Thiết bị cảnh báo “sai tư thế học đường” của cậu học trò Phú Yên

(Dân trí) - Thiết bị phát hiện, cảnh báo “Bạn đã ngồi sai tư thế” của Duy Tâm bằng tiếng nói còn tích hợp tính năng tự động tắt đèn khi học sinh rời bàn học, nhắc nghỉ ngơi, thông báo thông số môi trường, là chiếc đồng hồ luyện thi, thước đo chính xác…

Mới đây, Nguyễn Duy Tâm (học sinh lớp 12TL1, Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, Phú Yên) với “Thiết bị đa năng chống khuyết tật học đường và hỗ trợ học tập” xuất sắc giành giải Nhì lĩnh vực “Điện và cơ khí, Kĩ thuật máy tính”, giải Nhì chung cuộc cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp Quốc gia 2015.

 

Thiết bị công nghệ cao của chàng trai Phú Yên được mô phỏng như một chiếc thước kẻ, được tích hợp 8 tính năng trong 1. Trong đó, nổi bật nhất là phát hiện, cảnh báo và điều chỉnh ngồi học sai tư thế.

 
Thiết bị cảnh báo “sai tư thế học đường” của cậu học trò Phú Yên
Duy Tâm giới thiệu về thiết bị đa năng chống khuyết tật học đường phát triển dựa trên ngôn ngữ lập trình của mình.
 

Duy Tâm giải thích: “Khoảng cách từ mắt đến bàn học cho phép từ tối thiểu 30cm đến tối đa 70cm hoặc hơn (tùy vào việc điều chỉnh của người dùng cho phù hợp với kích thước, chiều cao cơ thể).

 

Khi người sử dụng bắt đầu khom lưng, mắt đặt sát vở, lúc đó khoảng cách vượt quá mức cho phép - tức nhỏ hơn 30cm, ngay lập tức nguồn sáng trắng từ thiết bị sẽ tắt đi thay vào đó là một nguồn sáng màu đỏ chiếu vào vở gây chói, làm cho người dùng sẽ không đọc được chữ.

 

Đặc biệt, thiết bị sẽ phát ra một âm thanh cảnh báo lên tục bằng giọng nói “Bạn đã ngồi sai tư thế”, buộc người dùng phải ngồi thẳng đúng tư thế, lúc đó các tính năng sẽ trở về bình thường.

 

Đồng thời, trong môi trường thiếu ánh sáng, thiết bị tự động phát ra một nguồn sáng trắng chiếu vào vở hỗ trợ như một chiếc đèn học tập với cường độ ánh sáng chuẩn cho học tập (200 đến 500 lux). Nó sẽ tự động tắt khi ánh sáng đã đạt yêu cầu hoặc học sinh rời bàn học.

 
Thiết bị cảnh báo “sai tư thế học đường” của cậu học trò Phú Yên
Thiết bị lập tức chuyển sang ánh sáng đỏ và kêu liên tục “Bạn đã ngồi sai tư thế” khi học sinh ngồi sai tư thế.
 

Chiếc máy thông báo ngồi sai tư thế của Duy Tâm có một màn hình cập nhật, thông báo các thông số môi trường về cường độ sáng, nồng độ CO2, thiếu O2 (tác nhân gây buồn ngủ)... giúp người dùng lựa chọn được vị trí học tập phù hợp. Đồng thời, thông báo người dùng nên rời khỏi chỗ ngồi khi làm việc quá lâu.

 

Nói về thiết bị công nghệ vì cuộc sống của mình, Tâm cho biết, em có ý tưởng chế tạo từ khi học lớp 9, nhưng đến năm 2014 mới có điều kiện thực hiện.

 

Gần 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò quê Phú Yên luôn trăn trở với thực trạng các thế hệ học trò đang ngày càng “suy kiệt” về mặt thể chất. Bệnh cận thị và các tật cong vẹo cột sống diễn ra rất phổ biến, trở thành một vấn đề nhức nhối của các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội.

 

Đầu tháng 5/2014, Tâm bắt tay nghiên cứu, phát triển thiết bị trên nền tảng tảng Arduino, ngôn ngữ lập trình C++ .

 

Trải qua nhiều khó khăn thử thách như tìm hiểu điện tử trong khi kiến thức phổ thông về phần này rất hạn hẹp; mua sắm các phần cứng Arduino, các loại cảm biến không có sẵn ở Phú Yên, Tâm khẳng định và hiện thực hóa ý tưởng.

 

Tháng 1/2015, sản phẩm hoàn thành giai đoạn 1 và đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo KHCN học sinh phổ thông tỉnh Phú Yên.

 
Thiết bị cảnh báo “sai tư thế học đường” của cậu học trò Phú Yên
 

“Nhà sáng chế” trẻ đủ điều kiện được tuyển thẳng vào các trường đại học. “Đã có 2 trường ĐH liên lạc đề nghị em về học là ĐH Sư phạm kỹ thuật và ĐH Duy Tân, nhưng có lẽ em sẽ chọn vào lớp cử nhân tài năng của Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM”.

 

Nói về thành quả đạt được, Tâm chia sẻ: “Mặc dù không phải là sản phẩm đầu tiên nhưng nó là dự án đầu tiên của em dựa trên ngôn ngữ lập trình, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình học tập và rèn luyện của em. Nhờ sự hỗ trợ chi phí mua linh kiện điện tử từ gia đ́ình và nhà trường, em đã có một động lực rất lớn để hoàn thiện sản phẩm, theo đuổi ước mơ”.

 

Duy Tâm cho hay, em ước mơ trở thành một kỹ sư chuyên lập trình chế tạo robot và máy móc để phục vụ cuộc sống. Tâm luôn mong muốn, có một ngày, “đất nước mình phát triển về khoa học, công nghệ sánh ngang Nhật Bản”.

 
Duy Tâm trong lễ tuyên dương của trường

Duy Tâm trong lễ tuyên dương của trường
 

Thầy Trần Bảy - Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Yên (phụ trách mảng học tập và nghiên cứu của trường) vui mừng chia sẻ: “Sản phẩm của em Tâm có tính thực tiễn cao, đơn giản, hiệu quả trong phòng chống dị tật học đường và phù hợp với đa phần học sinh Việt Nam hiện nay.

 

Các thầy cô hướng dẫn và giám khảo cũng đều đánh giá cao khả năng của Duy Tâm. Mới là một học sinh phổ thông, em đã đầu tư, dày công nghiên cứu kĩ thuật chuyên môn để chế tạo một thiết bị có độ an toàn cao, giá cả phù hợp (khoảng 1 triệu đồng/ thiết bị), thậm chí có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các sản phẩm trên thị trường.

 

Sản phẩm thể hiện niềm say mê khoa học, kỹ thuật lớn của em; khả năng tự học, vận dụng kiến thức, tiếp cận công nghệ mới”.

 

Thầy hiệu phó cho biết, trân trọng sự nỗ lực và thành quả em Tâm đạt được, nhà trường đã làm lễ tuyên dương trân trọng và trao tặng phần thưởng hơn 5 triệu đồng từ nhà trường, Hội Cha mẹ học sinh, Hội Cựu học sinh và giáo viên.

 

Món quà nhỏ là sự ghi nhận kịp thời đối với “nhà sáng chế” trung học; động viên, khuyến khích phong trào sáng tạo khoa học kĩ thuật của học sinh toàn trường.

 

Lệ Thu

(Ảnh: NVCC)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm