Tết Tây: Người kiếm tiền đồng, kẻ tiêu bạc triệu

(Dân trí) - Liên tục trong những ngày nghỉ lễ, đêm nào Th cũng đi diễn ảo thuật, xiếc với hy vọng bán được từng chiếc kẹo kéo 2.000 đồng. Ngược với những hình ảnh này, có những bạn trẻ “đốt” tiền triệu để chơi Tết Tây.

Tết mưu sinh

Đêm xuống, hàng quán ở khu trung tâm TPHCM như đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Học… (Q.1) khi mọi người đến ăn uống, vui chơi trong kỳ nghỉ Tết dương lịch thì cũng là lúc Th. (19 tuổi) cùng  người bạn“sà” đến bắt đầu công việc kiếm tiền. Th vào các quán ăn biểu diễn ảo thuật, xiếc cho đến nhảy nhót cho thực khách xem để bán những chiếc kẹo kéo.

Khách ăn uống càng đông, Th. biểu diễn càng… hăng với hy vọng kẹo bán được nhiều hơn. Mỗi chiếc kẹo kéo bán ra 2.000 đồng, trừ đi mọi chi phí như tiền vốn, xăng xe, Th và người bạn chia nhau mỗi người được 500 đồng/kẹo kéo.

Tết Tây: Người kiếm tiền đồng, kẻ tiêu bạc triệu  - 1

Một bạn trẻ biểu diễn ảo thuật trên đường phố trong đêm giao thừa với hy vọng khách mua cho mình chiếc kẹo kéo 2.000 đồng

Những ngày nghỉ lễ, khách vui chơi đông nên kẹo bán ra được nhiều hơn ngày thường. Mỗi đêm đi bán từ chiều đến tận 2 -3 giờ sáng, mỗi người cũng được trên 100.000 đồng, nếu gặp khách “sộp” thì được hơn nhưng cũng có hôm ế.

Th cho biết, thấy mọi người đi chơi Tết mình cũng chạnh lòng nhưng đây là dịp làm ăn nên phải tranh thủ. “Em phải kiếm tiền để Tết này về quê chứ mấy năm rồi có về nhà đâu. Muốn về thì phải có tiền”, Th nói. .

Cũng như Th, dịp nghỉ lễ dài ngày này là cơ hội kiếm tiền tuyệt vời của nhiều bạn trẻ. Công việc như bán dạo, đi hát, trông xe, phục vụ ở nhà hàng… đưa lại cho họ thu nhập nhất định. Không chỉ những bạn đã nghỉ học mà có nhiều bạn là học sinh, sinh viên cũng tận dụng ngày nghỉ để kiếm thêm.

Tết Tây: Người kiếm tiền đồng, kẻ tiêu bạc triệu  - 2

Bán mỗi chiếc kẹo, họ chỉ kiếm được... 500 đồng.

Lang thang với bó hoa hồng trên tay mời khách mua ở công viên Gia Định, Nguyệt Ánh, HS lớp 11 một trường THPT ở Gò Vấp cho hay mấy ngày nghỉ Tết em đi bán hoa kiếm tiền phụ mẹ. Mỗi bông hoa Ánh lãi từ 3.000 – 4.000 đồng, mỗi đêm Ánh bán 20 bông, riêng đêm giao thừa Ánh bán 30 bông, gần 1 giờ sáng mới về nhà.

“Hai chị em ăn học mình mẹ lo hết với hàng hủ tiếu gõ nên lúc nào mẹ cũng thiếu tiền nhà, tiền đóng học phí. Bạn bè rủ đi chơi Tết nhưng em đâu có tiền mà đi. Các bạn không biết em đi bán bông đâu, em ngại không muốn nói”, Ánh cho hay.

Mong muốn lúc này của cô nữ sinh là có đôi giày mới vì đôi giày đang đi đã sắp hỏng. Tuy mẹ nói tiền  bán bông cho Ánh giữ để mua giày nhưng cô gái biết mẹ đang thiếu tiền nhà trọ nên… sẽ cố bán nhiều để vừa góp tiền phụ mẹ, vừa có thể mua đôi dày tầm 100.000 đồng.

