Tết, đổ xô “tút” lại nhan sắc
(Dân trí) - Oanh bước vào phòng, mấy cô bạn còn suýt chẳng nhận ra. Tóc nửa xoăn, nửa thẳng với hai màu tím đỏ, móng tay, móng chân lèo loẹt, “nổi” nhất là chiếc khuyên treo lủng lẳng ngay giữa mũi. Oanh vừa đi “tút tát” xong, để chuẩn bị về quê đón Tết.
Để không... “nhà quê”
Cuối năm, nhu cầu làm đẹp của SV tăng nên các hiệu làm tóc bình dân quanh các các khu ký túc xá, xóm trọ sinh viên lúc nào cũng nườm nượp khách. Nhiều hiệu, SV còn phải ngồi xếp hàng đợt đến lượt mình.
Nửa năm đi học, Tết là dịp các SV “trình diện” với xóm làng nên ai cũng muốn mình ít nhiều thay đổi so với lúc còn ở nhà. Chính vì thế, trước khi về nghỉ Tết dù bận trăm công nghìn việc như ôn thi, làm thêm, nhiều SV vẫn tranh thủ… “sơn nhà”.
Tết năm ngoái, Ngọc Thanh, ngành Phát hành Xuất bản phẩm, ĐH Văn hoá bị “bẽ mặt” khi bạn bè ai cũng tóc em thẳng tưng, nhuộm màu hạt dẻ còn Thanh sau hai năm đi học xa nhà vẫn mái tóc lòa xòa tự nhiên. Năm nay, Thanh quyết tâm phải “lên đời” bằng được mái tóc của mình trước khi về Tết.
“Quả đầu” ốp ngắn và nhuộm thêm màu hung đỏ Thanh phải chi hơn 300 nghìn đồng nhưng cô vẫn hớn hở: “Bạn bè ở quê giờ sành lắm, đứa nào cũng đỏ tóc vàng lâu rồi. Mình dù gì cũng mang danh học ở thành phố, về nhà cứ quê quê cũng ngại”.
SV đàn anh chị thì chẳng nói làm gì, mấy năm đi học ít nhiều đã khác. Với các em năm thứ nhất, càng hớn hở đi “làm mới” mình.
Kỳ học đầu tiên, đi học với mái tóc xoăn tự nhiên chẳng nề hà gì, nhưng đầu tuần Nguyễn Thị Thảo, sinh viên năm nhất ĐH Thương mại cũng đã kịp đi ép tóc để chuẩn bị về nhà nghỉ Tết. Bạn bè trong lớp Thảo, mới tuần trước đó còn “dân giã”, thế mà chỉ mấy ngày nghỉ ôn thi, đến lớp đứa nào cũng đua nhau khoe tóc mới. Phần lớn là tóc ép, vài ba người làm xoăn.
Thảo bộc bạch: “Ai cũng muốn Tết sẽ đẹp và khác trước một tý cho có “chất” sinh viên ở thủ đô về. Tuy nhiên, trong mắt mọi người từ trước tớ là một đứa con gái “đù đờ”, chỉ biết học nên chỉ dám ép tóc thẳng chứ không dám nhuộm màu mè vì sợ… mẹ buồn”.
Không chỉ nữ sinh mà nhiều nam sinh cũng “vào cuộc” làm đẹp dịp cuối năm. Họ tỉa tót tóc tai cẩn thận hơn, thậm chí nhiều bạn còn nhuộm thêm tý màu cho nổi.
Quốc Hoàng, ĐH Công nghiệp cho biết: “Ngày thường mình cắt tóc, ra quán vỉa hè chỉ mất 7.000 đồng. Chuẩn bị về Tết mình “đầu tư” vào hiệu tỉa tót thời trang, kiểu cách thời một tý, phớt thêm chút màu vàng thế mà mất hơn trăm nghìn”.
“Dân chơi” về quê
Đông đảo nhất vẫn là đội ngũ SV làm điệu bằng cách chọn các hiệu bình dân. Bên cạnh đó, cũng nhiều SV “hoá phép” thành dân sành điệu để về quê cho mọi người phải… lé mắt. Họ làm đầu kiểu “dân chơi”, vẽ móng tay móng chân, xăm mắt, xăm mũi thậm chí khuyên mũi để thành “hàng độc ở quê”.
Sau khi dành cả một ngày “sơn sửa”, mấy cô bạn cùng phòng suýt không nhận ra Oanh, cô SV trường ĐH Sư phạm Văn hoá Nghệ thuật Trung ương. Mái tóc Oanh nửa xoăn nửa thẳng với hai màu tím - đỏ cách biệt, móng tay, móng chân sơn màu lèo loẹt. “Nổi” nhất là chiếc khuyên lủng lẳng ngay giữa mũi.
Tết năm ngoái, Oanh đã làm mọi người ở quê choáng vì mái tóc xù mỳ đỏ khét thì năm nay Oanh dự báo: “Chắc chắn Tết này về quê ai cũng phải “sốc” khi thấy mình. Ngày Tết đứa nào cũng đua nhau làm đẹp, mình không “độc”, là “đụng hàng” ngay!”
“Đẳng cấp” chẳng kém, Thu Trang, HV Báo chí và Tuyền truyền cuối năm chi nhiều tiền và thời gian hơn để đi lột da mặt. Tóc tai, móng tay móng chân, năm nào Trang cũng “tu sửa” trước khi về ăn Tết đến nhàm nên năm nay cô quyết định xăm mắt, lông mày và môi cho lạ.
Trang thật thà: “Tết là dịp bạn bè đi học khắp nơi về “đú” xem ai hơn ai nên mình phải chấp nhận chịu chơi để không thua kém ai thôi”.
Để “hoá” dân chơi khi về quê những người như Oanh, Trang phải chấp nhận đầu tư hết sức tốn kém. Oanh đã “nướng” sạch số tiền đi múa mấy tháng trời của mình. Còn Trang, tháng này đã xin gia đình thêm một khoản tiền sắm Tết nhưng cô vẫn phải ra hiệu cầm đồ “gửi” tạm bộ máy tính của mình để làm đẹp.
Thanh Tuấn, khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Kinh tế Quốc dân lắc đầu: “Năm ngoái, bạn bè hồi cấp ba họp lớp. Nhiều bạn xuất hiện như một manơcanh từ hành tinh khác rơi xuống. Nhìn họ ai có thể nghĩ đó SV. Ở thành phố có thể chẳng sao nhưng ở quê lại rất “chướng mắt”.
Hoài Nam