Thiếu nữ với sở thích chôm đồ hiệu

“Cứ mỗi lần đi ngang qua những cửa hàng, trung tâm thương mại lớn lại có một tiếng nói vang lên trong đầu, xúi giục, thôi thúc em phải ăn trộm bằng được món đồ đang bày bán về để…chơi”.

Đó là lời khai của một cô SV mắc bệnh tâm thần sinh năm 1986, quê Bà Rịa – Vũng Tàu khi bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản.

 

Chôm hàng loạt đồng hồ hiệu về chơi

 

Sau đó, cố sinh viên tên L. T. N. ấy đã được chuyển lên Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM vì nghi có hành vi phạm tội do rối loạn tâm thần.

 

Cụ thể khi “dạo” vào Thương xá Tax và một số cửa hàng sang trọng tại quận 1, TP.HCM, N. đã ăn trộm cả thảy 6 chiếc đồng hồ hiệu mắc tiền có giá trị từ 50 đến 70 triệu đồng/chiếc. Điều kỳ lạ  tang vật ăn trộm về không hề được trao đổi, mua bán hay sử dụng mà đều bị cô gái giấu đi hoặc để… trưng chơi.

 

Ngồi trước mặt các giám định viên tâm thần, cô N. với khuôn mặt trẻ măng, ưa nhìn, ngây thơ nói: “Công an không bắt cháu đâu chú ạ, họ chỉ mượn lại mấy món đồ mà cháu lấy trộm của người ta để xem thôi!”.

 

Khi được hỏi tại sao lại liều thế, ăn trộm không sợ bị phát hiện à, cô gái trả lời: “Tiếng nói trong tai bảo với cháu là người bán hàng bị tịt mắt hết rồi, không sao đâu cứ lấy về mà chơi cho …sướng!”.

 
Thiếu nữ với sở thích chôm đồ hiệu  - 1

Những cửa hàng đồ điện tử, điện thoại dễ được nàng "chú ý". (ảnh minh họa)
 

Tâm thần cũng khoái đồ công nghệ

 

Trước đó, N. từng bị công an bắt về tội ăn trộm tài sản. Cô đã rủ bạn cùng quê tên là T. vào một cửa hàng bán đồ điện tử tại quận 3.

 

Theo chỉ đạo của N., T. có nghĩa vụ đánh lạc hướng bảo vệ còn N. giả vờ xem tờ quảng cáo các loại máy, đợi lúc thuận lợi dùng kìm bấm móng tay mang theo cắt đứt dây thép buộc máy vào giá trưng bày, lấy chiếc máy quay phim trị giá gần 30 triệu đồng bỏ vào ba lô đem về.

 

Thấy việc ăn trộm thuận tiện, N. lại chôm thêm chiếc máy quay phim nữa ở một cửa hàng trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.

 

Nếu chỉ dừng lại ở đây có lẽ N. vẫn chưa bị sa lưới. Tuy nhiên, do cô có tiền sử bệnh tâm thần nên hành động cũng hết sức ngô nghê, khác người. Sau khi về nhà mở chiếc máy quay phim ra không thấy có pin đã làm N. mất hứng. Cô quay lại cửa hàng mình vừa ăn trộm để hỏi mua cục pin cho chiếc máy quay mới lấy cắp. Người bán hàng ở đó thấy thế mừng như bắt được vàng, kêu bảo vệ giữ N. lại giải lên công an.

 

2 chiếc máy quay phim nói trên không hề bị bán mà được N. giấu trong phòng trọ. Giải thích hành động này N. nói: “Em thấy đẹp thì thích quá không cưỡng lại được. Em cũng chẳng biết món đồ ấy có giá trị cao thấp thế nào, chỉ nghĩ đẹp thì lấy về để chơi. Theo kinh nghiệm của em, những cửa hàng lớn, nhiều ánh đèn hoặc các tòa nhà cao tầng mới có nhiều đồ đẹp”.

 

Qua điều tra bệnh sử, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM cho biết N. từng phải điều trị bệnh trầm cảm tại Bà Rịa – Vũng Tàu vì hay buồn chán và tự tử bất thành. Sau này N. lên TP.HCM học ở trường Đại học Mở, sống ở nhà trọ nên nằm ngoài tầm kiểm soát của gia đình.

 

N. không thể ra trường do nợ tới 9 môn. Theo học đến năm thứ 3 bố N. đã yêu cầu nhà trường cho con gái nghỉ học bởi cô than mệt mỏi, đòi chết, hay nghe thấy tiếng nói trong đầu sai khiến và có cảm giác hoảng sợ, tội lỗi.

 

Giám định viên tâm thần đã kết luận N. bị trầm cảm nặng với các triệu chứng loạn thần, bắt buộc điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tại Biên Hòa.

 

Theo bác sĩ Quang, trường hợp của cô sinh viên L. T. N. bị các cơn xung động ăn cắp, nghĩa là bệnh nhân khi lên cơn không thể cưỡng lại nổi, phải ăn cắp để thỏa mãn cảm xúc của mình. Tuy nhiên, họ không sử dụng đồ ăn cắp  cho mục đích cá nhân mà đem cho, giấu hoặc vứt đi. Lúc bị lên cơn xung động ăn cắp, những người này có cảm giác căng thẳng, tim đập nhanh. Lúc lấy cắp được món đồ cảm giác thỏa mãn sẽ làm cho họ thấy thoải mái, dễ chịu.

 

Theo Vietnamnet