Thế hệ cậu ấm cô chiêu ở Trung Quốc

(Dân trí) - Thích diện quần áo hàng hiệu cùng những vật dụng cao cấp, hợp mốt, không thể sống thiếu máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại, MP3 và luôn gắng thể hiện sự khác biệt với người khác... Đó là vài nét phác hoạ về thế hệ trẻ Trung Quốc lớn lên trong thời kinh tế thị trường.

Một thế hệ tốn kém

Trong cửa hàng bán xe đạp Giant (Bắc Kinh) cậu bé Zhang Xiaoqiang nài nỉ mẹ mua cho chiếc xe đạp địa hình ưng ý: "Mẹ mua cho con chiếc xe đó đi, giá chỉ 1.000 nhân dân tệ (tương đương 2 triệu VNĐ), quá nhỏ so với túi tiền của mẹ mà. Con hứa nếu mẹ mua chiếc xe đó, con sẽ trở thành người trong tốp 5 học sinh xuất sắc nhất lớp".

Zhang đang học lớp 11 và đó là chiếc xe Giant thứ hai của cậu: "Hầu hết các bạn trong lớp cháu đều có một chiếc".

Xe đạp, túi và những đôi giày thể thao của các hãng danh tiếng trên thế giới đang là "bộ mặt" của giới trẻ. Các học sinh trung học đều phải mặc đồng phục khi tới trường nhưng giày thì không bắt buộc nên các sản phẩm của Nike, Adidas, Reebok tràn ngập khắp nơi.

Một điều tra mới công bố cho thấy, 42,2% thành niên thích xài đồ hiệu bởi vì cho rằng điều đó thể hiện cá tính của họ. Ngoài các vật dụng thông thường, các sản phẩm điện tử như máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thế hệ mới và MP3 đang trở thành vật cạnh tranh trong giới trẻ để thể hiện sự sành điệu.

Cô bé Qi Yuayi (11 tuổi) học tại Trường tiểu học thực nghiệm Shangdi (Bắc Kinh). Trong cặp của cô, ngoài các đồ dùng học tập, còn có điện thoại di động, MP3 và một từ điển điện tử. "Các bạn cháu ai cũng có một chiếc MP3 và từ điển điện tử, rất nhiều bạn còn có điện thoại đời mới. MP3 và từ điện điện tử là bố mẹ cháu tự mua cho cháu đấy, còn điện thoại là cháu đòi mua".

Mẹ của Qi là giám đốc một công ty bất động sản, luôn thoả mãn mọi yêu cầu của con gái. "Quan trọng nhất là cải thiện điều kiện sống của chúng tôi vì  thủa nhỏ, chúng tôi sống trong thiếu thốn. Nếu các yêu cầu của con gái tôi không quá đáng, tôi sẵn sàng đáp ứng với điều kiện cháu phải học tập tốt".

Theo tính toán của bà Qi, ngoài các khoản chi học tập, mỗi năm việc sắm quần áo cùng vật dụng cao cấp cho con gái bà lên đến khoảng 5.000 NDT. "Đôi khi quần áo của con gái tôi còn đắt hơn cả của tôi và cháu rành các mác nổi tiếng hơn cả tôi ấy chứ, một thế hệ tốn kém", bà Qi nói.

Tiền của giới trẻ chảy về đâu?

Tiền túi đóng vị trí quan trọng trong đời sống của giới trẻ bởi nó quyết định cách chi tiêu của họ. Các phụ huynh Trung Quốc không chỉ cho con tiền tiêu vặt mà đôi khi còn thưởng quà bằng tiền.

Theo báo cáo nghiên cứu của giáo sư Xu Anqi, Viện xã hội học, Viện hàn lâm khoa học xã hội Thượng Hải thì tiền tiêu vặt và giá trị các món quà mà giới trẻ Trung Quốc nhận được trung bình là 2.300 NDT/năm, đôi khi lên đến 40.000 NDT (80 triệu VNĐ). Hầu hết họ được quyền tự quyết với những khoản tiên đó, tiêu tuỳ thích.

