Thêm cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo dành cho bạn trẻ

(Dân trí) - Là cuộc thi đầu tiên về khởi nghiệp sáng tạo hướng đến thương mại công bằng, Young Fairtrade Leader hứa hẹn sẽ không chỉ là một sân chơi khởi nghiệp hấp dẫn, mà còn lan tỏa giá trị xã hội của Thương mại công bằng trong cộng đồng.

Vừa qua, một cuộc thi dành cho bạn trẻ có tên gọi Khởi nghiệp vì Thương mại công bằng “Young Fairtrade Leader” chính thức được phát động. Đây được coi là cuộc thi đầu tiên về khởi nghiệp sáng tạo hướng tới thương mại công bằng, đồng thời còn lan tỏa giá trị xã hội của Thương mại công bằng trong cộng đồng.


Thêm cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo dành cho bạn trẻ có ý tưởng kinh doanh táo bạo và thực tế.

Thêm cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo dành cho bạn trẻ có ý tưởng kinh doanh táo bạo và thực tế.

Với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 30.000 USD (gồm khoản đầu tư khởi nghiệp, giải thưởng tiền mặt, học bổng và chuyến đi thực tế tại Tây Nguyên), cuộc thi hướng đến tìm kiếm những tài năng lãnh đạo trẻ dám nghĩ, dám làm, đề ra những ý tưởng kinh doanh táo bạo nhưng thực tế, hướng đến sự phát triển bền vững, công bằng xã hội và môi trường thương mại lành mạnh.

Mỗi vòng thi sẽ yêu cầu các thí sinh phát huy tối đa khả năng sáng tạo, khả năng thực hiện ý tưởng kinh doanh trong các workshop và talkshow dưới sự huấn luyện hoặc theo dõi khắt khe của đội ngũ cố vấn là các nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia PR marketing.

Là sân chơi khởi nghiệp sáng tạo cho các bạn trẻ tuổi từ 18-29 tuổi, cuộc thi chính thức bắt đầu khởi động từ tháng 3 và dự kiến vòng chung kết diễn ra vào ngày 22/4/2016.

Các đội thi sẽ đăng kí theo nhóm 02 người trên website của cuộc thi youngfairtradeleader.com và hoàn tất đề án vòng 1 không quá 05 trang trước 23h59’ ngày 29/03/2016.

Thương mại công bằng là một phong trào xã hội có tổ chức để người nông dân được trả công xứng đáng với thành quả lao động của họ, và đảm bảo để họ được sống trong một môi trường cân bằng, lành mạnh.

Thương mại công bằng thực chất là sự hợp tác đặt trên nền tảng đối thoại, minh bạch, sự tôn trọng đối với con người và môi trường tự nhiên, góp phần vào sự phát triển bền vững bằng cách đề ra những điều kiện thương mại lành mạnh hơn và bảo đảm quyền lợi của các nhà sản xuất và công nhân. Như câu chuyện về hạt café của người nông dân Việt Nam, café được xuất khẩu chỉ là sản phẩm thô với giá không cao, nên giá trị mà người nông dân nhận được thấp dù Việt Nam là đất nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hạt café.

Câu chuyện về lụa Vạn Phúc, một sản phẩm thủ công truyền thống được làm ra bởi rất nhiều công sức, sự tỉ mẩn và sáng tạo của người nghệ nhân, mang nhiều giá trị văn hóa nhưng đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường với sự ra đời của các sản phẩm làm từ sợi công nghiệp với giá thành thấp nhưng chất lượng không cao.

Hiện nay, thương mại công bằng tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng: dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản (cà phê, chè, chuối…), gia vị, hoa cây cảnh.

Vũ Phong