Thanh niên nông thôn kiếm trăm triệu đồng/năm: Không chọn ĐH, học chăn nuôi

Mai Châm Phan Linh

(Dân trí) - Đình Hợp quyết định khởi nghiệp ngay sau khi học hết cấp 3 bởi "mình đi theo phương châm "vừa học, vừa làm". Những kiến thức mình học ở đây là từ những trang trại quy mô khác, thông tin trên mạng…"

Ý chí thoát nghèo

Ngay từ khi học lớp 10, anh Đặng Đình Hợp (sinh năm 1998, ở Tân Lập, Thanh Sơn, Phú Thọ) đã nung nấu ý định khởi nghiệp ngay tại quê hương. Xuất phát từ gia đình thuần nông, chàng trai trẻ quyết tâm sẽ không rời bỏ nghề nông và mong muốn làm giàu từ chính nền tảng nông nghiệp sẵn có.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Đình Hợp bắt đầu hành trình học hỏi bằng cách đi tham quan các trang trại có quy mô về chăn nuôi để tích lũy kiến thức. Trở về, anh bàn với gia đình vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp.

Thanh niên nông thôn kiếm trăm triệu đồng/năm: Không chọn ĐH, học chăn nuôi - 1
Hình ảnh mô phỏng một góc trang trại chăn nuôi bò 3B của thanh niên trẻ Đặng Đình Hợp.

Với số vốn 53 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Sơn, anh Hợp đầu tư phát triển mô hình VAC (vườn-ao-chuồng).

Hợp chọn giống bò 3B thương phẩm là hướng phát triển chủ yếu, kết hợp trồng trọt các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, sử dụng diện tích mặt nước sẵn có để nuôi các giống cá cho năng suất cao.

Đình Hợp đã và đang duy trì mô hình phát triển trên được 3 năm. Hiện anh đang dần chứng tỏ được sự lựa chọn khởi nghiệp từ nghề nông là đúng đắn và có cơ sở.

"Tuy gặp nhiều khó khăn ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh và thích ứng với mô hình chăn nuôi, nhưng mình vẫn quyết theo đuổi sau đó dần ổn định hơn.

Hiện tại, mình đang nuôi khoảng 20 con bò, mỗi năm thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Cùng với đó, mình sử dụng diện tích mặt nước và đất vườn để nuôi cá và trồng cây ăn quả được chăm bón từ phân bò. Diện tích bưởi đã cho thu hoạch đạt 230 triệu đồng/năm; trồng cây lấy gỗ bản địa như keo lai thu hoạch khoảng 80 triệu đồng/năm.

Mình nhận thấy, mô hình nông nghiệp của mình đang dần hợp lý và có hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa ô nhiễm từ chất thải nông nghiệp", chàng trai 22 tuổi cho hay.

Thanh niên nông thôn kiếm trăm triệu đồng/năm: Không chọn ĐH, học chăn nuôi - 2

Mô hình làm kinh tế nông thôn của anh Hợp được đánh giá cao

Là một trong những thanh niên tiêu biểu ở lĩnh vực chăn nuôi của địa phương, Đình Hợp luôn nhiệt tình và chia sẻ kinh nghiệm với những người dân có nhu cầu đưa nuôi bò phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình làm kinh tế nông thôn của anh Hợp được đánh giá cao. Bản thân Đặng Đình Hợp sẽ được vinh danh tại Giải thưởng Lương Định Của năm 2020 sắp được tổ chức.

Đây là giải thưởng dành cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Thanh niên nông thôn kiếm trăm triệu đồng/năm: Không chọn ĐH, học chăn nuôi - 3

Ngoài ra, anh Hợp sử dụng diện tích mặt nước sẵn có để nuôi các giống cá (cá trắm, cá rô phi) cho doanh thu khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.

Chọn làm giàu từ nông nghiệp, không học đại học

Đình Hợp cho rằng: "Theo mình, học đại học mất khá nhiều thời gian, chủ yếu kiến thức đều ở trên lý thuyết. Mình nhận thấy làm chăn nuôi gắn liền với thực tế hơn".

"Mình quyết định khởi nghiệp ngay sau khi học hết cấp 3 bởi mình đi theo phương châm "vừa học, vừa làm". Những kiến thức mình học ở đây là từ những trang trại quy mô khác, thông tin trên mạng…

Trong tương lai, mình sẽ đi học thêm kiến thức về thú y, những kỹ năng chăn nuôi chuyên sâu về bò thịt cho năng suất cao, cách xoay vòng vốn để mở rộng quy mô nông nghiệp của mình và gia đình", Hợp chia sẻ dự định.

Đình Hợp mất 1 năm để thuyết phục gia đình cho anh vay vốn, lúc đó anh mới tốt nghiệp THPT nên gia đình có phần chưa chắc chắn vào khả năng của anh. Nam thanh niên đã dành thời gian đó để đi tham quan các mô hình trang trại khác, đồng thời cũng phụ giúp công việc gia đình.

Đặng Đình Hợp chia sẻ lý do kiên trì đứng vững trước mọi khó khăn: "Có những ngày ở đồng liên tục trong quá trình trồng cỏ, cộng với thời tiết khắc nghiệt, mình tuy có rã rời và có suy nghĩ bỏ cuộc.

Thế nhưng, bất giác nhìn lại ý chí quyết tâm khởi nghiệp từ nghề nông, từ bò 3B, mình lại tự động viên và tích cực hơn bởi đó là con đường mình chọn".