“Thế giới thứ ba” bước vào parody clip
BB&BG nghĩa là “beautiful boy and beautiful girl”. Đang rất nổi trên thế giới mạng, các parody clip của BB&BG đi theo hướng khẳng định sự tồn tại một cách bình thường của cộng đồng giới tính thứ ba.
Trần Phan Quốc Bảo (BB Trần – trưởng nhóm BB&BG) cho biết, nhóm đã làm được 70 clip và công bố trên YouTube khoảng 40 clip.
Cái nhìn nhân văn cho giới tính thứ ba
Với BB&BG, các bạn xác định làm clip phải đặt tiêu chí hài hước lên hàng đầu. Một thành viên trong nhóm cho biết: “Tụi mình chú ý làm sao để cho mọi người cười càng nhanh càng tốt.
Ban đầu, nhóm làm clip, các nhân vật giới tính thứ ba xuất hiện với vai trò là diễn viên phụ. Nhưng chính những diễn viên phụ này lại gây cười, làm khán giả nhớ nhất nên về sau, tụi mình tập trung khai thác sâu nhóm bạn giới tính thứ ba”.
Quốc Bảo chia sẻ: “Một số bạn thuộc giới tính thứ ba mắng tụi mình sao dùng giới tính của họ ra làm trò cười cho thiên hạ. Mình trả lời rằng, ngay cả mình cũng như một số thành viên BB&BG khác cũng thuộc giới tính thứ ba.
Mình giải thích cho các bạn hiểu, parody clip chỉ là hình thức giễu nhại, mang tính hài hước, giúp các bạn sinh viên, học sinh giải trí sau giờ học. Hơn nữa, thay vì giấu giếm giới tính, BB&BG nhắc đến giới tính thứ ba là một cách để khẳng định thông điệp nhân văn, rằng cộng đồng này không nên bị kỳ thị. Tụi mình cần được nhìn nhận và tôn trọng trong một xã hội văn minh như ngày nay”.
Trong các clip hot như Mình yêu nhau đi, Anh không đòi quà, Quốc Bảo diễn trong tiếng cười và sự hiếu kỳ của người chung quanh nhưng anh chàng này vẫn diễn rất tự nhiên.
Bảo nói: “Vui nhất là clip Anh không đòi quà lên ý tưởng, quay và làm hậu kỳ chỉ trong một ngày nhưng ngay khi đưa lên mạng đã bất ngờ nhận lượt view “khủng”, mỗi ngày nhảy lên hơn 100.000 lượt. Tụi mình đã liên tục… dụi mắt, không tin là thật.
Cho đến nay, con số đó vẫn tăng lên mỗi ngày, giờ đã cán mốc 10 triệu views. Một số clip, báo chí cũng nhắc đến nhiều làm cho lượng “share” tăng đột biến”.
Túi tiền nặng sẽ đỡ nhọc hơn
Cũng như DamTV, trước đây, thành viên BB&BG phải bỏ tiền túi làm clip hài. Có clip tốn vài chục triệu như Ngôi nhà vui vẻ. Sau đó, các nhãn hàng máy tính, nước giải khát, cà phê muốn tài trợ cho nhóm.
Một bạn cho biết: “Tụi mình nửa muốn từ chối vì không muốn làm quảng cáo nhưng cũng cần tiền thực hiện những cảnh quay, mua trang phục cho bài bản hơn. Vậy là tụi mình nhận tài trợ vừa đủ, chấp nhận chèn thêm sản phẩm của nhãn hàng như một cách để cảm ơn họ”.
Trước kia, các thành viên BB&BG phải kham tất cả các khâu khi làm clip. Mỗi khi diễn xong, “lết” về tới nhà là các bạn nằm bẹp dí vì mệt. Từ khi có kinh phí, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.
Quốc Bảo chia sẻ: “Với một ít tiền ký hợp đồng với đối tác của YouTube ở Việt Nam, tụi mình cũng có một ít để chia nhau bồi dưỡng. Nhưng tụi mình vẫn chưa thể sống được bằng việc làm clip đâu.
Trước đây, mình và các thành viên dự định thành lập công ty để khai thác thương hiệu, làm quảng cáo cho các nhãn hàng nhưng các bạn đều là sinh viên, khó toàn tâm toàn ý nên thôi không lập công ty nữa. Tụi mình chỉ làm clip lúc hứng thú.
Về lâu về dài, hướng phát triển thành công ty, khai thác quảng cáo hay thu tiền từ YouTube cũng là hướng hay mà những nhóm sinh viên năng động có thể nắm bắt được”.
Cộng với hiệu ứng chia sẻ trên Facebook, parody clip đang là mảnh đất rộng cho các bạn sinh viên thể hiện khả năng thể hiện ý tưởng, tay nghề làm phim và tập hợp fans.
Theo Xuân Huy
Sinh viên Việt Nam