Thanh niên TPHCM: Viết tiếp bản hùng ca

(Dân trí) - Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, 33 năm xây dựng đất nước, tập thể thanh niên thành phố mang tên Bác đã vẻ vang hoàn thành nhiệm vụ của mình, được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng 2 danh hiệu anh hùng.

Truyền thống oai hùng

 

Lý Tự Trọng với tiếng nổ trên cầu Công Lý; Trần Văn Ơn, Quách Thị Trang với phong trào học sinh, sinh viên phản chiến; Nhất Chi Mai với hình ảnh ngọn đuốc sống…

 

Họ đã chết trên pháp trường, trong vòng tay bè bạn, trong lửa đỏ… Nhưng những cái tên đó đã đi sâu vào lòng dân tộc, cảnh tỉnh hàng vạn thanh niên (TN) Sài Gòn ngày ấy thoát khỏi cuộc sống sa đọa, bước vào chiến hào cùng cả nước chống quân thù.

 

Năm 1961, Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định ra đời, tập hợp hơn 20.000 TN tham gia đấu tranh chống Mỹ - Ngụy, đòi độc lập cho dân tộc, kêu gọi thống nhất đất nước.

 

Khu Đoàn thành lập Đội vũ trang quyết tử đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3/1961. Trận đầu tiên, đội đã phục kích tiêu diệt đại tá cố vấn William Thomas trên đường Trương Minh Ký (nay là đường Nguyễn Thị Diệu). Sau đó là hàng loạt trận đánh ngay trong lòng địch khiến quân thù khiếp sợ.

 

Hàng trăm chiến sĩ quyết tử đã hy sinh. Năm 1962, 12 chiến sĩ quyết tử chiến đấu ngay trên vành móng ngựa. Họ dõng dạc nói lên lý tưởng cách mạng của mình và phỉ báng kẻ thù ngay tại nơi duy trì pháp luật của chúng. Họ chấp nhận 4 bản án tử hình, 3 chung thân; trong đó có anh Lê Hồng Tư- Trưởng Ban cán sự quân sự, anh Lê Quang Vịnh- Trưởng ban cán sự SV.

 

Từ sự lãnh đạo của Khu Đoàn, hoạt động đấu tranh của HSSV Sài Gòn đi vào trật tự và tập trung hơn, lập được tam giác sắt do SV ba trường Đại học Khoa văn, Y dược và Nông-Súc-Sản trấn thủ trên đường Đinh Tiên Hoàng. 

 

Quanh đó, Biệt động thành đã đốt hàng trăm xe quân sự Mỹ và tháo chạy về tam giác sắt mà Mỹ-Ngụy chẳng dám làm gì. Vì vào tam giác sắt cũng không thể vượt qua hàng vạn SV. Đó là khu vực bất khả xâm phạm của TN TP.

 

Trong ngày 30/4 lịch sử, lực lượng Khu Đoàn đã chia thành 4 mũi tiên phong, dẫn 4 cánh Giải phóng quân vào đánh chiếm Sài Gòn, treo cao ngọn cờ cách mạng trên dinh Độc lập. Với những thành tích trên, tập thể TN TP mà đại diện là Khu Đoàn xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.

 

Thanh niên TPHCM: Viết tiếp bản hùng ca  - 1
 Các bộ Thành đoàn qua các thời kỳ với danh hiệu Anh hùng lao động

 

Sứ mệnh tình nguyện thời kỳ mới 

 

Sau giải phóng, Khu Đoàn mang tên chính thức là Đoàn TNCS HCM TPHCM (gọi tắt là Thành đoàn TPHCM), tiếp tục nhiệm vụ tập hợp và lãnh đạo TN TP đoàn kết xây dựng đất nước thời bình.

 

TP những ngày đầu sau giải phóng, bao ngổn ngang, bề bộn. Đoàn viên TN đã xung phong đi đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia giữ gìn trật tự xã hội, cứu trợ đồng bào, tiếp quản công sở, vệ sinh đường phố…

 

Khi đã ổn định, TN TP lao vào xây dựng kinh tế, lao động xã hội chủ nghĩa, tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ tổ quốc…

 

Thời kỳ đổi mới, với cơ chế kinh tế thị trường, Thành đoàn TPHCM cũng trăn trở nhiều về phương hướng tập hợp TN. Cuối cùng, sáng kiến tập hợp TN trên mặt trận tình nguyện đã ra đời, tạo nên phong trào TN tình nguyện rộng khắp cả nước với hình ảnh áo xanh tình nguyện hè, tình nguyện xuân, tình nguyện giữ gìn trật tự giao thông, vệ sinh phố phường hàng ngày…

 

Hàng loạt phong trào đã xuất hiện như Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, Kỳ nghỉ hồng, Hoa phượng đỏ, Trí thức trẻ tình nguyện, Bác sĩ tình nguyện… cho mọi lứa tuổi thanh niên, cho mọi tầng lớp thanh niên từ quân dân binh cho đến HSSV. 

 

Hàng triệu ngày công và hàng tỷ đồng của TN TP đã góp phần thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn miền Tây, Tây nguyên, Campuchia, Lào… và thúc đẩy phong trào tình nguyện phát triển vượt bậc.

 

Sau 33 năm hoạt động, nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đoàn, Thành đoàn TPHCM đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, khẳng định truyền thống vẻ vang, viết tiếp bản hùng ca của TN TP mang tên Bác.

 

Tùng Nguyên