Thông báo “người Việt ăn cắp vặt ở Nhật”: DHS Việt nói gì?

(Dân trí) - Suy nghĩ về câu chuyện “ăn cắp vặt” dấy lên từ thông báo mới đây của Trường Nhật ngữ, Tokyo đến học sinh Việt Nam đang “nóng” trên nhiều diễn đàn, các du học sinh Việt Nam tại xứ sở mặt trời mọc đưa ra những ý kiến nhiều chiều và có phần… thấu hiểu.

Thông báo của Trường Nhật ngữ đang gây xôn xao nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội…
Thông báo của Trường Nhật ngữ đang gây xôn xao nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội…
 
Theo thông báo trên, “hiện nay, nhiều sinh viên Việt Nam đang sinh sống tại Nhật bị bắt vì tội ăn cắp, bỏ trốn và không đến trường nên làm nhà trường rất lo lắng…”

 

Cùng với những biển cấm ăn cắp bằng tiếng Việt ở Nhật gây xôn xao các mạng xã hội Việt trước đó, sự việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về những việc làm xấu xí của một bộ phận người trẻ Việt ở nước ngoài.
 
Biển cảnh báo người Việt ăn cắp tại siêu thị ở Nhật bằng tiếng Việt không hiếm…
Biển cảnh báo người Việt ăn cắp tại siêu thị ở Nhật bằng tiếng Việt không hiếm…

 

Thích nghi pháp luật, văn hóa; văn minh trong từng cử chỉ…

 

Có gần 6 năm học tập, sinh sống ở nước Nhật, Kim Mạnh Hiệp (26 tuổi) – cựu du học sinh Đại học Tokyo Agriculture and Technology University, Nhật Bản chia sẻ: “Trộm cắp là một trong những tội mà người Nhật ghét nhất chỉ sau quấy rối phụ nữ. Trên thực tế, những trường hợp du học sinh Việt bị bắt về tội ăn cắp, trục xuất khỏi Nhật ngày càng gia tăng.

 

Hiện tại, mình được biết có một vài công ty đã… cấm tuyển người Việt Nam. Một số video được các công ty này công bố có ghi lại hình ảnh người Việt ăn trộm sản phẩm… Rồi có cả những biển tiếng Việt “cấm ăn vụng, uống vụng đồ trong nhà bếp” để cảnh báo những bạn trẻ Việt làm trong nhà hàng Nhật nữa.

 

Chưa kể, gần đây có một số vụ ăn cắp đồ trong siêu thị, hay bắt trộm dê của người dân, mà đài truyền hình NHK (Nhật) đã có phóng sự riêng dài hơn 20 phút… Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những bạn đã, đang có ý định trộm cắp vặt trong đời văn minh, kiểm soát chặt chẽ của người Nhật.
 
Mạnh Hiệp cho rằng tìm hiểu hiểu văn hóa, pháp luật của nước bản địa là chìa khóa để hòa nhập.
Mạnh Hiệp cho rằng tìm hiểu hiểu văn hóa, pháp luật của nước bản địa là chìa khóa để hòa nhập.

 

Theo Hiệp, bài học thích nghi pháp luật và văn hóa nước sở tại là bài học đầu tiên -quan trọng nhất của người trẻ Việt ở đất khách: “Một số những quy tắc công cộng cơ bản nhất là giữ gìn vệ sinh chung, luôn tôn trọng trật tự, không nói chuyện, nghe nhạc ồn ào nơi công cộng, không trộm cắp.

 

Ngoài ra, còn là văn hóa đúng giờ, văn hóa xếp hàng, văn hóa chào hỏi… Chúng ta phải tìm hiểu để hòa nhập, thích nghi với văn hóa, pháp luật của nước bản địa.

 

Chẳng hạn ở Nhật, dù đêm khuya thanh vắng, không một bóng người, đèn đỏ vẫn là đèn đỏ, người tham gia giao thông tuyệt đối không vượt tín hiệu. Mình mong rằng, các du học sinh, thanh niên Việt tại Nhật sẽ phát huy ý thức tự giác, lòng tự tôn dân tộc, học tập, lao động một cách trung thực, văn minh trong từng cử chỉ”.

 

“Thiếu hiểu biết, túng quẫn và bế tắc mà sa ngã”

 

Phản ứng với bảng thông báo của Trường Nhật ngữ, Viện Nghiên cứu Tokyo, không ít người bày tỏ thái độ xấu hổ, nhục nhã… có người còn cho rằng đây là bệnh nan y, đã có từ lâu và hầu hết người Việt Nam sống tại nước ngoài đều mắc?!

 
Hồng Trang mong tất cả du học sinh sẽ thật giỏi tiếng Nhật…
Hồng Trang mong tất cả du học sinh sẽ thật giỏi tiếng Nhật…
 

Tuy nhiên, đứng ở một cái nhìn gần hơn khi cùng là du học sinh tại đất nước hoa anh đào, Doãn Hồng Trang (Phó chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản – VYSA, hiện là SV Trường Aoyama Gakuin) bày tỏ: “Mình rất buồn. Một vài bạn du học sinh ở Việt Nam không ăn cắp nhưng sang đây lại nảy ra tính ăn cắp.

 

Một trong những lí do là do một vài bạn không có sự tìm hiểu kỹ càng về thông tin du học, gia đình phải vay mượn, tin vào lời hứa ngọt ngào của các công ty tư vấn du học rằng có thể vừa học vừa làm thêm kiếm được số tiền lớn…

 

Thực tế, số giờ quy định được làm thêm của du học sinh là 28 tiếng, trong khi đó nhiều bạn phải tự trả hoàn toàn học phí cho trường tiếng Nhật và sinh hoạt phí mà không có sự hỗ trợ của gia đình. Không phải ai cũng ăn cắp và có những người vì túng quẫn và bế tắc mà sa ngã”.

 

Đồng tình với Mạnh Hiệp, Hồng Trang cũng cho rằng, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa cũng là nguyên nhân khiến một số du học sinh vi phạm luật pháp Nhật.

 

“Ví dụ ở Việt Nam hái quả ngoài đường không bị bắt nhưng ở Nhật bị coi là ăn cắp. Mình mong rằng mọi người sẽ học tiếng Nhật thật giỏi để tiếp thu những phong cách sống và làm việc của người Nhật, họ cực kỳ tôn trọng luật pháp”, Trang hi vọng.

 
Tham gia vào các tổ chức Hội SV Việt Nam tại Nhật là giải pháp của Hương Giang.
Tham gia vào các tổ chức Hội SV Việt Nam tại Nhật là giải pháp của Hương Giang.
 

Giải pháp nào cho nạn “trộm cắp vặt”?

 

“Chạnh lòng” với nạn trộm cắp của một bộ phận bạn trẻ Việt ở Nhật, Nguyễn Hương Giang (24 tuổi, SV năm cuối trường Asia University, Nhật Bản) cho rằng, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.

 

Cô bạn nói: “Đối với thực trạng này của một bộ phận người trẻ Việt tại Nhật thì cá nhân mình thực sự không quá “hà khắc”.

 

Tất nhiên, mình hoàn toàn không đồng ý với những hành động đó. Nhưng với tư cách của mội du học sinh đã học tập trên đất nước Nhật 5 năm, mình thấu hiểu được phần nào nỗi niềm của họ.

 

Theo mình, có 2 nguyên nhân dẫn đến việc trộm cắp này. Thứ nhất, trước khi trở thành như vậy, các bạn ấy cũng chỉ là du học sinh bình thường nhưng do hoàn cảnh “cơm áo gạo tiền” nên “nhẹ dạ cả tin” vào những lời “rót tiền như rót mật” và bị các tổ chức tội phạm liên hệ, dụ dỗ thực hiện hành vi trộm cắp.

 

Thứ hai, trước và khoảng thời gian đầu khi sang Nhật, các bạn ấy chưa có cơ hội để định hướng đúng đắn về con đường tương lai của mình. Mình nghĩ, các bạn du học sinh nên sớm tham gia vào các tổ chức Đoàn, Hội để được định hình tư tưởng và có lối sống lành mạnh”.

 
“Mỗi người hãy có ý thức cá nhân trong mỗi hành động nhỏ nhất”, Nguyễn Phượng chia sẻ.
“Mỗi người hãy có ý thức cá nhân trong mỗi hành động nhỏ nhất”, Nguyễn Phượng chia sẻ.
 

Từ những câu chuyện, hình ảnh “tố” thói “trộm cắp vặt” của du học sinh Việt tại Nhật, Nguyễn Phượng - một bạn trẻ Việt 26 tuổi đang làm việc tại Nhật nói: “Theo mình, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính cách giáo dục của người Việt, từ cách hành xử đời thường.

 

Cuộc sống du học ở xứ người có nhiều khó khăn, nếu gặp khó khăn hãy chia sẻ thẳng thắn với bố mẹ, người thân, bạn bè; thầy cô người Nhật và nhà trường để được hỗ trợ.Theo quan điểm của mình đã là du học sinh, là những người có học thức thì biết nên làm gì, không nên làm gì.

 

Mỗi người hãy có ý thức trong mỗi hành động; chung tay xây dựng hình ảnh đẹp về cộng đồng người Việt trẻ, du học sinh năng động, hiểu biết, văn minh, tôn trọng pháp luật nước sở tại”.

 

Lệ Thu