Dạy tính tiết kiệm

Trường tiểu học phố Wenhua ở Shenyang (Liêu Ninh) đã có sáng kiến đưa vào chương trình các tiết học dạy tiết kiệm, trong đó đề cập việc tiêu tiền cá nhân, giá cả, cách mua, chi tiền, đầu tư, gửi tiết kiệm và các khoản thuế.

Hiện mô hình này ngày càng trở nên khá phổ biến ở nhiều thành phố. Tại Thượng Hải, có khoảng 100 trường áp dựng thử nghiệm. Riêng học sinh Trường tiểu học Mayu (Bắc Kinh) còn được phát một cuốn sổ nhỏ ghi chép các chi tiêu hàng ngày.

Ông Ma Yulong có cô con gái là học sinh tiểu học bán trú. Cuối tuần trước, ông Ma phát hiện ra cô bé có một chiếc túi xách rất sành điệu. Khi được hỏi, cô bé nói đã mua bằng tiền túi của mình, giống như các bạn cùng lớp. Tiền túi thường được dùng mua quần áo, giày dép, bít tất, sách báo, đi xem phim hay ăn uống với bạn bè.

Theo điều tra của Viện nghiên cứu thanh niên về hoạt động tiêu dùng của giới trẻ thực hiện ở Hồng Kông, Ma Cao và Quảng Châu thì 40% thanh niên cho biết họ chưa biết đến việc tiết kiệm tiền. Bà Chen Jiling, phó giám đốc viện kết luận thói quen tiêu dùng của giới trẻ bị ảnh hưởng bởi việc tôn thờ thần tượng là các ngôi sao hoặc chạy đua theo phong trào.

Những ông vua trong gia đình

Ông Yu Shiwei, giáo viên Trường trung học số 1 Jiangmen ở Quảng Đông đã thực hiện một điều tra nhỏ nhỏ"Tâm lý tiêu dùng theo mốt trong thanh niên" ngay trong chính học sinh của mình và phân tích tại sao giới trẻ trau dồi thói tiêu hoang, một nhân tố quan trong ảnh hưởng đến gia đình.

Theo ông Yu, những đứa con độc nhất đang trở thành mặt trời trong gia đình và ngân sách chi tiêu dựa trên nhu cầu và tính tình của chúng. Ngoài các chi tiêu cần thiết, số còn lại dành hết cho các "ông vua, bà hoàng" nhỏ. Một cách vô thức, vị trí đó đặt đứa trẻ vào trung tâm chú ý của cả gia đình và dần dà gieo trồng thói tiêu hoang ở trẻ.

Phần lớn các phụ huynh rất coi trọng thành tích học tập nên tạo mọi điều kiện mong con mình học tốt hơn. Họ không quan tâm đến việc phải chi bao nhiêu mà chỉ quan tâm đến việc học của con mà thôi. Kết luận của thầy Yu tương tự như kết luận trong nghiên cứu của Văn phòng điều tra xã hội Trung Quốc tiến hành tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải. Có tới 85% các gia đình dành 1/3 thu nhập của gia đình cho cậu ấm cô chiêu, vượt xa với các khoản chi dành cho người lớn.

 Một quan điểm khác cũng tồn tại trong xã hội Ttung Quốc. "Mọi người đều muốn con cái sống thoải mái, không bị bạn bè coi thường nên mọi yêu cầu đều được đáp ứng", bà Liu nói. Tuy chỉ là công nhân may có thu nhập trung bình nhưng bà không ngần ngại cho tiền cô con gái cưng mua một loại mỹ phẩm cao cấp ưng ý.

Ông Liu Huilin (Viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm giáo dục Trung Quốc) cho biết, rất nhiều bậc cha mẹ thu nhập không cao nhưng sợ con đau khổ vì thua kém bạn bè. Trên thực tế, có một cuộc cạnh tranh giữa các gia đình, cố thắt lưng buộc bụng để con cái hơn bạn bè về mọi thứ và điều đó dung dưỡng thói tiêu hoang.

Ngọc Nhàn
Theo China Today

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm