Tiểu thư Hà thành giật giải Vifotec từ công việc nhà nông

(Dân trí) - Gây ấn tượng nhất tại lễ trao giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam Vifotec 2006 là cô gái nhỏ nhắn tên Lê Thùy Quyên. Cô gái Hà thành xa lạ với công việc đồng áng lại đoạt giải nhất với công trình nghiên cứu phòng trừ sâu hại cây trồng.

Đặc biệt, đây cũng là công trình duy nhất được đề nghị tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng giải thưởng WIPO.

 

Sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc, cô gái nhỏ bé Lê Thuỳ Quyên hoàn toàn “mù tịt” về những công việc của nhà nông. Nhưng Quyên vẫn dũng cảm theo đuổi ngành công nghệ sinh học.

 

Một lần tình cờ đến Viện Bảo vệ thực vật tại Đông Ngạc - Từ Liêm, chứng kiến cảnh bà con nông dân gần đó ngày nào cũng phun những thứ thuốc hóa học độc hại lên cây trồng, Quyên nghĩ tại sao mình không nghiên cứu và phát triển một lọai chế phẩm có thể thay thế những chất hóa học độc hại? Vừa có ích cho hoa màu, vừa tốt cho người nông dân?

 

Nhưng từ ý tưởng đến khi thành hiện thực cũng phải mất một năm. Một năm lặn lội đi lại Viện Bảo vệ thực vật để tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu cho công trình mang tên “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae sorok để ứng dụng phòng trừ sâu hại cây trồng”.

 

Để sản xuất chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae sorok đòi hỏi phải tỉ mỉ và rất cẩn thận. Đầu tiên  phải tách được chủng nấm bằng cách chiết xuất từ những con sâu chết ngoài đồng ruộng. Sau đó sẽ phân lọc ra chủng nấm đó. Đó là khâu thứ nhất gọi là lên men. Sau đó trộn lẫn với những nguyên liệu như bột đậu, cám, trấu… để 28-30 ngày ở nhiệt độ 25-30độ, nấm sẽ sinh sôi được nhiều hơn. Lúc ấy, chế phẩm đã hoàn thành.

 

Cũng từ những ngày ở Viện, Quyên mới biết thế nào là công việc của nhà nông. Là con gái Hà Nội nên Quyên nào có biết gì về công việc nhà nông. Kỉ niệm “đau thương” là lần đầu tiên ra ruộng, thấy bà con nhặt đỗ tương, Quyên cũng hăng hái vào nhặt, nhưng… không phân biệt quả chín, quả xanh. Kết quả là vặt được một rổ đỗ tương xanh lè!

 

Nhưng bây giờ, làm xong đề tài này thì mọi người đã gọi Quyên là cô nông dân “chính hiệu” rồi. Bởi trong quá trình làm đề tài, em phải xuống tận ruộng để học hỏi cách chăm sóc từng loại cây, cách bón phân thế nào cho phù hợp…

 

Sản phẩm làm ra rồi, nhưng thuyết phục được bà con nông dân chuyển sang dùng thuốc của mình là rất khó, bởi họ vẫn quen dùng thuốc hóa học từ bao năm nay. Hơn nữa, bà con nông dân phải nhìn thấy thực tế mới chịu làm theo.

 

Quyên phải đi gặp trực tiếp từng người, giải thích và chứng minh cho họ thấy tác dụng mà phân vi sinh đem lại. Đến từng nhà hoặc ra tận ngoài ruộng để đưa thuốc miễn phí cho họ phun thử, nhưng đầu tiên họ nhất định không dùng vì… chưa nghe cái này bao giờ!

 

Có những lúc, Quyên thấy nản chí, nhưng rồi lại quyết tâm làm cho kỳ được. Thậm chí, em còn kỳ công sưu tầm những bài báo nói về ngộ độc và tác hại của việc dùng thuốc hoá học đưa tới cho bà con nông dân đọc.

 

Ngày nào Quyên cũng miệt mài từ 8h sáng đến 6h chiều, hết ở phòng thí nghiệm, lại ra ngoài ruộng để thử. Trời mùa hè nắng chang chang, nhưng cứ 8h sáng ở ngoài đồng, 12h trưa về ăn cơm đến 1h chiều lại ra làm tiếp. Quần quật được một tháng thì lăn đùng ra ốm. Xót con nên bố mẹ còn bắt chuyển nghề. Nhưng Quyên không bỏ. Bởi đó là công trình của em, đã đeo đuổi là phải đeo đuổi đến cùng.

 

Một năm vừa học vừa nghiên cứu vất vả của Quyên đã được bù đắp xứng đáng. Hiện tại, đề tài này đã được ứng dụng trong thực tế, giúp bà con nông dân sản xuất ra những sản phẩm sạch, an toàn, không độc hại đến môi trường.

 

Thành công đầu tiên là trong đợt dịch sâu róm hoành hành tại Nghệ An năm ngoái, Quên đã nhận được đơn đặt hàng 2 tấn chế phẩm này, sản xuất không kịp xuất xưởng. Bước thử nghiệm thành công và sản phẩm được đánh giá rất cao. Vốn tính cẩn thận, sau khi phun rồi, Quyên vẫn phải lưu những mẫu sâu chết để về nghiên cứu thử lại xem có đúng là sâu chết do sản phẩm của mình không? 

 

Ngoài ra, chế phẩm vi nấm này đã phòng trừ được bọ hại dừa ở 30 tỉnh thuộc Miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hải Phòng đã ứng dụng vi nấm này để trừ bọ hại dừa ở Đồ Sơn đạt kết quả rất tốt, phun một lần nhưng hiệu quả được 6 tháng.

 

Trong tương lai, Quyên muốn biến chế phẩm này sẽ được áp dụng trên toàn quốc, thay thế cách dùng thuốc hóa học truyền thống, vừa giúp bảo vệ môi trường, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện tại, giá thành của lọai thuốc này còn cao (50.000đ/kg). Để thuốc đến được tay người nông dân và phổ cập rộng rãi trong cả nước, ngoài công tác tuyên truyền rộng rãi, Quyên đang phấn đấu nghiên cứu để phát triển nhiều đa dạng các loại chủng nấm, góp phần hạ giá thành sản phẩm.

 

Đây cũng chính là một trong những ước mơ mà trong thời gian tới, khi theo học chương trình cao học, cô tiểu thư Hà thành đã dự định sẽ dành nhiều thời gian để phát triển và nhân rộng đề tài.

 

Lê Trân