Tết này con không về
(Dân trí) - Được nghỉ học, lúc bạn bè rậm rịch về quê cũng là lúc Văn Hùng ra mắt chủ nhà nhận công việc. Hùng nhận công việc khá mạo hiểm, trông nhà cho hai gia đình từ ngày 28 đến hết ngày mùng 3 Tết.
Con vắng nhà ngày Tết
Vé tàu xe Tết là lý do mà nhiều sinh viên buộc lòng phải ở lại. Tiền vé về quê là khoản tiền lớn mà nhiều sinh viên nghèo không thể “gánh” nổi.
Dịp này, tại một vài trường đại học, ga Hà Nội tổ chức bán vé tàu cho sinh viên. Nhìn cảnh bạn bè chen chân mua vé tàu, cười vui khi cầm vé trên tay nhiều người phải ngậm ngùi. Thậm chí là ngoảng mặt đi, để bạn bè không biết mình đang khóc.
Chưa thông báo gì thì bố mẹ Thu Dịu, sinh viên khoa Báo, ĐH KHXH&NV Hà Nội cũng đã biết “Tết này con không về”. Quê Dịu ở tận Quảng Bình, Dịu lại đang có chị học ở Cần Thơ nên cách năm, hai chị em mới thay phiên nhau về Tết vì tiền đi lại quá tốn kém.
Dụi nói: “Nếu hai chị em cũng về Tết thì tiền đi lại đã hơn một triệu rưỡi. Bằng tiền sắm Tết của cả nhà. Cả hai mà cùng về thì ra Tết bố mẹ phải chạy vạy vay tiền để hai chị em quay lại trường”.
Vui vì mua được vé tàu giảm giá, Đỗ Minh Ngọc, khoa Địa chất, ĐH Khoa học Tự nhiên vẫn không quên chia sẻ “cảnh ngộ” với nhiều bạn ở lại: “Mình có biết mấy người bạn Tết này không về. Nhưng vì ngại nên họ không muốn nói cho ai biết. Ai mà chẳng buồn, cả năm mới có một lần”.
Tận dụng ngày Tết làm thêm kiếm tiền cũng là lý do “níu chân” sinh viên. Vì làm việc trong những ngày Tết, họ thường được trả công cao gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Thành lệ, Tết năm nào Thu Hiền (ĐH DL Phương Đông) cũng đi bán hàng tại cửa hàng phục vụ Tết trên đường Cầu Giấy. Nhiều người làm cùng Hiền nhưng đến 28 Âm là nghỉ, còn Hiền nhận… bán qua Tết. Cô bán đến tận tối 30. Ngày mùng 1 nghỉ chờ đến mùng 2 lại mở quán để bán hàng cho khách đi chúc Tết.
“Tiền công được 120.000 đồng/ngày, đây là mức trả gấp ba so với ngày thường. Năm nay định về nhưng tiếc tiền lại thôi. Khổ nhất là bố mẹ ở nhà, năm nào cũng mong con gái” - Hiền nói. Hiền cũng dự định, nếu có thể, Rằm tháng Giêng cô sẽ về… hậu Tết cùng gia đình.
Không phải sinh viên nào cũng có niềm vui cầm chiếc vé tàu Tết trên tay.
Chi tiêu đắt đỏ, gì cũng tăng giá nên tiền học phí bố mẹ cho, Văn Hùng, ĐH Ngoại ngữ đã tiêu “lẹm” sạch. Hùng cũng quyết định Tết này ở lại kiếm tiền ra năm đóng học phí không sẽ “treo giò”.
Nhờ người quen giới thiệu, Hùng nhận trông nhà cho hai gia đình trên đường Bạch Mai vào mấy ngày Tết để họ về quê. “Mình sẽ chính thức “tiếp nhận” nhà mới vào ngày 28 Âm. Với công việc khá mạo hiểm này, sau mấy ngày Tết, mình sẽ được hai gia đình trả gần hai triệu tiền công, đủ nộp học phí luôn hai kỳ” - Hùng nhẩm tính.
Đón Tết “độc” ở Thủ đô
Năm ngoái, Văn Lợi, ĐH Quốc gia Hà nội cũng đã không về quê ăn Tết nên cậu rất hào hứng chuẩn bị tinh thần… gặp lại gia đình sau hai năm. Vậy nhưng, Lợi nhận được tin không hay từ mẹ. “Năm nay trời lanh, lợn gà chết hết. Bố con lại đang bệnh nên me không có tiền để con về Tết. Còn chờ Tết năm sau vậy nhé”, mẹ Lợi sụt sùi - Lợi kể.
Khó tin nhưng có thể trong bốn năm đại học, Lợi chỉ có dịp về nhà một lần sẽ là vào Tết năm sau. Năm nay, một anh trong xóm trọ cũng ở lại nên Lợi sẽ không “đắp chăn nằm ngủ mấy ngày Tết” như năm ngoái mà hai anh em đã lên kế hoạch đón Tết cho mình.
Với 200.000 đồng trong mấy ngày Tết, Lợi được phép “chơi sang” nên cậu rất hồ hởi: “Tết mà, mình cũng được sang hơn. Bọn mình cũng sẽ mua vài chiếc bánh chưng, thịt hộp và ít hành muối nữa có không khí Tết ngay. Hai anh em tính, tối 30 sẽ đạp xe khắp Hà Nội xem dân Thủ đô đón giao thừa thế nào. Chỉ mong trời đừng quá lạnh”.
Vì công việc nên Văn Hùng chắc chẳn sẽ hoàn toàn đón Tết trong nhà… người lạ vì cậu đã cam kết hai ngôi nhà ba tầng hoàn “vẹn toàn” qua bốn ngày Tết. Chủ nhà cũng đã nói trước là đồ ăn trong nhà có sẵn, Hùng thoải mái sử dụng. Nhưng Hùng vấn tiếc là năm nay không được thưởng thức món giả cầy của mẹ nấu.
Giao thừa của Hùng thật đặc biệt, cậu sẽ thức vòng đi vòng lại giữa hai nhà để canh trộm.
Với những cô gái, Tết xa gia đình nhiều cảm xúc hơn. Thu Dịu đã chuẩn bị trang trí cho phòng của mình bắng cách treo những tấm lịch tường của trường, dán lại phòng. Cô cũng sẽ treo bong bay, giấy bóng khắp phòng để có không khí Tết.
Dịu cũng khoe đã “tự thưởng” cho mình một chiếc áo khoác mới. Nhưng rồi cô lại ngậm ngùi: “Em cũng chỉ quanh quẩn trong phòng chẳng biết đi đâu. Ai đã từng phải ở lại mới biết Tết ở Hà Nội buồn như thế nào Mẹ nói ra Tết sẽ gửi cho em ít bánh chưng và đồ ăn. Không biết có gửi đươc không nữa”.
Không gì buồn hơn ngày Tết lại không được đoàn tụ với gia đình. Nhưng những sinh viên đón Tết một mình vẫn tự tìm cho mình một niềm vui riêng để đón một năm mới.
Hoài Nam