để không cần xin bố mẹ, Thùy Dương gặp phải “cò quay”, mất tiền nhưng không thu được gì.
Sau lần bị lừa hồi năm hai đại học, Thùy Dương (SN 1992, sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng, ĐH Công nghiệp Việt – Hung) rút ra bài học, không bao giờ tin vào những mẩu tin rao vặt việc nhàn, lương cao.
Thùy Dương kể, thời sinh viên, cô đi học bằng xe buýt. Tại trạm chờ xe, cô thấy nhiều tờ rơi tuyển dụng dán xung quanh, nội dung thu hút với những dòng tin in đậm kiểu “Làm việc 2h/ngày, lương 200.000 đồng/ngày”… nhưng không ghi rõ công việc cụ thể.
Lúc đó, cô không để ý nhiều. Nhưng lên đến năm hai đại học, Thùy Dương muốn xin việc làm thêm để kiếm tiền tiêu vặt, không cần xin bố mẹ. Cô nhớ lại những tờ rơi trên trạm chờ xe buýt và lên Google tìm kiếm.
Kết quả tìm kiếm hiện ra rất nhiều, thông tin na ná những tờ rơi Thùy Dương từng đọc được. Click vào đường dẫn, Thùy Dương thấy đa dạng công việc làm thêm để chọn như dán tem hàng hóa, bán vé, bán mỹ phẩm, gấp dán phong bì… Thu hút hơn, nhân viên làm việc theo ca, mỗi ca 2 tiếng, lương từ 180.000 – 250.000 đồng/ca; nhân viên có thể làm nhiều ca/ngày.
Thùy Dương chọn một địa chỉ ở ngõ 198 Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội). Đến nơi, số nhà ghi trên mạng không phải văn phòng tuyển dụng, thay vào đó, bên ngoài gắn biển bán vé máy bay.
Tại đây, Thùy Dương gặp một số sinh viên khác cũng đến xin việc. “Người phụ trách ở đó nói với bọn mình, công việc cụ thể đã đăng trên thông báo tuyển dụng. Bọn mình được xếp bán vé xem phim, lương 200.000 đồng/ca. Người ta nói hay lắm, bọn mình nghe xong đều hào hứng”, Thùy Dương kể.
Kết thúc buổi phỏng vấn, người phụ trách yêu cầu nhóm Thùy Dương nộp 250.000 đồng/người để nộp phí hồ sơ cho công ty. “Người đó nói, không lấy phí trung gian, nhưng phải nộp phí hồ sơ cho công ty. Tiền đó để đảm bảo bọn mình đi làm, cũng như phát đồng phục làm việc. Bọn mình nghĩ, số tiền không đáng gì với mức lương 200.000 đồng/ngày nên không ngần ngại móc ví đưa tiền”, Thùy Dương cho biết.
Nhận xong tiền, Thùy Dương và các sinh viên khác về nhà với lời hẹn sẽ sắp xếp lịch với bên giao việc, rồi gọi điện thông báo sau 1- 2 ngày. Cách vài hôm, Thùy Dương nhận được điện thoại bảo qua phố Cự Lộc (Thanh Xuân) nhận việc.
Thùy Dương hẹn các bạn đến theo địa chỉ được cung cấp. Tại đó, người đại diện nói rõ, đã nhận được hồ sơ chuyển từ bên Lê Trọng Tấn. Người này cho biết, bên kia không liên quan đến công việc, nhóm Thùy Dương trước khi nhân việc trực tiếp từ người đó phải nộp 100.000 đồng làm thẻ nhân viên, giúp ra vào công ty thuận tiện.
Nghĩ sẽ nhanh bù lại được số tiền nộp, Thùy Dương và bạn tặc lưỡi đưa tiền cho người đại diện ở Cự Lộc. Thế nhưng, nhóm không được nhận việc luôn. Người này lại hẹn về nhờ, chờ người gọi đến làm việc.
Ra về trong lo lắng, Thùy Dương bắt đầu nghi ngờ gặp phải lừa đảo. Chờ vài hôm không thấy hồi âm, Thùy Dương gọi lại thì nhận được câu trả lời không thể hồn nhiên hơn: “Vì sinh viên vào làm và nghỉ thường xuyên, nên công ty tuyển dụng liên tục. Hiện, việc bán vé xem phim đang đủ người. Hay em có muốn bán mỹ phẩm không? Chị chuyển em sang đó làm tạm”.
