Tìm tình trong lớp
Nếu hỏi các cô cậu học sinh đến lớp để làm gì, dĩ nhiên câu trả lời sẽ là “để học”. Tuy vậy, có những lớp học thêm, lớp sinh hoạt ngoại khoá… học viên đến không chỉ để học. Không ít người trong số họ thẳng thắn: “Đến lớp tìm bạn”.
Đến lớp học... yêu
Điều dễ nhận thấy, với nhiều sinh viên, học sinh đến những câu lạc bộ, nhà văn hoá để học, thu nạp kiến thức thì ít mà mục đích chính vẫn là để tìm "một nửa". Lý do việc tìm bạn ở những lớp sinh hoạt ngoại khoá, lớp học thêm thú vị, hấp dẫn hơn bè bạn ở lớp học chính khoá vì: “...không gian thoải mái hơn, không khí cũng thoải mái hơn. Các bạn cùng lớp phần nhiều là các anh, chị hơn tuổi, ga-lăng, biết quan tâm em út hơn” - Ngọc Trang, một học sinh lớp 12, thường sinh hoạt ở Nhà Văn hoá Thanh niên cho biết.
Ngọc Trang nhà ở quận Bình Chánh, cách Nhà văn hoá Thanh niên tới 18 cây nhưng hầu như không một chương trình trà đạo nào của CLB trà vắng mặt cô. Cái chính không phải vì muốn học thêm những kiến thức về trà đạo các nước mà vì Trang lỡ để ý một anh bạn cùng lớp. Để ý chỉ vì sau một lần anh “ga lăng” chở Trang đi từ Nhà Văn hoá Thanh niên ra trạm xe bus Bến Thành đón xe về. Dần dần, mỗi buổi sinh hoạt trà đạo nội dung chính của Trang, cứ nhìn anh là... xong nhiệm vụ.
Cũng như thế, Yến Thanh (Q10) đến lớp học Anh văn một trung tâm của Trường ĐH Sư phạm trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q1. Lý do chấp nhận đi học xa vì: “Bạn em rủ nên xa một tẹo nhưng đi cho vui”.
“Xa một tẹo” về quãng đường từ nhà lên lớp, quãng mơ màng trong lớp cũng xa không kém. Không ít lần cô giáo gọi đọc bài nhưng Trang không biết bắt đầu từ đâu, thậm chí có khi phải nhắc nhở vì trong lớp cô nữ sinh lớp 10 này hồn nhiên khoác thêm áo chăm sóc cho bạn trai khi mưa lạnh.
Trường hợp của Nguyễn Thảo Trang, Trường Tin học và Ngoại ngữ TP.HCM, trong khi bố mẹ ở quê làm nông thì lên thành phố, cô nhanh chóng biến thành “cô chiêu”, yêu ngay trong lớp học chính. Chỉ không đầy nửa năm, chia tay người yêu, buồn, cô nhanh chóng tìm ra “giải pháp”, đăng ký thêm lớp học Anh văn lẫn vi tính để kiếm ngay bạn mới.
Theo Thảo Trang chỉ có người mới mới hết buồn về người cũ. Ban đầu, đến lớp vẫn còn chép bài, không quá 10 trang giấy, đã tìm được bạn rồi thì cả khoá học chỉ dẫm chân tại đó. Phần do cúp học rủ nhau đi chơi, phần do có lên lớp thì cũng chỉ tập trung anh em ta nắm tay cùng ngồi nói chuyện.
Hệ luỵ khi tới lớp và mơ màng học
Với Phan Vũ Quỳnh Liên (Trường ĐH Kinh tế) thì thời gian mơ màng trên lớp không dài nhưng đủ để cô thấm thía bài học lâu dài. Không chủ trương “tìm tình”, nhưng cô gặp ngay một gã “săn tình”. Đẹp trai, thành đạt trong kinh doanh. Chỉ hơn cô gần… 2 giáp. Tuy vậy, anh ta giới thiệu là “do mải mê công việc quá, anh quên mất mình cần phải có một mái ấm, chỉ tới khi gặp em”.
Chỉ 1 tuần, với lời ngọt, quà sang, xe đẹp chở đi chơi, cô sinh viên năm hai chết mệt anh thành đạt. Những buổi lên lớp học thêm đầy lãng mạn, trò chuyện chán lại dẫn nhau đi cà phê xem ca nhạc hoặc vào shop… Anh chỉ có điều kiện duy nhất là không gọi điện sau 9 giờ tối vì đó là thời gian anh tập trung làm việc. Mọi việc chỉ chấm dứt khi một lần cô bị đau dạ dày, gọi điện báo cho anh thì giọng sang sảng của một phụ nữ tự xưng là vợ anh nghe máy.
Dù chưa vượt quá giới hạn, và chỉ ngắn hạn nhưng điều Quỳnh Liên thấm thía nhất là mất niềm tin khi trót tin, yêu một người mà những gì cô hiểu về họ rất mong manh, chỉ từ trong lớp.
Chị Phan Thanh Hiền, quậnTân Bình (TPHCM) khẳng định, phần lớn bố mẹ không nắm bắt kịp tâm lý con cái. Bố mẹ phải “chịu khó” trang bị cho mình những kiến thức để hiểu con như những bè bạn thì mới chia sẻ, khuyên nhủ được. Cụ thể, để nắm bắt con mình, ngoài chuyện thông thường nhất là đưa đón con đi đến nơi về đến chốn, chị phải tạo một blog ảo để được add vào danh sách bè bạn của con, từ đó đọc những suy nghĩ của con và bè bạn lứa tuổi cô.
Đôi ba lần, nhờ blog, chị phát hiện ra con mình nói dối nhưng “cần thiết nhất lúc đó là bình tĩnh, để vài ngày sau đó mới trò chuyện thăm dò con bé, khi nó tự khai ra thì vẫn ngỡ ngàng như không biết. Nhờ thế càng ngày con càng gần gũi mình, còn nghĩ rằng mẹ… tâm lý vì chưa nói hết mẹ đã đoán biết được… chiều hướng kết quả.
Đến lớp học yêu, dĩ nhiên là không nên, vì như thế khó mà tập trung vào công việc chính nhất của học sinh, sinh viên vẫn là học. Và như thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng nền tri thức để có một cuộc sống tương lai bền vững”, TS tâm lý Vũ Gia Hiền chia sẻ.
Theo Thu Hương
Vietnamnet