Thanh niên có thể làm thay đổi kết quả một ứng viên

Theo các đại biểu tham dự chương trình Đối thoại thanh niên với chủ đề “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội”, kết quả bầu cử hoàn toàn có thể thay đổi khi 12% người đi bầu là thanh niên đưa ra quyết định chọn người đại diện của mình tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Vì vậy, bỏ phiếu chọn người đại diện xứng đáng là trách nhiệm nặng nề với từng bạn trẻ.

Trước câu hỏi của nhiều bạn trẻ đặt ra tại chương trình Đối thoại với thanh niên (do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 29/3) về việc có thể nhờ người nhà đại diện đi bầu cử hộ, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: “Ở tuổi 18, chúng ta đã trưởng thành và được phép lựa chọn, đưa ra nhiều quyết định cho mình, ví như chọn người yêu.

Trong số các bạn ngồi đây, có người nào muốn cử đại diện thay mình đi gặp người yêu trong lần hẹn hò đầu tiên? Đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội cũng là việc tương tự như đi hẹn người yêu, bạn không thể nhờ ai làm hộ được”.


Nhiều bạn trẻ tham gia đặt những câu hỏi xung quanh hoạt động bầu cử Quốc hội. Ảnh: Vương Đức.

Nhiều bạn trẻ tham gia đặt những câu hỏi xung quanh hoạt động bầu cử Quốc hội. Ảnh: Vương Đức.

Theo ông Dũng, đi bầu cử là nghĩa vụ và quyền lợi. “Nếu chúng ta đi bầu thay, có đơn kiện tụng, phải tổ chức bầu lại sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức chi phí, tổn hại đến nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, chúng ta hãy trực tiếp cầm phiếu đi bầu và là những người tiên phong tuyên truyền việc này với mọi người”, ông Dũng nói.

Giải đáp thắc mắc của bạn Lê Quang Duy, học sinh trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về vai trò của thanh niên trong công tác bầu cử hiện nay, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết: Bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp là ngày hội lớn của đất nước, dân tộc.

Tuổi trẻ cả nước hiện chiếm 24,4% dân số. Trong tổng số cử tri, có 12% người đi bầu là thanh niên. Với số lượng như vậy, hoàn toàn có thể tác động làm thay đổi kết quả một ứng viên đó trúng hay trượt trong danh sách bầu.

“Yêu nước phải làm mọi việc mình cần làm để cống hiến cho đất nước, trong đó có bầu cử, để sáng suốt lựa chọn người thay mặt mình lãnh đạo đất nước ngày một phát triển. Chọn không đúng là thiệt cho mình, thiệt cho đất nước”, ông Nhân nói.

“Đông đảo cử tri, giới trẻ quan tâm, lo lắng hàng loạt các vấn đề như giá xăng giảm nhưng giá vận tải không giảm, vấn nạn bôi trơn sổ đỏ, lừa đảo trong các công ty đa cấp… Vậy băn khoăn của bác là gì khi sắp kết thúc một nhiệm kỳ Quốc hội?”, bạn Nguyễn Quỳnh Thơ (đoàn viên quận Thanh Xuân - Hà Nội) hỏi.

“Bản thân bác hiện suy nghĩ về rất nhiều vấn đề. Đó là những vấn đề bức xúc mà người dân nói nhiều, nói lâu không sửa được. 5 năm qua, Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tình hình căng thẳng ở biển Đông, vấn đề đạo đức xuống cấp, vấn đề thực phẩm không an toàn…”, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia nói.

Trả lời bạn Nguyễn Hải Yến, học sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) về việc các ứng viên có được vận động bầu cử trên mạng xã hội không? Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn - Nguyễn Đắc Vinh cho biết: “Các ứng viên nên tuyên truyền về bầu cử Quốc hội chứ không được phép vận động bầu cho mình. Vì thế, các bạn trẻ, ứng viên hãy để lại các hành động, lời nói tích cực trên mạng xã hội, trong tài khoản cá nhân của mình để mọi người biết đến, ủng hộ cho mình”.

Chọn người đại diện xứng đáng: Trách nhiệm nặng nề

Bạn Mai Chí Nhân, lớp 12A1, trường THPT Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, tháng 5 sắp đến, có một sự kiện rất quan trọng diễn ra trong cuộc đời là việc Chí Nhân được đi bầu cử, thực hiện quyền công dân.

“Tôi cho rằng, thông tin về các ứng viên ứng cử hiện còn rất ít về tên tuổi, quê quán, trình độ học vấn, chức vụ công tác, thiếu đi các thông tin về quá trình phấn đấu của cá nhân, đạo đức lối sống tại khu vực dân cư… Tôi nghĩ, nếu có được thêm các thông tin đó, các cử tri sẽ dễ dàng lựa chọn những người xuất sắc nhất cho lá phiếu của mình”, bạn Chí Nhân đề xuất.

Sau đối thoại, bạn Bùi Nhật Anh, lớp 12, trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), cho biết sẽ trở thành tình nguyện viên để tuyên truyền về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Nhật Anh nói: “Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống của người dân và tiếng nói của thanh niên.

Trên thực tế, có một số người thực hiện quyền của mình một cách hời hợt, chỉ chọn mặt, nhìn tên, không cần tìm hiểu kỹ thông tin về các đại biểu mà ghi phiếu bầu rất cảm tính. Thông qua chương trình này, mình biết cách tìm hiểu về các đại biểu để bầu cử, sẽ nhìn vào những gì đại biểu đã, đang và sẽ làm được cho xã hội, để lựa chọn đại biểu đại diện cho nhân dân”.

Là khách mời đối thoại, TSKH Đoàn Hương (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, có những lúc thấy lo ngại vì không ít thanh niên thờ ơ với chính trị, thiếu thông tin về tình hình đất nước. “Đối thoại mang những tư duy mới đến với các bạn trẻ.

Các bạn chính là thế hệ kế cận của Đảng, Chính phủ trong tương lai. Các bạn lớn lên và nhận lấy trách nhiệm của quốc gia, dân tộc, góp phần gìn giữ nền hòa bình ổn định. Bỏ phiếu lựa chọn đại biểu xứng đáng là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người”, bà Đoàn Hương nói.

Theo Phương Hiếu

Tiền phong