Thói xấu thích chê bai người khác
Tổng kết năm học, Nguyễn Ngọc Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được giấy khen vì có thành tích học tập xuất sắc. Lan vui mừng "up" lên facebook nhưng ngay sau đó, Lan bị một số bạn nhảy vào bình luận không tiếc lời: “vậy mà giỏi gì”, “âu cũng là do hên” …
Phải chê mới hả dạ
Để minh chứng cho nhận xét của mình, một người còn lôi ra "một đống" khuyết điểm của Lan như: phát âm tiếng Anh không hay, học môn thể dục cũng chỉ đạt có 6.0, thậm chí có người còn bảo "con ý vừa lùn vừa cận”...
Ngọc Lan chia sẻ: "Thực sự mình rất ấm ức khi bị các bạn ấy chê bai không thương tiếc. Gia đình mình hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện đi học thêm như các bạn khác, vì thế, để có được thành tích học tập đó mình đã phải nỗ lực rất nhiều. Thế mà các bạn ý không công nhận mà còn bới móc, nói xấu mình".
Cùng nỗi buồn như Lan, Mạnh Hùng (Gia Lâm, Hà Nội) tâm sự: "Mình đi thi và đạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát học sinh - sinh viên. Khả năng ca hát của mình được hội đồng giám khảo có uy tín khẳng định.
Tuy nhiên, mình vừa bước từ trên sấu xuống đã có ý kiến bảo "hay cái quái gì mà hay. Chẳng qua đẹp trai nên lấy được cảm tình của ban giám khảo. Những lời lẽ như thế làm mình buồn hẳn".
Chị Ngọc Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc chê bai người khác, thích "vạch lá tìm sâu" dường như đã trở thành thói quen xấu của một số bạn trẻ Việt. Chính chị cũng mắc thói xấu này cho đến khi trực tiếp nghe câu chuyện về lớp học của chồng.
Chị Hằng kể: "Chồng mình tham gia một khóa học báo chí, học xong anh về nhà kể ra chiều tâm đắc, rằng, thầy giáo người Đan Mạch thấy lúc nào các nhóm lên thuyết trình thì người của nhóm khác cũng chê, thầy lấy làm ngạc nhiên lắm.
Mãi sau ông mới hiểu ra và bảo, có lẽ học viên Việt Nam không biết nên tôi nhắc lại, tất cả mọi người phải tuân theo nguyên tắc “phản hồi tích cực”, nghĩa là tìm ra cái tốt của nhóm bạn mà khen. Từ đó lớp học chuyển hẳn qua một trạng thái khác, tất cả đều hòa đồng, vui vẻ".
Học cách khen người khác
Lí giải về thói xấu "thích vạch lá tìm sâu" của người trẻ các chuyên gia cho rằng, đây là một hiện tượng có thật trong đời sống. Không hài lòng bất kỳ điều gì, không muốn thừa nhận ai mà chỉ thích thích phê bình, muốn chửi đổng, muốn phê phán, muốn vạch lá tìm sâu… chính là bệnh “cái tôi quá lớn”.
Nguyên nhân chính dẫn đến điều này đó là sự không muốn chấp nhận ở người khác, không muốn người khác hơn mình. Ngoài ra sự đố kỵ, ganh ghét, ghen ăn, tức ở cũng là một phần nguyên nhân.
"Muốn loại bỏ thói xấu này, người trẻ phải tự trang bị cho mình kỹ năng sống, cách nhìn nhận vấn đề thật khách quan. Quan trọng hơn, phải học cách kìm chế cái tôi, không thể để cái tôi quá lớn", các chuyên gia khuyến cáo.
Còn với chị Ngọc Hằng, sau khi nghe câu chuyện của chồng chị hiểu ra nhiều điều. "Mình ngần ấy tuổi, làm việc ngần ấy năm, thế mà nghe "anh xã" kể câu chuyện của thầy giáo Đan Mạch, mình cũng ớ ra. Ừ nhỉ, sao cứ phải chê. Tìm ra cái tốt của bạn để khen mà khen cho đúng thì bạn càng nể phục. Bạn được khen, sau đó đến lượt mình được khen thấy sinh khí cũng khác.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, người khen cũng phải có trình độ và người được khen cũng cần có bản lĩnh để nghe khen. Có như vậy, chúng ta mới thoát khỏi căn bệnh "vạch lá tìm sâu" mà người được khen cũng không rơi vào thói xấu tự phụ.
Chê (hay phản biện) vốn là một hành động tích cực, nhưng chê cũng phải cho đúng và cho trúng, nếu quá đà thì thành thói, thành bệnh và sẽ trở nên tiêu cực.
Bạn hãy áp dụng phương châm "phản hồi tích cực" của thầy giáo Đan Mạch một lần thử xem, tôi tin là mọi chuyện sẽ rất khác", chị Hằng nói.
Theo Nguyễn Dũng
Tuổi trẻ thủ đô