Thực dụng kiểu 8X

Bản thân từ “thực dụng” luôn chịu gắn theo ánh nhìn không thiện cảm. Ngạc nhiên một chỗ, ở thế hệ 6X, 7X, tính từ này rất ít khi xuất hiện, và nếu có “lỡ” dính vào thì đó quả là điều rất đáng xấu hổ, kiểu như “thứ người sống thực dụng không có lý tưởng!

Đến thời đại sống của 8X thì sao? Buộc lòng phải nói, đó là thời kỳ nở rộ của tính từ "thực dụng". Dễ dàng, người ta lắc đầu ngán ngẩm: 8X yêu thực dụng, học thực dụng, lối sống thực dụng... Bản thân "thực dụng" có tội thật, hay lối sống của 8X gặp vấn đề? Và 8X là khách thể chủ quan hay là "nạn nhân" của thực dụng?

 

Có thể đó là những 8X chỉ thích chọn bạn có "tiềm năng" lợi dụng được sau này. Câu nói của Thảo Minh (Đại học KHXH&NV): "Mỗi khi có chuyện buồn hay gặp khó khăn, ít khi nào tôi kể lể lung tung cho người thân. Tôi chỉ kể cho những ai có khả năng giúp đỡ tôi. Câu chuyện vừa đến đúng địa chỉ cần đến, vừa đỡ tốn hơi".

 

Như báo chí tốn bao giấy mực than vãn cho tình hình chọn người yêu mà tình yêu tỷ lệ thuận với túi tiền của giới trẻ. Các bạn gái nào mà "lỡ" có anh bồ giàu có, hay nhân viên mà yêu "sếp", thể nào cũng dính ngay câu "lợi dụng chứ yêu gì?", dù chưa ai biết thực hư là sao, bao nhiêu phần trăm là họ bị kết "án oan" đây?

 

Uyên Phương, 23 tuổi, nhân viên thiết kế mỹ thuật, kể lại câu chuyện: "Bạn trai tôi quen ba tháng gặp khó khăn về tiền bạc, hỏi vay tôi số tiền kha khá, tôi có nên cho vay không?". Cho vay, tôi là cô gái tình cảm, hết lòng vì yêu, mọi người nhìn tôi với một nụ cười và ánh mắt hết sức vui vẻ và nhẹ nhõm.

 

Nhưng một luồng suy nghĩ khác ập đến, và tôi buông câu: "Không, ai biết yêu đương đến đâu mà cho vay, lỡ ôm tiền chạy mất thì sao?". Hoặc có thể lý do: "Cho vay chứ, tháng trước ảnh cũng cho tui vay, tui chưa trả hết, giờ đưa cho mượn lại, nếu có bỏ đi cũng không lỗ à!". Ngay lập tức nụ cười nhẹ nhõm biến mất, người ta gán ngay cho tôi: "Đồ thực dụng, yêu mà chỉ giỏi lợi dụng".

 

Phương vừa kể vừa cười như mếu trước hai thái độ trái ngược nhau mà bạn đã gặp khi trả lời một tình huống theo hai cách khác nhau, như một "thí nghiệm" bạn đã làm. "Trong khi không ai chịu nghe giùm tui cái câu tôi muốn nói nhất á, tiền tôi cực khổ làm ra, tôi cũng nên biết xót một tí chứ".

 

Chuyện của Vân Anh (20 tuổi, SV Cao đẳng bán công Hoa Sen). "Anh X. là sư phụ của tôi từ ngày đầu tiên lò dò vào công ty này làm bán thời gian. Anh X. đã rất tốt, không tiếc công sức hướng dẫn tôi từng li từng tí. Sau một thời gian làm ở công ty, tôi nhận ra thật sự năng lực của mình thích hợp với bộ phận của anh Y. hơn, sẽ có nhiều cơ hội cống hiến và phát triển hơn nếu tôi được làm ở bên anh Y…

 

Cả anh X., anh Y. và ban giám đốc đều nhận ra điều đó. Anh Y. cũng đang cần phụ tá. Nhưng theo lề thói môi trường làm việc của người Việt mình, tôi và mọi người đều ngại không dám lên tiếng vì sợ mích lòng. Và khi tôi nín thở tự đề nghị được chuyển sang chỗ anh Y., anh X. đã không thèm nói chuyện với tôi nữa. Mọi người cũng nhìn tôi xa cách hơn. Họ nghĩ tôi là đứa thực dụng, ham vụ lợi, "có trăng quên đèn". Thậm chí tôi còn lo cả anh Y. cũng nghĩ một ngày nào đó, nếu tôi tìm thấy điều gì hay ho hơn, tôi sẽ "thực dụng" đi theo chị Z. nào đó".

 

Ba mẩu chuyện trên vẫn còn là quá ít trong vô vàn những "thử thách" 8X gặp hàng ngày. Và bất kỳ một 8X "có suy nghĩ" nào, họ đều cảm thấy băn khoăn day dứt cho những quyết định của mình. Nói cách khác, 8X đang chơi trò làm xiếc trên dây, vì khoảng cách giữa sống "thực dụng" và "thực tế" là quá mong manh.

 

Cũng đơn giản như khi bạn nói không tin vào chuyện cổ tích, bạn là người thực tế, nhưng nếu bạn nói, "đừng kể cho tôi chuyện hão huyền ấy, làm ơn kể cho tôi cách nào kiếm được nhiều tiền ấy", bạn sẽ biến thành "con ma" thực dụng ngay! Dù rằng hơn phân nửa dân 8X thích câu trả lời thứ hai, dù ít ai can đảm nói ra.

 

Nói như người lớn, thực dụng là đặc tính xấu của giới trẻ, nhưng theo những gì mà 8X đang sống, đang thở thì có lẽ "thực dụng" đã thành một dạng "thương hiệu" mới được nói nhiều nhất ở 8X. Cũng vì vậy mà bản thân "thực dụng - hay không thực dụng?" phụ thuộc vào ánh nhìn, cái xét đoán của người ngoài. Là bởi cuộc sống là một chiến dịch quảng cáo khổng lồ, mà mỗi chúng ta luôn cố tạo thiện cảm và vui lòng cho khách hàng "thượng đế" xung quanh, hơn là tự thân chúng ta muốn nghĩ thế, làm thế.

 

Thanh Thảo, 23 tuổi, du học sinh ở Mỹ, nói: "Đơn giản thôi, khi bạn thiết tha với công việc nào đó, bạn sẽ làm việc với đầy tình cảm và nhiệt huyết. Hoài bão tiến lên là điều tốt và cực kỳ khuyến khích. Nhưng phải trên nền tảng nhiệt tình và hết mình. Đó mới là một đầu óc thực dụng khôn ngoan". Điều quan trọng không phải là trói mình theo khuôn khổ sống "lý tưởng" hay "thực dụng" mà là sự cân bằng. Một đầu óc thực dụng khôn ngoan, bạn có không?

 

Việc đóng khung thành một bản "nội quy" chỉ rõ như thế này hay thế khác là thực dụng, thiết nghĩ là một chuyện rất thừa và có phần thiển cận. Kết thúc nó ở phạm vi một bài viết lại càng không đủ. Bài toán đặt ra cho 8X không phải bằng mọi giá "rũ bỏ" hai từ "thực dụng" mà thời đại mình đã lỡ đeo mang, mà tìm cách cân bằng và hoàn thiện nó theo hướng tích cực.

 

Theo Tiếp Thị Gia Đình