“Tết muộn” của sinh viên
Những ngày đầu năm mới sắp hết, khi mọi người bắt đầu quay trở lại cuộc sống thường nhật thì một vài bạn sinh viên mới bắt đầu…đón Tết.
Làm thêm vào Tết, về nhà khi Tết hết
C.Thành (sinh viên năm 1 ĐH Sài Gòn) chia sẻ: “Khi bạn bè đang ăn Tết vui vẻ cùng gia đình thì mình phải xa nhà và bươn chải. Bố mẹ không có điều kiện gửi tiền để mình về quê vì còn phải chi tiêu trong gia đình khi Tết đến.
Mình cảm thấy mình cần tận dụng thời gian để làm gì đó vào dịp Tết. Và rồi nhờ bạn bè, có khá nhiều công việc Tết dành cho mình: phụ bán hoa vào giao thừa, làm bán thời gian tại các cửa hàng thức ăn nhanh vào dịp Tết…
Chỉ trong vài ngày thôi, mình đã tiết kiệm được một khoản đáng kể, cộng với vài trăm ngàn đã có trước đó, mình dư tiền về quê và có thể mua quà về cho bố mẹ nữa. Tuy ăn Tết muộn nhưng mình rất hạnh phúc. Mình sẽ về quê vào mùng 5 và ở lại 1 tuần”.
T.L (sinh viên năm 1 ĐH KHXH & NV) vừa về nhà vào mùng 3 Tết vừa rồi. Cô nàng cùng ăn Tết vài ngày bên gia đình người quen, đồng thời tìm việc để làm tại những quán gần nhà, có khi cùng chị bán thức ăn ở vài công viên trong dịp Tết.
“Mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có thể tự tin mua quà Tết cho ba mẹ và mừng tuổi cho các em. Dù phải đón Tết trễ nhưng mình cảm thấy đây là mùa Tết ý nghĩa nhất với mình, cho đến thời điểm này”.
Không ít bạn trẻ dành thời gian Tết để làm thêm phụ giúp gia đình.
Vì hoàn cảnh
Còn P.B (sinh viên năm 2 ĐH Văn Lang) dù vẫn đang ở cùng gia đình nhưng vẫn phải ăn Tết muộn vì ba mẹ vắng nhà ngày Tết. P.B cho biết: “Mình đang đi làm thêm ở KFC trong vài ngày, trước khi đợi ba mẹ về. Nhờ đi làm mà cũng cảm nhận được không khí Tết, cảm thấy vui vì mình làm được việc ý nghĩa.
Như Huyền (20 tuổi, du học sinh tại Mỹ) chỉ có thể cảm nhận được không khí Tết qua các trang web Việt Nam. Cô bạn cho biết, vào thời điểm này ở Mỹ đang là lúc bắt đầu mùa học mới và bận rộn đến nỗi cô bạn không còn thời gian để trải nghiệm Tết Ta trên đất Tây nữa.
“Mình dự định sẽ cùng gia đình trang trí một góc trong nhà, nấu một bữa ăn đậm chất Việt Nam và mặc áo dài chụp ảnh. Vẫn sẽ có lì xì, chúc Tết, chơi bài… Tuy phải đón Tết muộn nhưng mình cảm thấy hài lòng vì điều này làm cho mình đỡ nhớ Việt Nam hơn”, Huyền chia sẻ.
Dù muộn nhưng vui
C.Thành cho biết: “Nhờ có một cái Tết “đặc biệt” mà mình biết trân trọng hơn những mùa Tết trước và nâng niu những giá trị truyền thống. Có thể bình thường nhiều bạn luôn than thở rằng “Tết sao chán quá”, “Tết năm nay chẳng vui bằng năm ngoái”. Nhưng mình thì khác.
Mình đã “thiệt thòi” vì không thể bên gia đình vào những dịp đặc biệt nhất, nên mình luôn dành trọn thời gian để đi chợ hoa, chụp ảnh, và chúc Tết người nhà. Với mình, Tết thật sự vui và ý nghĩa”.
“Mình cũng có hơi tiếc nuối vì đã bỏ lỡ những ngày vui nhất trong Tết. Nhưng bù lại, mình học được cách để trưởng thành, và tạo một bước ngoặt mới trong cuộc đời. Tết sẽ vui theo cách mà bạn muốn.
Vậy nên đừng bao giờ phí phạm những ngày nghỉ trong Tết nhé, dù cho những ngày đầu năm đã qua và chúng ta bắt đầu quay về cuộc sống thường nhật”, T.L (sinh viên ĐH KHXH & NV) chia sẻ
“Hãy trân trọng những ngày Tết của bạn và làm những việc có ý nghĩa. Với mình, dù phải ăn Tết muộn nhưng mình vẫn thích Tết và vẫn theo những tục lệ truyền thống như khi còn ở Việt Nam. Mình mong thời gian trôi nhanh để hoàn thành xong việc học, được về Việt Nam. Lúc ấy sẽ không còn bị “trễ Tết” nữa”, Như Huyền bày tỏ
Theo Mực Tím