Trung Quốc:
Thế hệ “con một” học cách trưởng thành
(Dân trí) - Học cách làm thử các công việc chân tay nặng nhọc để cảm nhận được công sức và giá trị thật sự của lao động, đó là cách mà lớp thanh niên “con một” của Trung Quốc đang được rèn luyện để trưởng thành…
Bữa ăn trưa có lẽ là khoảng thời gian dài và mệt nhất trong ngày đối với chàng sinh viên Xiao Zhou. Thật ra không phải là cậu dành nhiều thời gian cho bữa trưa của mình mà cậu phải làm công việc thu dọn đĩa ăn từ phòng ăn của Trường Đại học Nhân dân Trung Hoa, công việc này nằm trong khoá học bắt buộc về lao động mà các sinh viên đều phải tham gia.
“Tôi ước gì mình có thêm tay để thu dọn nhanh hơn, phòng ăn đông quá. Tôi sẽ chẳng bao giờ để thừa thức ăn lại trên đĩa vì giờ tôi đã hiểu công việc này vất vả như thế nào”, Xiao nói.
Khoá học về lao động kéo dài một tuần tại trường đại học tiếng tăm này ở Trung Quốc là bắt buộc đối với sinh viên năm thứ nhất và thứ hai. Họ có thể nhận được đến hai chứng nhận học trình nếu hoàn thành các công việc như dọn dẹp tại bếp ăn của trường, trồng cây, quét dọn lớp học và ký túc xá, phòng tắm hay phục vụ tại các quầy bán hàng cho sinh viên.
Thầy giáo phụ trách khoá học Wang Yongsheng cho biết: “Chúng tôi mở khoá học này với mục đích giúp cho các sinh viên nhận thấy được giá trị của lao động”.
80% học sinh và sinh viên Trung Quốc hiện giờ đều là con một, thế hệ được coi là “ông hoàng bà chúa” trong mắt của ông bà bố mẹ của họ. Họ bị cho là lười biếng và không quen với các công việc lao động chân tay.
“Công việc tương đối vất vả nhưng cũng thú vị”, cô sinh viên họ Li của trường đại học Bắc Kinh cho biết. Li làm công việc phục vụ tại quầy bán hàng cho sinh viên. Công việc đứng bán hàng cả ngày làm cho Li mỏi nhừ cả lưng lẫn hai chân. Cô nhận xét: “Thực tế công việc vất vả hơn nhiều những gì tôi dự đoán lúc đầu, khi tôi nghĩ là mình có khả năng làm bất cứ công việc gì”.
Chen Yi, sinh viên sau đại học của trường Đại học Zhejiang, đã từng là nhân viên tình nguyện làm việc cho Triển lãm thường niên Tây Hồ tại thành phố Hangzhou, tỉnh Zhejiang cho biết: “Tôi rất vui và hạnh phúc vì cảm thấy mình có ích và được mọi người khen ngợi”.
Hàng ngàn sinh viên như cô đã làm công việc tình nguyện tại các hội nghị triển lãm trong vòng 5 năm qua. Họ tham gia hướng dẫn và phiên dịch cho các đoàn khách dự triển lãm, dọn dẹp phòng triển lãm và làm trợ lý tại các cuộc họp.
Tại trường Đại học Yangzhou ở tỉnh Jiangsu, miền đông Trung Quốc, sinh viên năm thứ nhất ngành vật lý phải tham nạo vét, làm sạch cống rãnh của trường.
Sinh viên Xia Weiwei kể lại: “Tôi đã bị nôn oẹ lần đầu khi tôi ngửi mùi cống rãnh. Khoá lao động 5 đến 6 giờ mỗi ngày trong vòng nửa tháng đã dạy cho tôi biết thế nào là vất vả của việc lao động thực sự”.
Hình ảnh của thế hệ “con một” của Trung Quốc, thường bị cho là được quá chiều chuộng nên kém khả năng độc lập và hoà đồng, đang được cải thiện rõ rệt. Lớp trẻ Trung Quốc đang được học cách để khẳng định và đứng vững trên đôi chân của chính mình ngay tại giảng đường đại học.
Ông Fan Ming, hiệu trưởng trường Đại học Yangzhou, nhấn mạnh thêm: “Các khoá học này thực sự cần thiết cho thế hệ trẻ, giúp họ biết cách gánh vác trách nhiệm công việc khi ra trường đi làm. Hiểu và cảm nhận được sự vất vả nặng nhọc của lao động sẽ làm cho họ trở nên những con người siêng năng cho xã hội”.
Linh Đỗ
Theo Xinhua