Thời trang giảng đường: Nơi thoải mái "hai dây", nơi "kín cổng cao tường"
(Dân trí) - Ngay ở TPHCM, có những trường sinh viên thoải mái thích gì mặc nấy, áo hai dây là hình ảnh quen thuộc. Ngược lại, nhiều trường quy định sinh viên "kín cổng cao tường".
Hai mảnh, quần đùi... cỡ nào cũng có
Vào các trường đại học ở TPHCM, nhất là một trường tư ... hay các trường đào tạo về nghệ thuật, kiến trúc có thể thỏa sức nhìn đủ phong cách thời trang của sinh viên.
Những phong cách năng động, trẻ trung, hiện đại, thoải mái và cũng đầy cá tính dữ dội.
Áo hai dây, ái quây, quần alibaba, quần thụng, quần đùi, váy ngắn rồi nhiều quần áo thời trang hiện đại, đủ sắc màu được sinh viên trưng diện lên giảng đường. Tất cả tạo nên một không gian thời trang sôi động, tự do, thoải mái và cũng không phần đẹp mắt.
Quần áo đủ kiểu thời trang, tóc tai càng rực rỡ. Rất nhiều chàng trai cô gái với đủ kiểu tóc với đủ màu sắc.
Nếu người ngoài lạc vào đây, sẽ phải ngỡ ngàng, tò mò đưa mắt theo nhìn... một cô gái nào đó thoải mái với chiếc áo hai dây hở bụng, lưng, quần ống rộng cùng với mái tóc đỏ chóe hay tím ngắt. Hay một cô gái mặc áo dài che kín cả chiếc quần đùi ở trong.
Cũng không phải không có những cô gái cạo nửa đầu, nửa còn lại là nhúm tóc dài chóe sáng.
Hay một anh chàng mặc chiếc áo ba lỗ xanh tươi non chuối với chiếc quần đùi đỏ ôm sát, với đôi dày hồng và mái tóc nhuộm highlight xanh tím. Nhiều chàng trai cột tóc đuôi ngựa, ăn mặc bụi bặm.
Nhiều người sẽ cho rằng là kỳ quái, kỳ dị, không hiểu nổi tại sao sinh viên lại có thể ăn mặc, tóc tai như vậy đến trường hay lắc đầu tự hỏi sao nhà trường lại cho phép sinh viên ăn mặc như vậy.
Thế nhưng hầu hết các trường tư thục, nhất là các trường theo mô hình quốc tế đều không can thiệp, không đưa ra những quy định về quần áo, tóc tai với sinh viên. Ở đây, có thể nói sinh viên tự do ăn mặc, thể hiện theo phong cách thời trang, cá tính của mình.
Nơi cao cổng kín tường
Ngược lại, vào rất nhiều trường ĐH, nhất là các trường công có thể thấy sự hiền lành, chân chất, đơn giản trong phong cách ăn mặc, thời trang của sinh viên khi đến giảng đường.
Có thể nói, về ngành học, về môi trường học cùng với những xuất phát điểm khác nhau nên sinh viên ở trường công lập phong cách, tư duy về thời trang của các bạn đơn thuần, nhẹ nhàng.
Chưa kể, không ít trường đặt ra những quy định "cao cổng kín tường" đối với sinh viên như "quản" học sinh phổ thông tiếp tục tác động đến thời trang giảng đường của sinh viên.
Mới đây, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM ban hành nội quy học đường với các quy định về tác phong của sinh viên như phải mặc đồng phục khi đến trường, đi giày dép có quai hậu, không được cạo trọc đầu... vấp phải phản ứng không chỉ người ngoài mà ngay cả sinh viên. Nhiều người cho rằng trường quá máy móc, cứng nhắc, nhất là đưa ra lý do... để tránh phân biệt giàu nghèo.
Điều này vô tình đi ngược với môi trường giảng đường, nơi sinh viên luôn được khuyến khích sáng tạo cũng như chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt. Tránh sự phân biệt, kỳ thị không phải là cùng mặc đồ giống nhau mà hơn hết, cần có sự nhìn nhận trong tư duy.
Trước đó, ĐH Cửu Long (Vĩnh Long) cũng từng ra quy định cấm toàn thể giáo viên, nhân viên, sinh viên mặc quần jean, áo thun, đi dép lê.
Hay Trường ĐH Tài chính - Marketing, TPHCM quy định sinh viên khi đến trường mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jean lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu.
Các trường lý giải là để phù hợp với truyền thống, tránh phản cảm ở môi trường học đường.
Quy định này của các trường gần như không được thực hiện được nhưng ít nhiều ràng buộc phong cách, tư duy thời trang của sinh viên.
Sự "đối chọi" phong cách thời trang giữa các trường cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về phù hợp hay không phù hợp.
Như chia sẻ của ThS Phan Bảo Giang, ĐH Kinh tế Tài chính, nhiều giảng viên ở trường công sang trường tư dạy có thể bị "choáng", "sốc" trước cách ăn mặc của sinh viên.
Hay một Tiến sĩ mỹ học nổi tiếng, khi dạy tại một trường công lập, ông khuyến khích sinh viên hãy mạnh dạn hơn trong việc ăn mặc, dám thể hiện mình theo hướng cảm thụ cái đẹp, thẩm mỹ lẫn phong cách cá nhân.
Khi vào các trường tư, kiến trúc, nghệ thuật... , ông đánh giá sinh viên rất phong cách, cá tính, dám thể hiện mình, đầu tiên qua thời trang. Các em cũng dạn dĩ, tự tin hơn khi thể hiện các quan điểm, suy nghĩ của bản thân.
Hoài Nam