"Thầy giáo Doraemon" nấu cơm 0 đồng: Chuyện buồn nhiều không kể xiết...

Quang Trường

(Dân trí) - Mấy tháng nay, bếp cơm 0 đồng của anh Huỳnh Quang Khải đỏ lửa suốt ngày. Anh Khải lái xe 3 gác đi phát cơm, phát thuốc, chợ di động 0 đồng tới người dân xung quanh quận 12, TPHCM.

"Chẳng qua mày làm vì tiền, vì danh tiếng..."

Anh Huỳnh Quang Khải (31 tuổi, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) được nhiều người biết đến với cái tên "thầy giáo Doraemon". Anh là hướng dẫn viên du lịch, cũng là thầy giáo của lớp học tình thương dạy miễn phí cho những đứa trẻ nghèo trên địa bàn quận 12, suốt 13 năm qua.

Thầy giáo Doraemon nấu cơm 0 đồng: Chuyện buồn nhiều không kể xiết... - 1

Anh Huỳnh Quang Khải lái xe ba gác chở nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân.

Dịch Covid-19 tấn công TPHCM, anh Khải phải nghỉ việc, lớp học tình thương tạm dừng hoạt động. Buổi học cuối cùng kết thúc vào ngày 29/5, cũng là ngày sinh nhật anh. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ thứ trong đại dịch, anh quyết định cùng người thân trong gia đình nấu cơm miễn phí tặng bà con nghèo, khu cách ly,…

Nhưng có những ngày, anh trở về nhà cùng nỗi buồn sau khi chứng kiến cơm bị bỏ phí, người nhận cơm phàn nàn, đòi hỏi vô lý.

Thầy giáo Doraemon nấu cơm 0 đồng: Chuyện buồn nhiều không kể xiết... - 2

Anh Khải là một hướng dẫn viên du lịch.

Chúng tôi trò chuyện với anh Khải khi anh vừa kết thúc buổi sáng làm việc, lúc 12h30 phút. Anh vừa đi phát cơm, phát thuốc cho F0 về. Ngày nào cũng vậy, khoảng giờ này, anh mới được nghỉ ngơi để nạp năng lượng cho buổi chiều với chợ di động 0 đồng.

Khi được hỏi về những kỷ niệm trong vài tháng làm tình nguyện vừa qua, anh Khải cho biết, những chuyện buồn nhiều không kể xiết.

"Việc làm tôi buồn nhất là có những nơi không ăn hết cơm, họ bỏ phí. Có khi họ mệt quá không ăn hết thì không nói làm gì. Nhưng có những nơi chỉ cần 80 suất nhưng họ xin những 100 suất, 20 suất bị bỏ đi.

Có những đòi hỏi vô lý, ví dụ họ phàn nàn tại sao canh không có hành, có tiêu. Chúng tôi mỗi ngày nấu một nồi canh siêu to, đủ cho cả nghìn suất. Khi múc canh ra bịch thì không phải bịch nào cũng có hành. Đôi khi cũng không thể mua được hành, tiêu vì thực phẩm rất thiếu.

Hay có khi chúng tôi nấu món sườn. Tôi mua sườn non, có sụn để bà con dễ ăn. Nhưng nhiều người phàn nàn với tôi là sườn gì mà không có xương để gặm, toàn sụn thì ăn làm sao. Mỗi người nói mỗi kiểu", anh Khải nói.

Thầy giáo Doraemon nấu cơm 0 đồng: Chuyện buồn nhiều không kể xiết... - 3

Anh Khải nấu nồi canh siêu to.

Anh Khải cho biết, có những nơi rất khó khăn nhưng ý thức người dân tốt, đến lần đầu lại muốn đến thêm lần nữa. Khi thấy xe cơm đến, họ chạy ra đứng giãn cách 2m đúng quy định. Người khác chen lên thì mọi người tự bảo nhau đứng xuống. Nhưng nhiều nơi họ chen nhau lấy cơm, vì họ sợ hết phần, mặc dù cơm còn rất nhiều.

"Những lúc đó tôi dừng lại, không phát nữa, chừng nào mọi người đảm bảo giãn cách mới phát. Có khi tôi phải gào lên bà con mới nghe. Tôi chỉ sợ họ dính bệnh vì hoạt động phát cơm của mình thì sẽ rất phức tạp", anh Khải nói.

Thầy giáo Doraemon nấu cơm 0 đồng: Chuyện buồn nhiều không kể xiết... - 4

Người dân nhận thực phẩm được yêu cầu đảm bảo giãn cách.

Khi báo chí đưa tin về bếp cơm 0 đồng của anh Khải, một số người nói với anh "sao tao làm từ thiện mấy năm nay, chống dịch cả năm nay mà không được lên báo. Mày mới mở bếp cơm mấy ngày mà báo chí đã quan tâm đến. Chẳng qua mày làm vì tiền, vì danh tiếng".

Những lời nói tương tự như thế, anh Khải đã phải nghe từ 4-5 năm trước, từ khi anh chia sẻ câu chuyện về lớp học tình thương trên báo chí.

"Thời điểm đấy tôi phản bác lại liền. Nghe thấy ai nói là tôi tìm đến tận nhà ăn thua đủ với họ. Nhưng sau này tôi thấy việc đó chẳng có ích lợi gì, tôi kệ, ai muốn soi thì soi.

