Thử chết để sống tốt hơn

Đứng trước một chiếc bàn thờ ngập hoa, trong cảnh tranh tối tranh sáng, Baek Kyung-ah lặng lẽ đọc bản di chúc của mình. Cô nức nở trong tiếng nhạc nền trang nghiêm: “Tôi không thể tin được mình đang sống ngày cuối đời!”…

Rồi vừa khóc, cô vừa nằm vào một chiếc quan tài để “được chôn”: “Gửi chồng của em. Bởi đây là lần cuối cùng em được thấy anh, nên em mong anh thứ lỗi cho em vì em chỉ biết nghĩ đến mình mà không làm tròn nghĩa vụ của một người vợ đảm. Gửi bố mẹ của con. Chỉ một việc đơn giản là nghĩ đến bố mẹ thôi cũng đủ khiến tim con đau xé. Con yêu bố mẹ”.

 

Chết thành công

 

Trên đây là ví dụ điển hình của thế giới “chết thành công”, một khái niệm hiện rất thịnh hành ở Hàn Quốc, được đưa ra vào năm 2004 bởi Ko Min-su, 40 tuổi, sau khi hai người anh của ông lần lượt qua đời sớm do tai nạn máy bay và ô tô. Từ đó, để giúp mọi người hiểu hơn về cái chết, nỗi đau và ý nghĩa cuộc sống, ông đã sáng lập ra Korea Life Consulting, chuyên tổ chức đám tang giả cho những khách hàng mong muốn nhận thức được giá trị cuộc sống của mình. Ông giải thích: “Hàn Quốc là đất nước giữ kỷ lục đáng buồn về tỷ lệ người tự tử, ly hôn và ung thư. Do đó, tôi muốn lập ra một chương trình dành cho những ai muốn thử nghiệm cái chết”. 

 

Quả vậy, trong vòng năm năm qua, số ca tự tử ở Hàn Quốc đã tăng gấp hai lần. Các chuyên gia tâm lý cho rằng hiện tượng này là hệ quả của những biến động xã hội đột ngột, xảy ra do quá trình công nghiệp hóa đất nước quá nhanh chóng, khiến cạnh tranh trở nên khốc liệt và nhiều người lâm vào cảnh tài chính khó khăn.

 

Ngoài ra, cũng phải kể đến vấn đề chất lượng cuộc sống mà nổi cộm là chuyện giờ giấc làm việc quá tải. Vì vậy, chương trình của Ko đã nhanh chóng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo người dân xứ sở kim chi. Từ ngày ra đời, chương trình đã nhận hơn 50.000 học viên theo học. Thậm chí nhiều doanh nghiệp, nhiều tập đoàn nổi tiếng cũng hào hứng tổ chức các buổi học về nghệ thuật “chết thành công” cho nhân viên của mình.

 

Samsung Electronics, Huyndai Motor, Kyobo Life Insurance, hay Mirae Asset Management... đều thường xuyên gửi nhân viên đến dự các buổi học của Ko nhằm động viên họ tự vấn bản thân về những ưu tiên trong cuộc sống, song cũng nhằm thử dự báo xem nguy cơ tự  tử là bao nhiêu phần trăm. Đặc biệt, Samsung và Kyobo đã coi các buổi học này như một phần cấu thành hoạt động của hãng mình. Họ còn cho xây các nhà tang lễ giả. Đôi khi, nhân viên của một vài công ty quốc tế khác như ING hay Allianz cũng đến đây xin “chết nhờ”.

 

Thử chết để sống tốt hơn - 1
 Tổ chức Korea Life Consulting

 

Một cách để ý thức về vẻ đẹp của cuộc sống

 

Với thứ ngôn ngữ tối giản, Ko bắt đầu tiết học bằng một bài phát biểu động viên tinh thần. Trong đó, ông đưa ra một “phép tính cuộc đời”, xác định thời gian đi từ cõi sống tới cõi chết. Kết quả là chưa đầy 1/1000 giây!

 

Tiếp đến, những người có mặt trong tiết học được dẫn vào các phòng thắp nến tranh tối tranh sáng. Tại đó, bằng cách trả lời một loạt các câu hỏi, họ tự soạn di chúc cho mình. Chẳng hạn như, nếu hôm nay bạn chết, bạn sẽ nói gì với gia đình mình? Bạn nghĩ gì về cuộc sống cũng như công việc của bạn? Thường thì ngay từ những dòng đầu, khắp phòng đã vang lên những tiếng sụt sịt. Đặc biệt là phụ nữ, họ không ngăn nổi nước mắt.

 

Trước khi vào “phòng thử nghiệm chết”, các học viên được chụp ảnh, được thấy người ta lồng ảnh mình vào khung thắt khăn tang. Trong phòng có một dãy quan tài mở nắp được trang trí xung quanh bằng ảnh của những người quá cố nổi tiếng: Ronald Reagan, Công nương Diana, người sáng lập tập đoàn Samsung Lee Byung-chull.

 

Trước một chiếc bàn thờ rợp hoa cùng ảnh tang, Ko mời học trò chọn một chiếc quan tài, mặc đồ tang truyền thống bằng sợi gai dầu và lần lượt từng người đọc to những nguyện vọng cuối cùng của mình.

 

Cuối cùng là lễ chôn cất. Học viên nằm vào quan tài. Một người đàn ông mặc đồ truyền thống đặt lên ngực họ một bông hoa. Các nhân viên lễ tang đậy nắp quan tài lại, đóng đinh rồi rải đất lên, tạo ra tiếng động ầm ầm như đá rơi trên mái nhà. Sau đó họ rời “nhà quàn” trong năm phút. Khoảng thời gian tưởng chừng bất tận đối với “người quá cố”! Baek Kyung-ah khẳng định: “Khi họ đóng đinh và rải đất, tôi thực sự cảm thấy như mình chết rồi vậy. Khoảnh khắc ấy khiến cái chết không còn xa lạ với tôi nữa và tôi thấy mình phải sống cho ra sống hơn”.

 

Còn Yoon Soo-yung - Giám đốc Viện đào tạo giáo dục Cheonnam thì thừa nhận đây là một trải nghiệm kinh khủng: “Tôi cảm giác mình nghẹt thở. Tôi đã khóc rất nhiều khi nằm trong quan tài. Tôi thấy hối tiếc một số điều và một số lỗi lầm tôi từng phạm phải”. Mặc dù có một số chuyên gia không tin tưởng lắm vào hiệu quả cảnh báo nạn tự tử của chương trình này, mà coi trọng hơn việc xử lý tận gốc các nguyên nhân cơ bản như trầm cảm hoặc tình cảm cực đoan.  

 

Nhưng hiện tại, “phần thắng” vẫn thuộc về Ko. Bởi kết thúc mỗi tiết học, các học viên của ông tỏ ra hiểu vấn đề hơn và coi trọng cuộc sống hơn: “Cuộc sống là một món quà mà cha mẹ đã trao tặng chúng ta, nhưng cách sống lại phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi chúng ta. Thử chết, đó cũng là cách để người ta ý thức được vẻ đẹp của cuộc sống”.

 

 Theo Phùng Hồng Minh

Sinh Viên Việt Nam