Nghe đến đó, Thùy Dương biết bị lừa. Nhắn tin cho các bạn khác, câu trả lời cũng tương tự như Thùy Dương nhận được. “Đã lỡ mất tiền, bọn mình không dại gì đến chỗ khác để mất thêm tiền. Sau này, đọc trên báo, Mình mới hay trường hợp mình gặp phải là cò quay, chỗ này giới thiệu sang chỗ khác, mất tiền nhưng không xin được việc”, Thùy Dương cho hay.
Những mẩu tờ rơi tuyển dụng thường được phát trước cổng trường. Ảnh: Internet
Điệp khúc: “Em đến địa chỉ này nhận việc”
Năm đầu, lịch học dần đi vào ổn định, Lan Anh quyết định xin việc làm thêm. Gọi theo điện thoại ghi trên tờ rơi việc làm, Lan Anh được hướng dẫn tới phỏng vấn tại địa chỉ ở phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội).
Ở đây, cô được một phụ nữ chưa đến 30 tuổi giới thiệu về công việc và lương thưởng. Theo người phụ nữ, Lan Anh sẽ nhận việc bán sim điện thoại, mỗi ngày làm 2-3 tiếng. nhận cố định 60.000 đồng/ngày và sẽ được thưởng thêm từ 20.000 – 30.000 đồng/ngày nếu bán được nhiều sim hơn định mức.
Nghe lời giới thiệu hợp lý, Lan Anh đồng ý nhận việc. Lúc này, người phụ nữ yêu cầu Lan Anh đóng tiền. “Cô ấy nói, bên công ty không thu bất kì khoản phí nào của nhân viên, nhưng khi xác nhận hồ sơ lên phường, cần nộp 100.000 đồng lệ phí. Ngoài ra mình phải thế chấp tiền nhận sim 500.000 đồng để đảm bảo nhân viên không ăn gian”, Lan Anh cho biết.
Khi biết Lâm Anh chỉ mang theo hơn 300.000 đồng, người phụ nữ tỏ vẻ băn khoăn, lấy 300.000 đồng, rồi nói: “Thấy em thật thà, chị thu từng này (ý 300.000 đồng) cũng được. Sau vài tháng làm việc, chị sẽ trả lại cho em 200.000 đồng”.
Thu xong tiền và hồ sơ (chỉ gồm CMND photo và vài dòng thông tin cá nhân), người phụ nữ không giao việc cho Lan Anh mà hướng dẫn cô đến địa chỉ khác ở Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân) nhận việc, kèm theo lời đảm bảo không cần phải nộp thêm khoản phí nào nữa.
Tuy nhiên, tại nơi mới, người phụ trách bảo Lan Anh nộp gần 200.000 đồng tiền đồng phục. “Mình chỉ còn 30.000 đồng, người đó cũng lấy, còn nói lấy tạm, yêu cầu mình hôm sau phải đóng thêm. Sau đó, chị ta đưa cho mình mẩu giấy ghi địa chỉ rồi bảo đến đó nhận việc”, Lan Anh kể.
Lúc này, Lan Anh bắt đầu nghi ngờ tại sao không giao việc ngay tại chỗ mà phải đi hết nơi này đến nơi khác. Lập tức, cô gọi điện cho người phụ nữ đầu tiên. Người này giải thích đó là quy trình tuyển dụng của công ty, không thể làm trái.
Nhận thấy lời của người phụ nữ có mâu thuẫn, Lâm Anh quyết định không xin việc nữa, yêu cầu người phụ nữ trả lại tiền. Tuy nhiên, người phụ nữ tỉnh bơ nói, công ty đã sắp xếp việc cho Lan Anh, từ chối nhiều bạn khác đến xin việc; nếu Lan Anh nghỉ sẽ gây tổn hại đến công ty, cô phải bồi thường vì đơn phương phá hợp đồng.
Lúc này, Lan Anh mới hiểu cô vừa bị lừa. Khoản tiền cô đã nộp không thể đòi lại. Nếu tiếp tục, ở địa chỉ ghi trên giấy, người ta sẽ nghĩ ra vô số lý do hợp lý khác để thu tiền cô và buộc cô đi thêm bao nhiêu địa chỉ nữa.
Theo Tú Oanh
Tấm gương