Thời trang giảng đường sinh viên: Giảng viên nhìn còn "sốc"
(Dân trí) - Sinh viên mặc áo hai dây, hình xăm ngay giữa ngực, cổ, mặc quần đùi hay những phong cách thời trang thoải mái cỡ, nhiều giảng viên có thể "sốc" khi vào lớp.
ThS Phan Bảo Giang, Trường ĐH Kinh tế Tài chính chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách "Visual Thinking - Tư duy hình ảnh” của nhà sách Văn Lang diễn ra ngày 30/11.
Nhiều giảng viên, nhất là các giảng viên từ các trường ĐH công sang giảng dạy tại các trường tư, có thể bị "sốc" văn hóa với các ăn mặc của sinh viên. Hay nhiều người ghé vào các trường đại học này, có thể "hết hồn" với thời trang của các bạn.
Ông Giang cho hay, các bạn nữ mặc áo hai dây, loại rất mảnh, trễ, thậm chí có bạn mặc áo yếm, mà khi giảng bài ông thầy "không muốn thấy thì phải quay mặt đi", rồi các vết xăm nằm ngay ở cổ, ngực, mặc quần đùi... là hình ảnh không còn xa lạ ở nhiều giảng đường.
ThS Kinh tế, bà Lý Đan Thanh bày tỏ, các em ở môi trường tư thục có thể xuất phát từ những gia đình có điều kiện, tư duy thời trang của các bạn mạnh dạ hơn. Vào nhiều trường, có thể thấy phong cách của sinh viên "rất Tây", năng động từ cách ăn mặc, cho đến trang điểm.
Tuy nhiên, không phải không có "lỗi" về thời trang. Khi bà dạy môn Thương hiệu cá nhân, vào lớp rất nhiều bạn nam rất chuộng màu đen, lúc nào cũng bận màu đen với suy nghĩ, nhìn vào màu đen là... mọi người nhận diện ra mình.
Nhưng không phải, theo bà Thanh, điều quan trọng bạn là ai, bạn như thế nào, bạn thể được điều gì, người xung quanh nói về bạn ra sao... cùng với hình ảnh "chuyên đen" mới có thể tạo thành thương hiệu cá nhân.
Lỗi không ít bạn gặp phải là do đam mê thời trang, chạy theo thời trang quá mà có khi... quên mất tính phù hợp. Thời trang hợp, đẹp thì rất hấp dẫn nhưng đẹp mà không phù hợp thì có thể dẫn đến hiệu ứng ngược.
"Đi cà phê với bạn bè thì mặc gì, đi làm, hay đứng trước công chúng thì như thế nào, đi học thì phù hợp với môi trường giáo dục... Điều này, thể hiện thẩm mỹ và tư duy của con người bạn", ThS Thanh chia sẻ.
ThS Phan Bảo Giang cho biết, nhiều giảng viên vào lớp cho rằng các anh chị ăn mặc không phù hợp. nhưng phía sinh viên các em lại nói, suy nghĩ của người thầy không còn phù hợp.
"Thời gian đầu tôi cũng "choáng" nhưng sau đó, điều tôi quan tâm là kết quả về học tập làm sao để được một cách tốt nhất, mục tiêu tiếp thu về bài học. Còn các yếu tố bên ngoài, miễn không đi ngược với thuần phong mỹ tục là có thể chấp nhận được", ông Giang nêu quan điểm.
Ông Giang cũng chia sẻ, nhiều bạn dám bộc lộ, thể hiện cá tính của mình qua thời trang , tạo nên sự khác biệt, các em không chấp nhận sự "đều đều" trong hình ảnh lẫn tư duy.
Nhiều người không "quen mắt" nhưng có thể các em là những người rất mạnh mẽ phù hợp với các ngành nghề về nghệ thuật, thiết kế, sáng tạo, xây dựng hình ảnh, thương hiệu.
Bà Bùi Hoàng Diệp, CEO của một công ty tại TPHCM cho hay, qua phong cách thời trang, các bạn trẻ thể hiện "be yourself", chỉ cần bạn là chính bạn, tôi là tôi, thể hiện phong cách của mình. Các bạn coi trọng sự thoải mái, tự do. Rất khó để phê phán ở đây, sau hình ảnh thể hiện của mình có thể các bạn là những người dám nghĩ, dám làm, dám phá cách...
Gần đây, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, TPHCM phản ứng quy định sinh viên khi đến trường mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, mặc quần tây hoặc quần jean lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu. Theo sinh viên, trường đang gián tiếp cấm sinh viên mặc áo thun không cổ.
Phía nhà trường cho rằng, quy định này mang tính khuyến cáo, lưu ý sinh viên nên chú ý ăn mặc lịch sự khi đến trường chứ không cứng nhắc cấm mặc áo không khổ.
Nội quy này xuất phát từ thực tế có nhiều sinh viên đến trường ăn mặc phản cảm, áo thun khoét cổ sâu, hở hang không phù hợp với môi trường giáo dục.
Hoài Nam