Thông điệp đầy “sức mạnh” về HIV của một sinh viên

(Dân trí) - Giành giải nhất trong cuộc thi về HIV “Sáng tạo cùng cảm xúc” bằng một clip độc đáo đầy “màu sắc” về căn bệnh thế kỷ này. Qua đó, cậu sinh viên Lê Văn Quyền muốn gửi một thông điệp đầy “sức mạnh” đến cách bệnh nhân có HIV.

Sinh năm 1989, là sinh viên khoa Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa, Quyền đến cuộc thi về HIV này khá tình cờ, do một người bạn hồi cấp ba học trường Kinh tế Quốc dân, hoạt động trong CLB Tuyên truyền phòng chống HIV của trường rủ Quyền tham gia. Bởi Quyền vốn là người thích mày mò, quay lại cảnh quanh cuộc sống của mình bằng bằng những hình ảnh, biểu tượng ẩn ý.
 
Thông điệp đầy “sức mạnh” về HIV của một sinh viên - 1
Quyền (bên trái) và nhân vật chính trong clip ngày nhận giải. (Ảnh: Hoài Nam).

Biết đó là cuộc thi tuyên truyền về HIV cho thanh thiếu niên, Quyền gật đầu tham gia ngay. Hàng loạt ý tưởng như các hình thức kêu gọi, các buổi thảo luận tuyên truyền về HIV Quyền nghĩ ra cho cảnh quay video clip nhưng không một ý tưởng nào làm cậu vừa lòng. Cậu không có nhiều cơ hội để tiếp xúc thực tế với những người nhiễm HIV. Quyền theo cậu bạn để tham gia vào các buổi hoạt động của CLB Tuyên truyền phòng chống HIV của trường ĐH Kinh tế Quốc dân để tích lũy kiến thức.

Rồi Quyền lên mạng, tổng hợp tất cả các thông tin về HIV và cậu nhận ra một điều... Quyền thấy vấn đề lớn nhất trong việc tuyên truyền HIV không phải là sự kỳ thị, phân biệt, xa lánh người có HIV của mọi người, mà là sự tự ti, mặc cảm của chính người mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Theo Quyền đó là điều đầu tiên cần tháo gỡ thì việc tuyên truyền mới thật sự mới đạt được hiệu quả.

Từ đó, Quyền hình thành ra ý tưởng cho nội dung video clip của mình. Nhưng sửa đi chỉnh lại, tính ra cậu cũng mất gần một tháng để hoàn thành kịch bản cho clip với thời lượng chỉ 3 phút. Nhiều người nghĩ rằng yêu cầu càng ngắn càng dễ làm nhưng Cường không thấy như thế. “Nếu thời lượng dài hơn mình chắc không mất nhiều thời gian như thế vì việc chuyển tải sẽ đơn giản hơn. Còn đây mình muốn nói rất nhiều thứ nhưng phải nhớ là chỉ có ba phút nên nói ra lời nào với có trọng lượng và giá trị lời ấy”. Quyền tự nhủ.

Cuối cùng, Cường lôi ngay cậu bạn thân Lưu Quang Thắng, người bạn rủ rê Cường tham dự cuộc thi đóng nhân vật chính trong clip của mình. Mất ba thêm ba ngày xách máy đi quay, về chọn lọc, cắt ghép, khi thấy vừa ý với tác phẩm của mình, Quyền mới quyết định gửi đi dự thi.
 
Clip mở đầu bằng bằng hình ảnh một thanh niên có HIV đứng trên cầu Long Biên, trước mắt cậu lúc đó chỉ xuất hiện màu sắc lạnh đen vào trắng. Nhưng rồi một dải lụa màu đỏ theo gió lọt vào tay cậu. Cậu đã có sự biến chuyển ít nhiều trong nhận thức, ý chí. Tiếp đó, một bạn gái đưa đến cho cậu một dải lụa màu xanh và một cụ già đưa đến cho cậu một dải lụa vàng. Những gam màu nóng xuất hiện bên những gam lạnh là xua đi sự lạnh giá và làm thay đổi cả tiềm thức của người thanh niên trẻ và cả những người xung quanh. Những dải lụa là biểu tượng cho sự kết nối.
 
Thông điệp đầy “sức mạnh” về HIV của một sinh viên - 2
Quyền chụp ảnh cùng Anh hùng Châu Á Phạm Thị Huệ. (Ảnh: Hoài Nam).

Chính sự sáng tạo bất ngờ này đã đem đến giải Nhất tại cuộc thi cho Quyền. Quyền bày tỏ về clip của mình: “Trước mắt một người nhiễm HIV chỉ toàn là màu đen nhưng nếu họ dũng cảm dang tay đón nhận sẽ thấy cuộc đời vẫn còn rất nhiều màu sắc khác đang chờ đợi họ”.

Quyền nhấn mạnh: “Việc tuyên truyền về HIV sẽ trở nên vô nghĩa nếu như chính những người có HIV không cởi mở lòng mình, tự tin hơn. Chính họ - những người có HIV - phải tự nhận thức mình vẫn còn có một cuộc đời phía trước để sống tự tin thì sự hòa đồng, giúp đỡ từ những người xung quanh, từ xã hội mới thật sự có tác dụng”.

Quyền rất mong, trong trường cậu sẽ có CLB về tuyên truyền HIV để sinh viên tham gia như một số trường khác. Còn sau này, ngoài mong muốn trở thành kỹ sư giỏi, Quyền còn dự định cậu sẽ tham gia vào các hoạt động xã hội. Và tất nhiên, Cường sẽ hướng đến những con người không may mắn, mang trong mình căn bệnh HIV vì sau cuộc thi này, cậu thấy mình có “duyên nợ” với vai trò là một nhà tuyên truyền về HIV.
 
 Hoài Nam