Thủ khoa "thích trẻ nhỏ" đáng yêu của ĐH Y Hà Nội

(Dân trí) - Từ ngày bước chân vào trường Y, Phương Mai đã dành trọn tâm huyết và nỗ lực hết mình cho nghề bác sĩ cứu người.

 

Thành tích của Chu Thị Phương Mai

 

Sinh viên thủ khoa toàn khóa học, thủ khoa ngành Bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Hà Nội. Điểm học tập toàn khóa: 8,65. Điểm rèn luyện toàn khóa đạt loại Xuất sắc.

 

Là 1 trong 3 Thủ khoa tốt nghiệp 2014 của ĐH Y Hà Nội được Thành đoàn Hà Nội vinh danh.

11 lần nhận Học bổng khuyến khích học tập của Trường Đại học Y Hà Nội

 

2 lần nhận Học bổng Vallet

 

2 lần nhận Học bổng Mitsubishi

 

2 lần nhận Học bổng “Chung sức cùng nữ thầy thuốc tương lai”

 

2 lần nhận Giấy khen Sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Y Hà Nội

 

Tham dự gặp mặt 20 nữ sinh viên xuất sắc do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia tổ chức.

 

 
Chu Thị Phương Mai - Thủ khoa tốt nghiệp trường ĐH Y Hà Nội

Chu Thị Phương Mai - Thủ khoa tốt nghiệp trường ĐH Y Hà Nội

Chưa bao giờ mất tiền học phí

Là Thủ khoa tốt nghiệp trường ĐH Y Hà Nội, ngôi trường danh giá bậc nhất nhưng Chu Thị Phương Mai rất khiêm tốn.

Cô chia sẻ rằng bí quyết để có được thành tích học tập thật tốt không gì khác ngoài chăm chỉ. Sự chăm chỉ đòi hỏi kiên nhẫn, tích lũy kiến thức lâu dài chứ không đợi tới ngày thi mới nỗ lực học thật nhiều.

“Mình thấy rằng muốn có kết quả tốt thì phải tập trung học tập ngay từ năm thứ nhất. Với ngành Y chúng mình thì kiến thức rải đều trong suốt 6 năm. Kiến thức từ khi mới vào trường có thể dùng đến cho nhiều năm sau khi, kể cả khi đã đi làm.
 
Trường mình không thiếu những bạn học giỏi từ phổ thông nhưng khi vào đại học thì chưa quen với cách học và tâm lý được “tháo cũi sổ lồng” khi xa cha mẹ nên thường chểnh mảng các năm đầu, tới khi muốn quay lại chuyên tâm học hành thì cũng khó bù đắp được hết những chỗ hổng kiến thức”, Phương Mai chia sẻ.

Suốt 6 năm học đại học, Phương Mai chưa từng mất tiền học phí bởi cô bạn thường xuyên nhận được học bổng của trường và các đơn vị bên ngoài hỗ trợ. Thậm chí, nhờ số tiền học bổng này, Phương Mai còn có thêm tiền tiêu vặt và trang trải những chi phí học tập, nghiên cứu khác.

Con đường 9 năm để trở thành bác sĩ

Ngay từ năm học đầu tiên, mặc dù luôn tiếp cận các môn học mới từ y học cơ sở đến y học lâm sàng với nhiều bỡ ngỡ nhưng Phương Mai luôn cố gắng phấn đấu, tìm tòi phương pháp học tập phù hợp. Cùng với sự chỉ bảo tận tình của người cha cũng làm ngành y và của các thầy cô, Mai đã đạt thành tích cao nhất với chuyên ngành Y đa khoa.

Trong những năm học vừa qua, Mai là một cán bộ lớp luôn tích cực đẩy mạnh các phong trào hoạt động của lớp về văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động ngoại khóa khác bên cạnh việc học tập.
 
Phương Mai cho rằng, nghề Y vốn nhiều áp lực ngay cả với các sinh viên. Các bạn vừa đi học, vừa thực tập tại các bệnh viện, lịch trình rất căng khẳng. Vì vậy, mỗi người phải tự mình tìm ra những phương thức giải trí hợp lý, thư giãn để luôn giữ được trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Phương Mai (mặc áo dài) trong ngày lễ nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc

Phương Mai (mặc áo dài) trong ngày lễ nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc

Mai cũng cảm thấy mình rất may mắn vì luôn có bố mẹ ở bên động viên, ủng hộ con đường y khoa chông gai mà cô đã chọn. “Bố mẹ mình bảo rằng con đường này nhiều khó khăn, nhất là những bước đầu nhưng mình sẽ đạt được thành quả nếu kiên trì tới cùng”, Mai chia sẻ.

Ngành Y là ngành học có thời gian đào tạo kéo dài nhất. 6 năm học đại học, cầm tấm bằng cử nhân xuất sắc, Mai đang tiếp tục ôn thi nội trú. Nếu đỗ kì thi này, cô sẽ tiếp tục học 3 năm nữa để có thể làm việc tại bệnh viện Nhi mà mình mơ ước.
 
“Mình rất thích trẻ con, làm việc với các bé không căng thẳng như với người lớn. Mình thương các bé nên thường ở lại chơi với các em sau những giờ thăm bệnh”, Phương Mai kể.

Trăn trở với ngành

Vừa học vừa thực tập tại các bệnh viện, Phương Mai có điều kiện tiếp xúc thực tế. Càng đi sâu vào chuyên môn và chứng kiến đời sống của người bệnh, cô càng trăn trở.
 
“Trong chuyến đi thực tế tại Hà Nam, mình và các bạn được dịp tìm hiểu và ghé thăm các cơ sở y tế địa phương. Mình thấy rằng các trạm xá đều ở trong tình trạng thiếu y bác sĩ, trang thiết bị… Tình trạng này chính là lí do bệnh nhân đổ về tuyến trung ương nhiều”, Mai nhận xét.

“Ở các bệnh viện tuyến trung ương tập trung vô vàn hoàn cảnh khó khăn. Bởi vì những người có điều kiện sống không tốt lại dễ mắc phải nhiều bệnh hơn những người có điều kiện sống khá hơn. Thực tế này tạo nên một vòng luẩn quẩn đối với người nghèo”. Phương Mai mong rằng các chính sách bảo hiểm y tế sẽ được nâng cao, dành nhiều sự quan tâm giúp đỡ cho người nghèo hơn nữa.

Những tháng ngày vừa học kiến thức chuyên ngành, vừa thực tập tại bệnh viện cũng đã khiến Mai có nhiều ám ảnh. Khi chứng kiến người bệnh ra đi, cảnh đau xót của người thân bệnh nhân, Mai cảm thấy mình bất lực. Bởi vậy, cô luôn dặn mình phải cố gắng học tập tốt hơn nữa để trở thành một bác sĩ giỏi giúp đỡ bệnh nhân.

Chính những người bệnh cũng dạy cho Mai những bài học đáng quý về cuộc sống: “Khi đi viện mình mới thấy cuộc sống có quá nhiều người khổ, không có điều kiện kinh tế và mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn rất lạc quan và khát vọng sống. Đó chính là điều khiến mình khâm phục”.

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm