Tiệm bánh mì 0 đồng của chàng trai 9X
(Dân trí) - Tiệm bánh mì nằm trong một con hẻm nhỏ của đường Ngô Gia Tự (TP Đà Nẵng) nhưng luôn nhộn nhịp khách ra vào. Khách hàng của tiệm là những người bán vé số, chạy xe ôm, lượm ve chai…
Gần một tháng nay, tiệm bánh mì 0 đồng tại một con hẻm trên đường Ngô Gia Tự (TP Đà Nẵng) trở thành địa chỉ quen thuộc của những cụ bán vé số, bác xe ôm hay những bệnh nhân nghèo… Cứ người này truyền tai người kia, tiệm bánh mì ngày một đông khách dần.
Chủ nhân của tiệm bánh mì này là chàng trai trẻ Đào Văn Vĩnh (sinh 1992, quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi mẹ từ nhỏ, năm 18 tuổi thì cha mất nên Vĩnh tự lập khá sớm. Sau khi thi đỗ trường Cao đẳng thương mại Đà Nẵng, Vĩnh khăn gói ra Đà Nẵng nhập học nhưng trong người không có đồng bạc nào dính túi.
Rất may lúc đó có một mạnh thường quân ở TPHCM giúp đỡ cho Vĩnh 10 triệu đồng, Vĩnh mới có tiền ăn học. “Thời điểm đó, 10 triệu đồng đối với em rất lớn. Số tiền đó đã cứu cuộc đời em”, Vĩnh cho hay.
Thấu hiểu vất vả của những người nghèo khổ và được sự giúp đỡ của những tấm lòng nên trong suy nghĩ của Vĩnh luôn muốn giúp lại những người khác trong khả năng có thể của mình.
Khi đang là sinh viên, Vĩnh thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện của trường và luôn ấp ủ những dự định của riêng mình.
Cách đây 2 năm, Vĩnh bắt đầu mở quán cơm 2.000 đồng để phục vụ cho những người lao động nghèo. Tuy nhiên, công việc nấu ăn khá vất vả, mất nhiều thời gian trong khi hầu như chỉ có một mình Vĩnh làm nên không thể kham nổi. Quán cơm 2.000 đồng chỉ duy trì được 2 năm rồi đành phải nghỉ.
Sau khi nghỉ quán cơm, Vĩnh chuyển qua làm tiệm bánh mì 0 đồng cũng để phục vụ những người lao động nghèo, bệnh nhân nghèo.
Công việc mỗi ngày của Vĩnh là dậy sớm ra chợ mua rau, thịt, chả… và tự tay chế biến để có những ổ bánh mì nóng hổi để trao tận tay các bà, các cô, các bác. Ngoài ra, Vĩnh còn nhờ các bạn sinh viên thay phiên nhau đến phụ tiệm bánh mì cùng Vĩnh.
Mỗi vị khách đến tiệm bánh mì được lấy 2 ổ kèm theo chai nước uống. Đối với những người khuyết tật, người bệnh (người nhà đến lấy dùm), ngoài bánh mì và nước còn có thêm những bịch sữa.
Người “mua” bánh mì ở đây được miễn phí hoàn toàn tuy nhiên một số người vẫn bỏ tiền vào thùng từ thiện 2.000 đồng/ổ.
“Trước đây, quán cơm của em có giá 2.000 đồng nên một số người quen đưa 2.000 đồng. Mặt khác, khi đưa tiền, họ sẽ thấy thoải mái hơn bởi họ bỏ tiền ra mua chứ không phải là xin”, Vĩnh nói.
Bà Trần Thị Hương (70 tuổi, đi lượm ve chai) cho biết, cứ sáng nào bà cũng ghé vào tiệm bánh mì này để xin 2 ổ. Công việc lượm ve chai của bà chẳng được mấy đồng bạc. Nhờ có tiệm bánh mì nên bà cũng đỡ được một khoản tiền cho việc ăn uống.
Còn bà Nguyễn Thị Thu (68 tuổi, đi bán kẹo cao su) cũng cho biết, bà từ Thanh Hóa vào đây đi bán kẹo cao su, được mọi người mách cho có tiệm bánh mì 0 đồng nên thường xuyên ghé vào đây “mua” bánh mì.
“Các cháu ở đây còn rất trẻ nhưng có tấm lòng thật đáng quý, biết san sẻ, giúp đỡ những người khó khăn. Bà rất là vui khi đến đây”, bà Thu vui vẻ cho hay.
Theo chủ tiệm bánh mì 0 đồng này, trung bình mỗi ngày tiệm “bán” hết 100-120 ổ bánh mì, ngày cao điểm là 150 ổ bánh mì. Kinh phí để duy trì tiệm bánh mì này là do mấy chị em nhà Vĩnh góp vào.
Nói về kế hoạch trong tương lai, Vĩnh cho biết, sẽ cố gắng để duy trì tiệm bánh mì 0 đồng này trong thời gian dài.
“Mỗi khi thấy các bà, các cô, các bác… những người lao động vất vả đến tiệm bánh mì của mình, vui vẻ khi cầm trên tay những ổ bánh mì do em làm, em thấy hạnh phúc vô cùng”, Vĩnh chia sẻ.
Khánh Hồng