Trước dịch tôi là một hướng dẫn viên du lịch, sau dịch tôi vẫn là hướng dẫn viên du lịch. Dù ngành Du lịch có thể mấy năm nữa mới hồi phục, nhưng tôi cố gắng tìm một nghề gì đó để làm chứ chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ ăn một đồng tiền từ thiện nào", anh Khải tâm sự.

Cả nhà rủ nhau nấu cơm 0 đồng

Hiện tại, anh Khải đang duy trì bếp cơm, phát gạo cho bà con khó khăn, phát thuốc cho F0, xe rau, chợ di động đồng giá 0 đồng.

Bếp cơm của anh Khải có 15 thành viên tham gia nấu gần một nghìn suất cơm mỗi ngày. Trong đó 10 thành viên là người trong gia đình anh, 5 người còn lại là hàng xóm.

Thầy giáo Doraemon nấu cơm 0 đồng: Chuyện buồn nhiều không kể xiết... - 5

Một buổi sáng bận rộn của các thành viên.

Những ngày đầu thực hiện, anh Khải thay đổi thực đơn mỗi ngày. Tình hình hiện tại khó khăn hơn, anh có gì nấu đó. Mấy tháng liền bếp cơm đỏ lửa, giờ anh Khải chỉ ngửi mùi thịt đã thấy sợ.

Thời gian đầu anh Khải chỉ phát khoảng 100 phần cơm ngay trước cửa nhà. Số cơm tăng dần lên 150 suất, 250 suất, ngày nấu nhiều nhất là 900 suất. Khi dịch bệnh căng thẳng hơn, anh không phát cơm tập trung nữa mà phát cho tuyến đầu chống dịch, người dân khu cách ly.

Trong những lần đi phát các suất ăn, anh Khải nhận thấy, ngoài cơm, bà con cũng cần một số nhu yếu phẩm khác. Mô hình chợ di động 0 đồng được ra đời trên những chiếc xe ba gác rong ruổi từng ngõ ngách.

Thầy giáo Doraemon nấu cơm 0 đồng: Chuyện buồn nhiều không kể xiết... - 6

Chiếc xe ba gác chở thực phẩm rong ruổi khắp các ngõ ngách.

Đơn thuốc 0 đồng được anh Khải triển khai hơn một tuần. Đơn thuốc dành cho F0 trong bệnh viện như thế nào, thì anh chuẩn bị đúng như vậy. Đã ba ngày nay, tối nào cũng có người gọi điện xin hỗ trợ thuốc.

Anh kể: "Tối hôm qua, tôi nhận điện thoại từ một người phụ nữ, cả gia đình chị này đều xét nghiệm dương tính vào buổi trưa. Chị ấy gọi điện vừa khóc vừa nói, chú ơi cứu chồng con tôi với, mất vị giác hết rồi. Tôi lại chạy đi giao thuốc cho họ, treo thuốc ở cổng, gọi người nhà xuống lấy, dặn dò đầy đủ rồi mới đi".

Thông qua mạng xã hội, nhiều mạnh thường quân biết đến và hỗ trợ anh nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm tươi sống, tiền mặt. Hiện tại, nhiều mạnh thường quân đã dần cạn nguồn lực. Thời điểm trả lời phỏng vấn, bếp cơm của anh đã hết thực phẩm, nếu không còn mạnh thường quân hỗ trợ, anh sẽ phải tạm dừng.

Chuyện đi phát băng vệ sinh

"Có một hôm, một nữ sinh viên nhắn tin cầu cứu tôi, chú ơi chú cho con xin một cuộn băng vệ sinh và vài ký gạo được không, 3 tháng nay con thất nghiệp, hết tiền rồi… con hết băng rồi chú ơi.

Tôi có chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội, hôm sau các mạnh thường quân ủng hộ 20 triệu để mua băng vệ sinh giúp bà con.

Thầy giáo Doraemon nấu cơm 0 đồng: Chuyện buồn nhiều không kể xiết... - 7

Sáng sớm, tôi chạy xe đi khắp các cửa hàng tạp hóa, cũng ngại lắm, nhưng vào rồi đành phải hỏi mua tất cả băng vệ sinh của quán. Chủ quán nói tôi khùng hay sao mà mua nhiều dữ vậy.

Tôi mang băng vệ sinh đến nơi giơ lên, chị em mừng lắm. Họ nói rằng sao anh tâm lý quá, hơn cả chồng em. Lúc đó tôi cảm thấy rất vui", anh Khải kể.

Thầy giáo Doraemon nấu cơm 0 đồng: Chuyện buồn nhiều không kể xiết... - 8
Hàng nghìn tin nhắn cầu cứu anh Khải mỗi ngày. Có đêm, anh để điện thoại ở chế độ rung, sáng hôm sau dậy mở điện thoại ra thì thấy tới 60-70 cuộc gọi nhỡ.

Nói về dự định tương lai, anh Khải cho biết anh sẽ duy trì mọi hoạt động hiện tại nếu đủ điều kiện. Chờ qua đợt giãn cách xã hội, anh sẽ đi phát gạo cho bà con.

"Giờ đã có chính quyền hỗ trợ cho bà con rồi, nếu tôi cũng phát gạo nữa thì sẽ hơi thừa. Khi hết giãn cách, người dân đi làm trở lại thì phải một tháng sau mới lấy được lương, trong một tháng đó, họ sẽ rất thiếu thốn. Tôi tích trữ gạo, chờ đến lúc đó sẽ tung ra hỗ trợ sau", anh Khải cho biết.