Tiếng ve chuông

(Dân trí) - Tiếng ve chuông êm ái, ngọt ngào như tiếng sáo du dương; trong trẻo, thanh tao như tiếng suối róc rách; tràn ngập không gian, tràn ngập lòng người.

Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp về thăm lại quê hương.

Đó là vào một buổi trưa hè. Trong không gian yên ắng, bỗng vang một âm thanh quen thuộc đã gắn liền với tuổi thơ tôi.

Bắt đầu là những tiếng ve… ve… như thăm dò. Rồi im bặt.

Rồi ve… ve…e…. Lần này dồn dập hơn, rộn ràng hơn, dai dẳng hơn; như thể cả họ hàng nhà ve đều thức dậy, cùng cất cao tiếng hát gọi hè. Không gian thoáng đãng, trống vắng phút chốc được lấp đầy bởi những âm thanh cao vút. Bản hòa tấu vang lên từng đợt, từng đợt, ra rả đến điếc cả tai, rộn cả lòng.

Ban nhạc mùa hè bỗng dừng đột ngột, cũng bất ngờ như lúc bắt đầu. Mọi vật chưa hết ngơ ngẩn đã ngẩn ngơ vì một âm thanh kỳ diệu: Tiếng ve chuông!

Chao ôi, sao mà diệu kỳ đến thế!

Nó êm ái, ngọt ngào như tiếng sáo du dương; trong trẻo, thanh tao như tiếng suối róc rách; tràn ngập không gian, tràn ngập lòng người. Tiếng thánh thót len lỏi vào tận ngõ ngách tâm hồn, khiến cho sự dịu ngọt, êm đềm thấm vào tận chân tơ kẽ tóc…

Tôi bỗng thấy lòng tràn ngập niềm vui. Rồi một cảm giác nôn nao khó tả xâm chiếm tâm hồn. Đó là những hồi ức tuổi thơ, với bao tháng ngày hồn nhiên vui thú.
 
Tiếng ve và phượng thắm sân trường mãi gắn liền với niềm vui tuổi thơ (Tranh: Minh Hoàng) 
Tiếng ve và phượng thắm sân trường mãi gắn liền với niềm vui tuổi thơ (Tranh: Minh Hoàng) 

Hồi ấy, cứ đến hè là bọn tôi được về chơi quê nội. Không ở lâu, chỉ đôi ba tuần nhưng đủ để có một kho kỷ niệm cho riêng mình, đủ để có những ngày băng đồng, lội ruộng thỏa thích.

Tôi nhớ rõ lắm, những buổi trưa hè, ngồi trong nhà mà cứ ngóng ra ngoài vườn, mong trời nổi gió. Chỉ cần nghe “bịch” một tiếng gọn hơ là cả lũ chạy xô ra giành nhau lượm sầu riêng rụng. Lắm khi trái chín quá, nứt toác, mấy múi sầu riêng thơm lựng, ngọt ngay văng ra trên lớp lá khô. Vậy mà không đứa nào sợ dơ, đè lên nhau mà giựt rồi dí nhau chạy vòng vòng khắp vườn để “quánh” cho được cái thằng tham ăn.

Tôi nhớ rõ lắm, những buổi chiều lội ruộng bắt cá, bắt cua; sình dính từ chân đến đầu, quệt ngang bên má. Có khi bị đỉa đeo la oai oái, nước mắt nước mũi tèm lem. Đã vậy còn bị “tụi nhà quê” nó ghẹo “Đồ mít ướt!”. Tức ơi là tức!

Và rồi, trong những ngày không còn gì để phá thì “lũ quỷ” kéo nhau đi mót khoai về lùi tro, vừa thổi vừa ăn, lọ nghẹ dính quanh mép cũng chẳng thèm lau vì mải lo thưởng thức cái vị ngọt ngọt, bùi bùi tuyệt cú mèo…

Và còn bao nhiêu là thú vui đồng nội: tắm suối, thả diều, cưỡi trâu, đánh trổng,… Trò nào cũng hấp dẫn, cũng làm lũ trẻ say mê.
 
Nắng quê trong vắt, lũ trẻ làng tôi (Tranh: Xuân Thành)
"Nắng quê trong vắt, lũ trẻ làng tôi" (Tranh: Xuân Thành)
 
Nhớ quê, không thể không thương nhớ hình ảnh bà nội dấu yêu. Bà không hay ôm ấp, vuốt ve, không nói lời ngọt ngào, êm ái nhưng bà thương các cháu nhiều lắm. Nhà bà không khi nào thiếu món kho. Nếu không thịt kho tàu thì cũng có nồi cá lóc.
 
Chỉ cần ra vườn quơ một nắm rau, nấu lên, nêm nước cá hay nước thịt kho vào là có ngay món canh thơm mát. Cá hâm đi hâm lại bị cứng, hỏng đứa nào chịu ăn, bà xé nhỏ ra, phi hành lên thơm lừng, vậy là cả đám quất sạch nồi cơm. Có món gì ngon, bà cũng chia đều các cháu.
 
Đứa nào thèm ăn món gì, nói bữa trước, bữa sau là được ăn ngay. Từ bánh cam, bánh ít đến bánh tét, bánh bò,… Món nào bà làm cũng ngon. Đặc biệt là, không làm thì thôi, đã làm thì bà làm ăn mấy ngày không hết.

Tôi nhớ, lần đầu bà hôn tôi cũng là lần cuối. Đó là lúc bà bị bệnh, phải lên thành phố nằm viện. Một buổi chiều tôi ghé thăm bà sau buổi học, bà nắm tay tôi rồi âu yếm hôn lên trán tôi. Tôi xúc động nghẹn ngào. Nhưng tâm trí non nớt của tôi lúc bấy giờ không hề biết rằng đó là nụ hôn duy nhất bà trao cho tôi. Bà của tôi!

Ôi! Thời thơ ấu! Nó vẫn sống mãi ở một góc tâm hồn tôi, để nhớ, để thương, và luyến tiếc…
 
Phương Hà