Tết “hợp chủng quốc” ở Hà Nội
Nơi có nhiều tết nhất trên đất Việt Nam có lẽ là ở ký túc xá của lưu học sinh nước ngoài. Tại “hợp chủng quốc” nhỏ này, Tết dương lịch, tết Hồi giáo và cả Tết Nguyên Đán... được chào đón một cách rất sinh viên.
Khu “ký túc Tây”, theo cách gọi của SV Hà Nội, có hẳn một ban quản lý gọi là Trung tâm phục vụ học sinh nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Biên, trưởng ban quản lý SV Tây Á, châu Âu, đang tất bật chuẩn bị chương trình mừng năm mới cho “hợp chủng quốc” nhỏ bé này.
Năm nào cũng có một ngày, trung tâm chi một khoản tương đối để tập trung “cư dân” đến từ hàng chục quốc gia đang học tập tại Hà Nội cùng dự một buổi dạ tiệc.
“Em ơi mùa xuân đến rồi đó”...
Vì người phương Tây không có tết âm lịch nên mấy năm trước buổi lễ thường được tổ chức vào đêm 30/12. Nhưng luôn có “hiện tượng lạ” xảy ra: Đến 21h, 22h là họ rút hết về phòng.
Hỏi ra mới biết giây phút chuyển giao thiêng liêng đó rất quan trọng với cánh trẻ tha hương. Mỗi SV về phòng vào thời điểm khác nhau (vì múi giờ giữa các nước không đều), để được yên tĩnh đón giao thừa theo đúng giờ quê hương. Rút kinh nghiệm nên năm nay lễ mừng năm mới đã được quyết định tổ chức trước một ngày.
Buổi lễ mừng năm mới cho “hợp chủng quốc” gần 1.000 dân này mang đậm sắc thái tình nghĩa. Có lãnh đạo chúc mừng năm mới, có tiệc đứng và có ca múa “cây nhà lá vườn”.
SV Tây không e ngại, sẵn sàng “OK”, xông lên... hát múa tới bến. Mấy thầy giáo có con em đi học nước ngoài khi tham dự buổi lễ cuối năm của SV Tây đã bật khóc vì bọn trẻ... vui quá, không biết con em mình bên trời Tây có bạo dạn như “đội này” hay không.
SV Tây nhìn bề ngoài thì đón tết rất đơn giản, có người chỉ đi chợ cóc cạnh ký túc xá làm bó hoa, vài cái dây kim tuyến. Cán bộ ký túc xá hỏi thì nhún vai lơ lớ “thế thôi, hết tiền rồi”. Nhưng đó chỉ là bề nổi.
Khi họ tụ tập với nhau sau phút liên hoan miễn phí, những “chiêu” đón tết mới bật ra phong phú. “Nhẹ” thì một món đặc sản quê hương, chai sâmbanh, “nặng” thì hò hát ồm ồm, ly cốc leng keng mãi...
Trong căn phòng ký túc xá dành cho du học sinh (cũng chỉ rộng chừng 20-25m2), bên ba chiếc giường nhỏ xinh xắn, trên kệ sách và bàn trang điểm đã thấy lấp lánh những sợi dây kim tuyến trang trí chuẩn bị đón tết.
B. Gantuya, người đã ở VN tới 9 năm, đang học năm cuối chương trình thạc sĩ ở Đại học Ngoại thương, cũng là trưởng đoàn SV Mông Cổ, vui vẻ kể chuyện mấy năm liền cô đến nhà các bạn VN đón giao thừa và phá cỗ.
Ấn tượng trong cô rất sâu sắc: “Ở Mông Cổ chỉ có thịt bò và cừu, sang đây thấy nhiều loại thịt quá, rất hợp, rất nhiều món ăn ngon”...
Ulzii Jargal (học năm cuối Đại học Kinh tế quốc dân) nhiệt tình đem đĩa sữa cừu khô (món đặc sản được mang từ Mông Cổ) ra mời chúng tôi. “Mông Cổ cuối năm lạnh lắm, mùa xuân vẫn dưới 0 độ C. Vì vậy, người dân thủ đô Ulanbato tết chỉ tập trung đến nhà thờ, không đi nhiều ra đường như người Hà Nội”.
Cô gái “Nguyên Mông” này hòa nhập cuộc sống VN rất nhanh. Cô ngon lành cưỡi chiếc Viva bóng loáng xông pha khắp nơi, đôi khi có va quẹt nhưng... “No vấn đề”.
Theo tiêu chuẩn, du học sinh đi theo hiệp định mỗi tháng được Chính phủ VN cấp 750.000 đồng (50 USD). Vì vậy, SV Tây cũng... tương đối nghèo. Hằng ngày họ ăn suất cơm 8.000, 10.000 đồng hết veo; nhưng sau tết nhiều chàng, nàng mắt xanh tóc vàng tìm xuống bếp thiểu não: “U cho con xin suất... 4.000 đồng”.
Gantuya tươi rói kể: Tết âm lịch trước, đợi đón giao thừa cùng các bạn VN, mấy anh chị Mông Cổ bỗng nổi hứng đi thắp hương ở Phủ Tây Hồ, rồi cũng theo đà hái lộc. Về đến ký túc xá tầm 8 giờ sáng, mặt mày hốc hác, giày méo, áo lông thú mang từ quê sang te tua nhưng cả đoàn vẫn khấp khởi vì “chiến lợi phẩm”: một cành đào và một cây mía (mặc dù không ai nhớ đã giật được lộc này ở đâu)!...
Phòng của các cô gái Nga vừa được trang hoàng đón Tết. |
Trong “ký túc Tây”, hiền lành nhất có lẽ là mấy cô gái Nga và Ukraine. Với Nastia, cô gái có cái tên VN rất đẹp là Huyền Trang, ký ức về ngày tết Việt thật lạ: “Mọi người nhũn nhặn hơn, rét căm căm nhưng ai cũng hồ hởi. Đến năm thứ hai tôi mới cảm nhận được phần nào cái gọi là không khí tết của các bạn”.
Đêm cuối năm, căn phòng ký túc xá nhỏ gọn dậy lên thứ mùi rất thơm của bánh Pelmini mà các cô tự làm để đón cái tết tha hương.
Lena, được các bạn VN đặt tên là Hương, rất khoái món nem. Mồng 2 tết năm 2002 lúc mới sang, lần đầu tiên được mời bóc bánh chưng, chỉ đụng tay được bốn lần lên lá bánh, Hương đã bị “sốc” khi nhựa gạo dính cả lên đầu, tóc thì bị lôi ngược xuống bánh.
Còn Alyona (nhỏ nhất, mới 20 tuổi) từng khiếp đảm ngồi nhìn quả trứng vịt lộn và món rươi các bạn VN đãi. Tết Giáp Thân, thấy có một chàng trai cứ dấm dứ tờ 50.000 đồng vào tay mà hãi, nay ngược lại, khi tôi gọi điện đến hỏi về năm mới, Alyona “rào” ngay trước khi cúp máy: “Nhớ mừng tuổi em đấy nhé!”...
Ký ức “The Tet holyday”...
Không chỉ có SV Âu, Mỹ, mà ở “hợp chủng quốc” cạnh đường Đại Cồ Việt này còn có nhiều bạn châu Á. Thế nên, văn hóa tết ở đây có thêm nhiều nét đặc sắc.
Khi đến phòng của một SV Iraq, vừa được gia chủ mời vào, bên cạnh cây đèn Aladin, cuốn kinh Coran nhỏ xíu đặt trên chiếc tivi, một cô gái VN xinh xắn đang ngồi trên giường. Noor Mustafa tự giới thiệu: “Tên Việt của tớ là Nguyễn Văn Cường, vì... bà xã đây là người Hà Nội. Đạo Hồi cấm uống rượu nhưng tớ hư, dịp vui lớn vẫn cứ nhâm nhi tí chút. Tết Nguyên đán thường là một trong những dịp ấy”...
Từng tham gia quân đội dưới thời Sadam Hussein, Noor vẫn mơ có một ngày dẫn người yêu hành hương đến thánh địa Mecca trong dịp tết lớn của người Hồi giáo.
Còn hiện tại, SV “ký túc Tây” thấy Noor tất bật trong những ngày tết Việt, đi mua hoa đào, khuân những gói quà nhỏ với lời chúc an khang, may mắn qua nhà thầy, nhà bạn...
T.Franc5ois, một SV tự túc học chuyên ngành dân tộc học ở VN, nói: “Tôi ăn tết ở VN năm nay nữa là lần thứ tư rồi”. Anh bạn Pháp nhớ lại cái “Dzờ (The) Nguyên đán” đầu tiên của mình: “Duyên phận thế nào mà mình mết ngay một nàng SV Việt học khoa du lịch Trường đại học KHXH&NV Hà Nội.
Mặc dù đến nay vẫn... tình đơn phương nhưng mình còn giữ tờ 200 đồng tiền cô ấy mừng tuổi tết năm con mèo. Mình đem về nước, mẹ bảo: cố giữ lại làm... bùa VN”.
SV nước ngoài hiếu động và cũng... thi lại đều. Mặc bao nỗi lo khi xa quê nhưng họ vẫn háo hức đổ ra đường phố chung vui mỗi dịp tết đến, tạo nên những sắc thái mới ngày xuân trong không gian Việt.
Nhìn gương mặt những SV nước ngoài vui nhộn, nắm tay nhau hát trong các buổi liên hoan cuối năm, tôi chắc chắn một điều là sau này dù có về nước, cái tết VN sẽ vẫn mãi là một phần ký ức tươi đẹp của họ.
Theo Tuổi Trẻ Chủ Nhật