Tết không pháo hoa, bạn trẻ sẽ làm gì đêm giao thừa?

(Dân trí) - Cứ Tết đến người dân cả nước lại háo hức và gần như đã mặc định phải có pháo hoa mới là Tết, tuy nhiên năm nay các tỉnh thành trên cả nước thậm chí cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM cũng đồng loạt dừng tổ chức khiến nhiều người cảm thấy hẫng hụt, đặc biệt là các bạn trẻ.

Hàng năm, cứ đến giao thừa nhà nhà lại háo hức xem bắn pháo hoa chúc mừng năm mới. Người thì đến các địa điểm gần nhà có tổ chức bắn để xem, người thì xem qua truyền hình, pháo hoa trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân sang.

Thế nhưng năm nay, việc không tổ chức bắn pháo hoa cũng khiến không ít người cảm thấy hụt hẫng đặc biệt là các bạn trẻ. Được biết những năm trước, để xem được pháo hoa nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn đến nửa triệu đồng để có được một chỗ ngồi đẹp chỉ để chiêm ngưỡng 15 phút pháo hoa rực trời.

Đàm Hà Trang (SN 1992), Thái Bình
Đàm Hà Trang (SN 1992), Thái Bình

Bạn Đàm Hà Trang (sinh năm 1992) đến từ Thái Bình cho biết, việc tỉnh nhà không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên Đán năm nay khiến cho mọi người cũng như bản thân Trang cảm thấy hụt hẫng.

"Hằng năm, bọn mình thường đi xin lộc rồi đợi đến lúc pháo hoa nổ là biết giao thừa đến, lúc đó còn có gì đó để háo hức nhưng giờ thì ra chùa xin lộc xong về đi ngủ, đêm giao thừa trôi qua khá chóng vánh. Bản thân mình cảm thấy chán vì giao thừa mà không có pháo hoa thì cảm thấy chẳng còn không khí Tết", Trang chia sẻ.

Năm nay không có pháo hoa nên dự định của Trang đêm giao thừa vẫn là đi chùa xin lộc, thay vì xem pháo hoa Trang sẽ cùng bạn đi đến gia đình của bạn bè để xông đất và chúc Tết gia chủ.

Huy Hùng (SN 1996), Ba Vì, Hà Nội
Huy Hùng (SN 1996), Ba Vì, Hà Nội

Cùng quan điểm với Trang, Huy Hùng (sinh năm 1996) tâm sự: "Năm nay biết tin không bắn pháo hoa mình cũng khá buồn, thực sự cảm thấy hết vui vẻ hào hứng. Tết mà không có pháo hoa thì thiếu đi không khí đêm giao thừa".

Hùng kể, hằng năm cậu bạn thường cùng bạn bè ra Thành cổ Sơn Tây để xem bắn pháo hoa vì địa điểm này thường nằm trong kế hoạch được tổ chức bắn pháo hoa tầm cao của Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, năm nay nếu thành phố không tổ chức Hùng sẽ chỉ đi xin lộc rồi về nhà đón giao thừa với gia đình, ông bà bố mẹ.

Nguyễn Biển (SN 1991), Nam Định
Nguyễn Biển (SN 1991), Nam Định

Nguyễn Biển (sinh năm 1991) hiện đang là kiến trúc sư của một công ty tại Hà Nội chia sẻ về những lần đón giao thừa tại quê: "Hằng năm cứ đến giao thừa là quê mình lại sáng rực trời, mọi người đều hân hoan và háo hức rủ nhau đi xem. Xem xong mình sẽ đi chùa hoặc nhà thờ Họ để xin lộc, gặp anh em họ hàng hàn huyên tâm sự.

Các cụ bô lão làm lễ trong nhà thờ Họ xong thì mọi người vào hạ lễ và cùng nhau uống chén rượu đầu năm. Nếu Tết mà không có pháo hoa thì chẳng khác gì một ngày bình thường cả. Không còn cảm giác đã bước qua thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới", Biển nói.

Với thông tin năm nay các tỉnh thành trên cả nước sẽ dừng tổ chức bắn pháo hoa, 9X quê Nam Định chia sẻ thực sự cảm thấy khá hẫng hụt tuy nhiên Biển vẫn sẽ tiến hành những công việc như mọi năm. Năm mới mong muốn của Biển là thời tiết se lạnh để đi chơi họ hàng, bạn bè thuận lợi.

Hà Lê (SN 1996), Hà Nam
Hà Lê (SN 1996), Hà Nam

"Không được xem pháo hoa thì cũng buồn thật vì cảm giác giao thừa mà không có tiếng pháo thì như thiếu đi cái hồn của Tết vậy. Nhưng khi biết lý do năm nay dừng bắn pháo hoa là để dùng kinh phí đó chăm lo Tết cho hàng chục ngàn người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách thì mình thấy mọi người cũng nên hiểu và chấp hành tốt", Hà Lê (sinh năm 1996) nói.

Hà Lê cho biết năm nay thay vì ra nhà văn hóa của thôn để xem bắn pháo hoa cô bạn sẽ cùng anh chị đi chùa lấy lộc sau đó ngồi nói chuyện với bố mẹ đến 1, 2h sáng như mọi năm và tận hưởng không khí đầu xuân năm mới.

Hà bộc bạch, năm tới cô bạn có khá nhiều dự định và mong muốn nhưng bản thân sắp là sinh viên năm cuối nên điều Hà muốn nhất trong năm 2017 đó là có một sức khỏe tốt để theo đuổi, thực hiện mọi công việc và dự định mà mình đã đặt ra.

Kim Bảo Ngân

Ảnh: NVCC