“Thế hệ X” Nhật Bản

Nhật Bản, đất nước có nền học vấn cao nhất thế giới, đang đau đầu với sự xuống cấp về đạo đức của giới trẻ. Số nữ sinh hiến mình cho lối sống trác táng và sẵn sàng bán mình để kiếm tiền “tiêu vặt” ngày càng nhiều. “Thế hệ X” được người Nhật ám chỉ một thế hệ trẻ đua đòi và tha hoá...

Enjo kosai, tiếng Nhật dùng để chỉ “xã hội hoá trợ cấp”, “người được bảo trợ” hoặc đơn giản là “gái bán dâm”, không còn là một bí mật trên các đường phố Nhật Bản. Có vô số cách giúp các cô gái trẻ tìm khách hàng cho mình. Các buồng điện thoại gần các ga tàu điện ngầm dán đầy số điện thoại và ảnh của các nữ sinh, nhiều người trong số đó là con cái tầng lớp trung lưu.

 

Các cô gái cũng có thể “tiếp thị” nhờ dịch vụ thương mại voicemail. Quay vào số một voicemail, bạn có thể nghe thấy một tin nhắn sau: “Tôi là một nữ sinh 16 tuổi. Tôi đang chờ một ai đó sắp xếp enjo kosai vào ngày mai. Tôi cao 1,65 mét và nặng 49 kg. Giá của tôi là 50.000 yen cho 2 tiếng...”.

 

Nếu tản bộ lang thang dọc con đường Shibuya, Ueno hoặc một số khu vực lui tới thường xuyên của các nữ sinh, các quí ông “mua hoa” có thể dễ dàng đón một cô gái trẻ tới một phòng karaoke và ngã giá.

 

Tại những nơi được gọi là câu lạc bộ điện thoại, một “khách hàng” sau khi trả phí sẽ được nối máy với một nữ sinh để sắp đặt lịch cho một enjo kosai. Các CLB này dụ dỗ nữ sinh bằng mọi cách, từ quảng cáo trên tạp chí cho tới gửi thư trực tiếp. Khăn tay có in số điện thoại và địa chỉ của các CLB kiểu này thậm chí được phát không thoải mái tại các ga tàu điện ngầm...

 

Tất cả những con đường trên đang khuyến khích cho một khuynh hướng “quan hệ vì tiền” và nó có ảnh hưởng quan trọng đẩy nữ sinh vào con đường mại dâm chuyên nghiệp.

 

Số gái điếm ở tuổi nữ sinh tại Nhật bắt đầu tăng đáng kể từ khoảng năm 1974. Vào năm 1984, con số đạt mức báo động và vẫn tiếp tục tăng.

 

Theo số liệu Cơ quan cảnh sát quốc gia năm 1995 thì có 5.841 nữ sinh dưới 18 tuổi có liên lạc với các CLB điện thoại hoặc các hoạt động liên quan tới bán dâm khác. Một phần tư trong số đó vẫn còn ở độ tuổi THCS.

 

Nghiên cứu của chính quyền thủ đô Tokyo trên 110 trường học trong năm 1996 cho thấy 4% nữ sinh trung học phổ thông và 3,8% THCS hiến thân cho việc “mua vui”.

 

Có nhiều yếu tố tạo nên khuynh hướng bùng nổ mại dâm ở nữ sinh Nhật.

 

Trước hết là nhu cầu kiếm tiền trưng diện của các nữ sinh. Một giờ làm công việc thu ngân tại một tiệm ăn nhanh chỉ kiếm được 7 hoặc 8 trăm yên, tuy nhiên một lần bán dâm hoặc chỉ là chuyện phiếm với một ông già “ham của lạ” có thể giúp nữ sinh kiếm được gấp 40 hoặc 50 lần số tiền đó.

 

Có những nữ sinh khai với cảnh sát rằng giá tối thiểu một đêm là 70.000 yen, chưa kể có những “khách hàng” boa thêm vài trăm nghìn yen. Thay vì cảm thấy hổ thẹn với việc bán thân, nhiều cô gái cảm thấy tự hào rằng mình có thể tự kiếm tiền để trưng diện mà không phải ngửa tay xin cha mẹ.

 

Các nhân tố xã hội khác cũng có ảnh hưởng to lớn. Tại Nhật, tình dục và các mối quan hệ tình dục không được coi như vấn đề đạo đức. Người Nhật có truyền thống nhìn nhận quan hệ tình dục như một sự việc tự nhiên, giống như ăn, chơi vậy. Vì vậy mua bán dâm được chấp nhận rộng rãi như một hoạt động tự nhiên và thậm chí là một sự tất yếu trong xã hội.

 

“Chấp nhận” mãi dâm trong xã hội Nhật có thể nhận ra qua những luật chống quan hệ tình dục với trẻ em và mãi dâm “quá cởi mở”. Vào những năm 1990, đàn ông có quan hệ với trẻ trên 12 tuổi tại Tokyo vẫn được coi là hợp pháp; tương tự, theo một đạo luật chống mãi dâm thì mãi dâm là bất hợp pháp nhưng nó có thể tồn tại nếu như chính quyền địa phương có thể kiểm soát.

 

Theo một cố vấn về chính sách an toàn cho trẻ trên Internet của Anh thì vào cuối những năm 1990 có khoảng 2/3 hình ảnh khiêu dâm trên Internet có nguồn gốc tại Nhật. Sau khi một đạo luật được thông qua năm 1999 kiểm soát gái điếm trẻ em và khiêu dâm trẻ em, tỉ lệ trên giảm xuống còn khoảng 2%.

 

Bên cạnh đó là khoảng cách giữa 2 thế hệ cha mẹ và con cái tại Nhật đang ngày càng mở rộng. Trong một nền kinh tế phát triển nhanh, cha mẹ cắm đầu vào làm việc và lo kiếm tiền để mặc cho những đứa trẻ phát triển tự do theo trào lưu xã hội.

 

Thế hệ trẻ Nhật cũng chịu sức ép của hệ thống cạnh tranh khốc liệt trong học tập, sự kì vọng thành công quá mức gánh trên vai, và khi không thực hiện được, họ dễ bị đổ vỡ và tìm đến những cuộc vui chốc lát như một cách thoát khỏi hiện thực.

 

Để đối phó với tệ nạn này, siết chặt luật cấm mãi dâm với trẻ dưới 18 tuổi là chưa đủ. Chính phủ Nhật cần phải tấn công vào tận gốc vấn đề, đó là giáo dục ngăn ngừa học sinh bước vào con đường bán dâm, triệt phá các hình thức dụ dỗ, lôi kéo của ngành công nghiệp tình dục...

 

Theo Thanh Tùng
Giáo Dục và Thời Đại

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm