Thiếu nữ top 10 “Vầng trăng khuyết”: Mong muốn cơ hội trong tình yêu

(Dân trí) - Lọt vào top 10 cuộc thi vẻ đẹp người khuyết tật, Nguyễn Thị Ánh Ngọc, SV ĐH KHXH&NV cho thấy bạn là một tấm gương cho sự vươn lên, khẳng định giá trị bản thân bất chấp hoàn cảnh khó khăn.

Nguyễn Thị Ánh Ngọc, 21 tuổi, quê ở Hải Dương, là người khuyết tật vận động. Hiện Ánh Ngọc là sinh viên khoa Tâm lý học và là thành viên CLB Hoa Đá của trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội. Đồng thời bạn cũng là hội viên của trung tâm Sống độc lập người khuyết tật Hà Nội.

 

Ngọc bị chứng cong vẹo cột sống bẩm sinh. Tới năm lớp 8 thì gia đình quyết định mổ cho bạn. Thật không may, ca khổ không thành công đã để lại di chứng là Ngọc bị tàn phế đôi chân.

 

Sau khi nghe bác sĩ báo tin Ngọc mất đi cảm giác của đôi chân vĩnh viễn, gia đình bạn suy sụp. Cha mẹ thương con gái khóc ròng ngày đêm. Bản thân Ngọc, sau những đau đớn mà bệnh tật mang lại, cô bạn cũng cảm thấy mệt mỏi và bi quan. Tuy nhiên, đứng trước cảnh nhà khốn khó, Ngọc tự vực dậy tinh thần, khuyên nhủ cha mẹ và đối mặt với thực tế.
 
Không cam chịu số phận, Ánh Ngọc nỗ lực để vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Không cam chịu số phận, Ánh Ngọc nỗ lực để vươn lên trong học tập và cuộc sống.

 

Vậy là bắt đầu những năm tháng Ngọc ngồi trên xe lăn, cha mẹ là người luôn ở bên lo lắng, săn sóc cho cô con gái. Trong suốt một thời gian dài, gia đình không từ bỏ hi vọng lấy lại đôi chân lành lặn cho Ngọc, nên hễ có ai mách bài thuốc gì, dù khó kiếm, vất vả tới đâu cha mẹ cũng mang về để Ngọc thử.

 

Dần dần, Ngọc học cách chấp nhận sự thật và sống chung với chiếc xe lăn. Ngọc tập trung vào học hành và đạt kết quả tốt ở trường. Cô bạn bắt đầu tìm hiểu về tâm lý học để tự giúp bản thân mình và mong ước sẽ giúp đỡ thêm nhiều người khác.

 

Ban đầu, cha mẹ lo lắng không cho Ngọc thi ĐH ở Hà Nội vì lo không có ai chăm sóc. Thế nhưng, với quyết tâm kiên định, Ngọc đã dùng đủ mọi cách thuyết phục cha mẹ, tự liên hệ với một số trung tâm hỗ trợ người khuyết tật ở Hà Nội để được giúp đỡ.
 
Không cam chịu số phận, Ánh Ngọc nỗ lực để vươn lên trong học tập và cuộc sống.

 

Kết quả viên mãn, Nguyễn Thị Ánh Ngọc thi đậu trường ĐH KHXH&NV. Hiện bạn đã là SV năm thứ 3 với nỗ lực để trở thành một nhà trị liệu tâm lý. Cô bạn luôn tâm niệm “chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác cũng là tự chữa lành vết thương tâm hồn cho chính mình”. Dù biết rằng để thực hiện ước mơ này là một việc rất khó khăn và gian khổ nhưng Ánh Ngọc tin “Không gì là không thể, phải có ước mơ mới có hiện thực”.

 

Ánh Ngọc rất thích đọc sách, xem phim và đi du lịch. Cô bạn cho rằng: "Cuộc sống là những mảnh ghép nhiều màu sắc và nó là hành trình của những trải nghiệm để mỗi người có thể tự tạo nên bức tranh cuộc đời của chính mình".

 

Với lối sống tích cực ấy, Ánh Ngọc trở thành một cô gái đầy tự tin, dám đối mặt với thử thách của số phận. Tự bạn đã đăng kí tham gia cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" sau khi biết đến qua diễn đàn người khuyết tật.
 
Ánh Ngọc (áo trắng) và một thí sinh khác vòng chung kết Vẻ đẹp vầng trăng khuyết.

Ánh Ngọc (áo trắng) và một thí sinh khác vòng chung kết Vẻ đẹp vầng trăng khuyết.

 

Tham dự cuộc thi cũng là một mảnh ghép Ánh Ngọc mong muốn được trải nghiệm để thêm một sắc màu mới vào bức tranh cuộc đời mình. Cô bạn vọng mình có thêm những người bạn, những trải nghiệm và những bài học mới để hoàn thiện bản thân và sống có ý nghĩa hơn.
 

"Thông qua cuộc thi này, mình mong muốn có thêm nhiều người biết và quan tâm tới cuộc sống của người khuyết tật. Đây cũng là cơ hội để chúng mình - những người khuyết tật  thể hiện khả năng của bản thân, cho thấy chúng mình có thể làm được những gì. Hơn thế nữa, bản thân mình cũng mong muốn cuộc thi này là một cơ hội để phụ nữ khuyết tật nói chung trong đó có mình có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống và tình yêu".

 

“Liên hoan Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013” được Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội kết hợp với một số tổ chức phi chính phủ phát động từ tháng 10/2012 (với tên gọi cũ là cuộc thi Hoa hậu người khuyết tật), nhằm hưởng ứng ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4/2013.

 

Cuộc thi khuyến khích người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, thể hiện khả năng và nói lên tiếng nói của chính mình, từ đó thay đổi các quan niệm không bình đẳng về năng lực và quyền của người khuyết tật.

 

Đêm chung kết với sự tham gia của 10 thí sinh xuất sắc nhất sau khi lọt qua các vòng sơ khảo dự kiến sẽ được tổ chức vào tối ngày 14/4.

  

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm