Tháng Tư, mùa đi qua thương nhớ

(Dân trí) - Tháng Tư, theo cơn mưa đầu mùa, nắng đổi màu, cây thay lá. Và tháng Tư, có bao điều để nói, để yêu, để tình tự, để tự hào và tiếp nối cha ông...

Tháng Tư, khúc giao mùa dang dở, tiếng tu hú ngân dài, cho sắc nắng thêm nồng nàn, cho màu xanh thêm mướt những hàng cây. Trời Hà Nội như được thay áo mới, xa dần những ngày mưa sụt sùi, xám xịt, từng bước gõ cửa mùa mới.

 

Tháng Tư, chia tay những ngày xuân, để đón nắng hè, nghe khúc ca trong veo, ngọt ngào, thấm đượm: “Tháng Tư về”, khiến ai khẽ rung lên từng nhịp đập cảm xúc, làm trái tim xao xuyến, vương vấn những giấc mơ xưa.

 

Từng vòm mây trắng xốp, lững thững trôi trên bầu trời xanh thế. Ngẫm bao mùa hạ đi qua, cái nắng tháng Tư vẫn còn khờ dại lắm. Nắng nhẹ nhàng, trong suốt, đổ dài trên những con đường xa vắng.

 

Gió mang theo chút ẩm ẩm còn sót lại của mùa xuân, của những cơn mưa chuyển mùa vội vã. Dư âm đâu đây không khí lạnh lạnh cơn gió bấc muộn: “Nàng Bân may áo ấm cho chồng”.

 
Tháng Tư, mùa đi qua thương nhớ
 

Cái lạnh đó mềm mượt, mơn man làn da, khiến em chỉ muốn dang rộng vòng tay, ôm trọn vào lòng không khí thướt tha, dịu dàng. Vẫn đâu đây, cánh bướm trắng dập dìu, tình tứ trên những vườn hoa khoe sắc. Tiếng chim hót líu lo, cất lên khúc nhạc muôn điệu thần tiên.

 

Từng búp bàng bật lên mũm mĩm trên những xương cây như báo hiệu tán lá xanh. Bên ven đường, cây bằng lăng đeo những quả tròn màu nâu đen cũng đang bật ra ngàn mắt lá xinh xinh.

 

Chỉ mấy bữa nữa thôi, những hàng cây đua nhau khoe sắc. Trong miền xúc cảm của niềm nhớ mộng mơ, bằng lăng tím ngắt cả khoảng trời Hà Nội. Lúc này, nắng cũng dần sáng hơn, mang theo chút nóng bức mùa hè.

 

Tháng Tư, những gánh hàng rong đầy ắp quả mơ vàng nho nhỏ. Ta đi qua những mùa khôn lớn, nhưng vẫn miên man nỗi nhớ về miền xưa cổ tích, được vẽ đủ đầy trong suốt cả một mùa mơ.

 

Tháng Tư về, hoa xoan tím biêng biếc rụng đầy ngõ nhỏ, vương mái tóc thề cho hương gió bay bay. Khói yên bình, mộc mạc một làng quê... Xa xa, hoa gạo thắp lên từng bông đỏ rực, gợi một nỗi nhớ bâng khuâng khó tả về nơi yêu dấu.
 
Tháng Tư, mùa đi qua thương nhớ

 

Trên muôn nẻo Hà Nội, những gánh hoa loa kèn nở bung cánh, trắng ngần, tinh khôi, tỏa hương thơm ngát. Từng bông hoa trắng trong e ấp như người con gái Hà thành dịu dàng, thanh lịch mà rất đỗi kiêu sa, tạo thành bức tranh sơn dầu đầy vẻ mơ màng, trầm mặc.
 

Loài hoa đã đi vào hoài niệm, đi vào thương nhớ....nhưng ngắn ngủi, chỉ nở rộ mấy tuần trong tháng Tư, khoe hết hương, hết sắc, để rồi qua rất nhanh cho nắng hè ào đến.

 

Trong những gác phòng nhỏ đơn sơ của thành phố trầm tịch, rêu phong, bình hoa mang sắc trắng vô ngần ấy như điểm sáng thêm chút thanh tân mà cổ xưa, khắc sâu những dấu ấn thời gian.

 

Tháng Tư, nao nao nhớ về mấy nhành hoa lựu đỏ, lập lòe đơm bông, đung đưa trong gió, lần ký ức xa xăm theo từng câu thơ Truyện Kiều, đi từ trang sách vào câu chuyện bà vẫn kể hàng đêm.

 

Và tháng Tư về, đón những cánh diều chưa đủ no gió nhưng thổi bùng lên bao ngọn lửa ước mơ. Tháng Tư ươm mầm, gieo hạt, cùng tiếp thêm sức lực cho cuộc hành trình dài của cuộc đời, cho những hoài bão đang vươn ra ngoài biển lớn.

 

Tháng Tư, xuyến xao, ngẩn ngơ hơn khi bắt đầu vội vàng, trăn trở của những nỗi niềm chưa kịp gọi thành tên. Màu áo học trò làm nên tình yêu thuở ban đầu ngây thơ, trong sáng

 

Rực rỡ cờ hoa, sôi động khắp nẻo đường, những giờ phút vinh quang và thiêng liêng về một tháng tư đã đi vào lịch sử dân tộc. Khắp đất trời dường như vang lên khúc tráng ca hào hùng, chuyển rung theo nhịp đất nước sang trang.

 

Có lẽ vì thế mà tháng Tư cũng là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Mang những hoài niệm của nỗi buồn ngày xưa, hòa quyện cùng niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng, để tin rằng, những bông hoa mùa xuân sau khi héo úa, lìa cành, sẽ kết tinh thành trái chín ngọt lành, căng mọng.

 

Và em, cô gái tháng Tư, sinh ra trong ngày mưa giao mùa, nên cũng đầy xúc cảm yêu thương. Em mang nhiệt tình, cháy bỏng, luôn trải rộng hồn mình, như tuổi đôi mươi căng tràn nhịp thở, muốn hòa vào chân trời mơ ước, xa xôi...

 

Hoàng Dung