Nghỉ lễ để “đốt tiền”

Ngược với tình cảm nhiều bạn ngày lễ tranh thủ làm thêm kiếm từng đồng lẻ thì với không ít bạn đây lại là dịp để tiêu tiền với những kế hoạch vui chơi “khủng”. Các bữa tiệc tại nhà hàng, khách sạn cao cấp, đến vui chơi ở các quán bar đắt tiền… đón không ít “thượng đế” mặt còn “búng ra sữa”.

Mức chi tiêu của nhiều bạn vượt hình dung của nhiều người khi liên tưởng đến tuổi tác của họ. Không ít hóa đơn thanh toán từ những cuộc ăn uống, vui chơi của các bạn tuổi teen còn là học sinh, sinh viên lên đến cả chục triệu đồng.

Tết Tây: Người kiếm tiền đồng, kẻ tiêu bạc triệu  - 3

Với không ít bạn trẻ, chi tiêu cả chục triệu cho một cuộc vui chỉ là... chuyện nhỏ.

Đ, một HS lớp 12 ở Q.3 cho biết, kế hoạch trong kỳ nghỉ Tết Tây của mình và nhóm bạn là… ăn, chơi và mua sắm. Và nơi mà nhóm bạn “con nhà giàu” của Đ ghé chân bao giờ cũng phải là nơi “đắt tiền nhất, sành điệu nhất”.

Để chứng minh cho “độ” chịu chơi của mình, Đ cho biết đêm giao thừa cả nhóm 8 người đi ăn buffet hải sản bên nhà hàng ở Q.7 với giá vé hơn 100 USD/người. Sau đó, họ “đáp” đến một quán bar “quậy” cho đến sáng và số tiền phải chi không kém tiền ăn tiệc. Trước đó, Đ  đã sắm cho mình chiếc quần và đôi dày hàng hiệu với giá 4,5 triệu đi chơi Tết.

L.M (SV năm hai ĐH Sài Gòn, nhà ở Q.7) không ngại ngần cho hay, việc chi tiêu vui chơi kỳ nghỉ Tết Tây hết tiền triệu đều nằm trong dự tính của mình. Ban đầu, cô dự tính đi Hồng Kông cùng nhóm bạn vui chơi, mua sắm trong kỳ nghỉ nhưng do M bị mất hộ chiếu nên phải thay đổi kế hoạch. Theo M, việc chi tiêu ăn chơi trong nước chỉ là… con số nhỏ so với việc đi du lịch vì thế cô sẽ “lấp” bằng việc mua sắm.

Bố mẹ đều làm kinh doanh, từ nhỏ chị em M đã quen với việc chi tiêu thoải mái, mỗi tháng tiêu cả chục triệu là chuyện bình thường nên việc chi tiêu này chẳng hề làm M phải lăn tăn.

Chi tiêu trong khả năng của mình không phải là sai, đưa ra không phải để phê phán nhưng với những bạn trẻ chưa làm ra tiền, phụ thuộc gia đình nhưng tiêu tiền quá nhiều lại là cả vấn đề xã hội.

Theo nghiên cứu Dự phòng sử dụng ma túy sớm trong thanh niên Việt Nam năm 2008 do ĐH Y Hà Nội và Trung tâm tư vấn các chương trình y tế CIHP , ngày càng đông thanh thiếu niên sinh ra trong gia đình khá giả chi tiêu mà không bao giờ phải suy nghĩ, giới hạn vì… ngửa tay là bố mẹ đáp ứng.

Bà Lê Thị Hiếu, cán bộ dự án giáo dục tài chính Save the Children, đánh giá phụ huynh không nhận thức được những rủi ro và hậu quả của việc đưa tiền cho trẻ mà không có sự hướng dẫn hay sự giám sát.
 
Chính sự thiếu giám sát hay hướng dẫn về cách chi tiêu cùng với sự thích khẳng định bản thân, thanh niên chủ yếu tiêu tiền để đầu tư hình thức bên ngoài, ăn uống, vui chơi cũng như dễ sa vào việc sử dụng một số loại ma túy để tỏ vẻ “sành điệu”. Việc tiêu tiền vô tội vạ cũng tăng nguy cơ rủi ro trong tương lai cũng như làm giảm đi sự hiểu biết về giá trị sức lao động, đồng tiền của bạn trẻ.

Hoài Nam