Thế hệ @ “kết” xe buýt

“Nhiều khi ở nhà, ngồi vào bàn học tử tế, em học không thể nào nhập tâm nổi. Nhưng đến khi lên xe buýt, học trên đó, em tiếp thu rất nhanh. Hôm thi môn Triết học, đề ra trúng một câu hỏi em đã tranh thủ học trên xe buýt đấy” - Nguyễn Thị Nga, sinh viên Khoa Nông học - Trường đại học Nông nghiệp I, lý giải vì sao mình lại "kết" xe buýt đến thế.

Tuyến xe số 11 chạy từ Công viên Thống Nhất đến trường Nga học mỗi lượt mất hơn 1 giờ đồng hồ. Sau khi đã quá quen việc ngắm đường phố mỗi lần lên xe buýt, Nga đều ôm một cuốn sách để tranh thủ học. Cách học này xem chừng khá hiệu quả đối với cô.

Phạm Minh Tuấn - sinh viên Trường Đại học Kiến trúc (giáp thị xã Hà Đông) cũng chọn giải pháp dùng phương tiện đi học bằng xe buýt. Nhà Tuấn ở thị trấn Gia Lâm, đi xe buýt tuyến 22 tới trường cũng mất độ tiếng rưỡi. Năm nay là năm cuối, Tuấn hay phải làm đồ án nên luôn cảm thấy mệt mỏi. Bởi vậy, cậu tranh thủ lên xe là đánh một giấc cho thư giãn đầu óc.

Đến khi tỉnh dậy thì một là đến trường, hai là về tới nhà. Lắm lúc bận rộn, Tuấn thường mang xôi, bánh mì lên xe để ăn sáng. Sau, cậu mua cả cơm hộp để thay bữa trưa. Lâu dần thành quen, cứ lên xe là Tuấn lại lôi đồ ăn ra để “măm măm” một cách ngon lành.

Minh Anh - nhân viên Công ty Mỹ phẩm Pond's có hẳn một “con” Attila dựng ở nhà nhưng cũng chọn xe buýt là phương tiện đi làm. Mỗi khi lên xe, cô thường mang các kế hoạch làm việc ra phác thảo, rồi lại tranh thủ thăm dò ý kiến khách hàng.

Minh Anh giãi bày: Năm nay, thời tiết Hà Nội rất lạnh nên đi làm bằng xe đạp, xe máy đều bị rét. Bên cạnh đó, xe buýt là nơi có thể “tác nghiệp” rất thuận lợi thì cớ gì mà không đi!

Nhiều "dân" thế hệ @ trước đây thường dùng các phương tiện như xe đạp, xe máy hay xe đạp điện để đi học, đi làm thì nay cũng “tậu” một chiếc thẻ xe buýt tháng. Vừa ấm, vui, lại vừa tiết kiệm. 30.000đ (đối với sinh viên - học sinh) hoặc 60.000đ (đối với người đã đi làm) bởi nếu đi xe riêng chỉ riêng tiền gửi xe cũng tương đương tiền vé xe buýt, không kể tiền xăng ít nhất cũng phải gấp 4 lần số tiền đó nữa.

Những người cuồng xe buýt

Có một bộ phận trong giới trẻ hiện nay được gọi là những người cuồng xe buýt (họ quen gọi là busmania). Vì những lý do tự nhiên hoặc ngẫu nhiên, tất cả trong số họ đều coi xe buýt như... người yêu của mình.

Phương Thanh - nhân viên kế toán Công ty Xây dựng Sông Đà kể lại chuyện cô trở thành một busmania. Một lần Phương Thanh lên chuyến xe buýt số 01 Long Biên đi Hà Đông. Một nhân viên tiến đến thu tiền vé. Thò tay vào xắc, Thanh mới giật mình nhớ ra mình đã quên không mang tiền. Thanh đứng lên, định xuống xe. Song, anh nhân viên thu vé kia đã ngăn lại: “Thôi, cô cứ ngồi đó”.

Xe gần về đến Hà Đông, bỗng cô thấy người phụ xe kín đáo rút một tờ 2.000đ và một tờ 500đ từ ví của anh kẹp vào số tiền vé đã thu được. Câu chuyện xảy ra hôm ấy làm Thanh rất cảm động và tự nhiên mến xe buýt và các nhân viên nhà xe. Thanh đã bỏ hẳn xe máy chuyển qua đi xe buýt.

Ngọc Hải - sinh viên Đại học Văn hóa - vốn là người Hà Nội chính gốc. Hải được người ông là một nhà nghiên cứu về lịch sử truyền cho niềm say mê những nét văn hóa của người Tràng An. Bởi vậy, từ lâu Hải đã mang trong mình thói quen, sở thích ngắm phố phường Hà Nội. Cậu có thể đi suốt ngày để ngắm những con phố cổ hay những di tích lịch sử của Hà Nội.

Trước, Hải thường dùng xe đạp hoặc xe máy. Nhưng từ ngày phát hiện ra xe buýt, Hải thấy rất “kết” nó. Với một chiếc vé tháng liên tuyến, Hải có thể đến hầu hết những nơi mình muốn, thoải mái ngắm nghía, tìm hiểu chán chê rồi lại nhảy lên một chiếc xe để về.

Trâm Anh - quê thành phố Hải Phòng lúc mới lên Hà Nội đã không thể chịu nổi mùi máy lạnh trên xe buýt. Nhưng rồi một hôm Trâm Anh phát hiện ra anh chàng sinh viên cùng lớp mà cô vốn rất mến thường xuyên đi trên tuyến xe buýt số 7. Thế là hàng ngày, cô cũng bắt chuyến xe đó để “vô tình” được đi cùng chàng. Dần dà, anh bạn kia cũng đáp lại tình cảm của cô. Thế là xe buýt tự nhiên đã trở thành cầu nối cho mối tình của Trâm Anh.

Theo Minh Tiến - Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm