Thế giới ảo và những tác hại của công kích đám đông
(Dân trí) - Những màn công kích đám đông với ngôn từ có tính chất phỉ báng nhân cách người khác trên mạng xã hội đã để lại những hậu quả nặng nề, không dừng lại ở việc tổn thương tinh thần, còn cả tính mạng.
Tổn hại nặng nề, tâm hồn lẫn thể xác
Cách đây không lâu, bài diễn văn về trách nhiệm ngôn luận của mỗi người và tác hại trong thế giới ảo của Monica Lewinsky – từng là thực tập viên Nhà Trắng Mỹ 1998 đã gây chấn động trên toàn thế giới.
Từ câu chuyện tình sai lầm của mình với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và những điều khủng khiếp bản thân đã trải qua trong suốt thời gian ấy, cô đã mở ra nhiều câu chuyện đau lòng khác, khi truyền thông xã hội ra đời (năm 2010): “Với những trường hợp giống như tôi, hậu quả còn kinh khủng hơn nhiều”.
Đó là màn giễu cợt, sỉ nhục nam sinh viên tài năng tên Tyler Clementi vì thân mật với một người đàn ông khác (bị quay lại bởi những người bạn cùng phòng), đã khiến cậu gieo mình ở cầu George Washington.
“Chúng ta hay nói nhiều về quyền tự do ngôn luận, nhưng chúng ta cần nói nhiều hơn về trách nhiệm của chúng ta với tự do ngôn luận”, Monica Lewinsky trong bài thuyết trình "Cái giá của sự nhục nhã" mang nhiều giá trị nhân văn.
Một nữ sinh (14 tuổi) có tên tài khoản là Amnesia đã tham gia mạng xã hội Ask.fm để tìm sự cảm thông sau khi chia tay với bạn trai. Tuy nhiên, đáp lại cô là những lời nguyền rủa độc địa: "Tự chết đi!", "Không ai muốn mày cả" và "Mày không bình thường". Và cô cũng đã làm y như thế, tìm đến cái chết khi quá tổn thương về tinh thần.
Callum Moody-Chapman (17 tuổi) sống tại hạt Cumbria (Anh) đã phải trầm mình xuống biển tại thành phố Maryport sau khi bị tình địch (17 tuổi) – đang qua lại với bạn gái cũ đe dọa những lời hăm dọa ác ý. Không chỉ vậy, Callum còn bị đối phương dọa đốt nhà. Vì quá hoảng loạn, Callum đã gọi cho anh trai cùng bố xin lỗi “vì đã làm cuộc sống rối tung” và tự vẫn vào buổi tối ngày hôm đó.
Không chỉ trên thế giới, nhiều bạn trẻ ở Việt Nam cũng trở thành nạn nhân của những màn miệt thị, chửi bới trên mạng xã hội Facebook.
Nguyễn Thị Phương Trang (SN 1993, Đà Nẵng) đã phải trình báo công an về một fanpage. Cô gái đã bị diễn đàn này đăng hai status xuyên tạc, bôi nhọ quá khứ và xung quanh đời sống, và sau đó là chuỗi bình luận có nội dung lăng mạ vô cùng khó nghe.
Và chắc hẳn ít ai quên sự ra đi của cô nữ sinh N.T.T.L, cựu nữ sinh lớp 12 trường THPT Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Hà Nội thời điểm tháng 7/2013. L đã bị bạn học cùng lớp chụp ảnh chân dung, sau ghép vào ảnh một cô gái xinh đẹp mặc áo cổ rộng rồi đưa lên mạng xã hội.
Biết chuyện, L đã yêu cầu H gỡ bức ảnh nếu không sẽ tự tử. Tuy nhiên, vì nghĩ chỉ là trò đùa nên nam sinh đăng bức ảnh không làm theo.
Chiều hôm đó, L đã tự mua thuốc diệt cỏ rồi mang về nhà uống. Khi phát hiện, người thân đã nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu, nhưng không qua khỏi.
Không mấy khó khăn để tạo ra những bức ảnh chế với mục đích từ hài hước đến bôi nhọ người khác.
Những công kích như viên đạn giết chết đồng loại
Hằng ngày, bất kể ai theo dõi những người nổi tiếng (ca sĩ, người mẫu…) trên Facebook, đều dễ dàng tìm thấy không ít lời chê bai, dè bỉu, thậm chí thóa mạ nhân vật chính, ngay dưới mỗi bài đăng hoặc tấm ảnh. Nhưng họ là người của công chúng, và đủ “chai lì”, đủ khôn ngoan để có thể bỏ qua văn hóa “comment” xấu xí và tiêu cực đó.
Tuy nhiên, đối với những bạn trẻ còn non nớt, yếu đuối, chưa được trang bị kĩ để đối phó với những màn công kích dồn dập từ đám đông, đã dễ dàng rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ và ám ảnh.
Do đó sẽ thật dễ để hiểu được tỉ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn so với bị ức hiếp trực tiếp. Như Monica Lewinsky đã nói trong bài thuyết trình của mình, việc “Xử sự tàn ác với người khác thì không có gì là mới, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch đại và còn lưu lại mãi mãi.
Nếu như sự xấu hổ ở thế giới thực chỉ trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, thì ở thế giới ảo, hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ”.
Hậu quả nặng nề là vậy, thế nhưng, cách xử sự nhẫn tâm của khá nhiều người sử dụng internet vẫn không dừng lại, thậm chí, ngày càng có xu hướng gia tăng. ChildLine – tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ đưa ra số liệu: từ năm 2012 đến 2013, các cuộc gọi và email yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới việc công kích, xúc phạm trong thế giới ảo tăng tận 87%.
Theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban trẻ em và thanh thiếu niên tại Queensland, trung bình mỗi tuần ở Úc lại xảy ra một vụ người trẻ tự tử, một phần nhỏ trong số đó có liên quan tới mạng xã hội.
Viện y tế và phúc lợi Úc cho biết, từ năm 2007-2013, đã có 18.277 người trẻ độ tuổi 3-17 phải nhập viện vì có hành vi tự sát thương. Theo các nhà nghiên cứu, nỗi sợ bị bỏ rơi và tình trạng bị miệt thị tiêu cực có liên quan phổ biến tới các ca tự tử ở người trẻ.
Những con số báo động trên, hơn bao giờ hết, đang gióng lên hồi chuông báo động về một trong những “mặt xấu” của mạng xã hội. Và liệu bao giờ, các “cư dân mạng” mới thực sự rời bỏ “thói quen” xấu xí đó?!
Hoài Thư