Tết của những người... “lắm chuyện”

Tết, người ta thường tận dụng để nghỉ ngơi. Nhưng có những sinh viên lại mang thêm việc vào mình chỉ để mang một chút gió về góp với quê hương hay cho đi những gì mình nhận được. Ngày Tết của họ trở nên bận rộn hơn.

Tết và tư vấn tuyển sinh

Gần chục năm nay, mỗi lần về nghỉ Tết, các bạn SV thuộc xã Thống Nhất, ĐakLak lại nhận được giấy mời họp mặt truyền thống của lãnh đạo xã. Gọi chính xác là buổi gặp gỡ giữa đại diện lãnh đạo địa phương, hiệu trưởng trường cấp 3 của xã và HSSV.

HSSV vẫn gọi đây là buổi "hẹn hò" của các anh chị SV và các em HS đang học lớp 12. Ai đang là SV sẽ được mời "thuyết trình" về trường, ngành nghề mình đang theo học. Một đại diện SV sẽ giải đáp những thắc mắc về định hướng nghề nghiệp cho các em HS.

"Chị ơi, học nghề đó ra làm gì?", "Anh nè, nghề nào dễ tìm việc?", "Em học được Văn, Sử, Địa nên thi vào ngành nào, trường nào dễ đậu?"...Những câu hỏi có thể quen thuộc với SV, nhưng luôn là điều mới mẻ, luôn là dấu hỏi của các em HS. Nói như Diên Khánh (vừa mới làm SV đợt tuyển sinh vừa rồi): "Ở đây rất thiếu thông tin tuyển sinh. HS ít ai biết rõ về đặc điểm của các ngành nghề, và cũng luôn phân vân giữa các ngành các trường. Có dịp được hỏi các anh chị đi trước thì còn gì bằng. Chỉ họp mặt có một buổi, nên tụi em thường xin địa chỉ email của các anh chị và hỏi thêm thông tin".

Để có được ngày họp mặt truyền thống, các bạn SV trong ban đại diện phải hy sinh những ngày xuân của mình. Lên danh sách, viết giấy mời, gởi giấy mời và sắp xếp ngày giờ thuận lợi. Lên kế hoạch để mỗi năm buổi gặp gỡ có hiệu quả hơn, hấp dẫn hơn, mới lạ hơn.

Bích Liễu, vừa hoàn tất nhiệm kỳ thư ký của mình, chia sẻ: "Trước Tết là lên kế hoạch, đưa giấy mời. Mấy ngày Tết cũng không được nghỉ vì phải duyệt qua chương trình. Thường ngày họp mặt diễn ra vào mồng 4, chỉ kịp bàn giao cho người 'kế vị' là lại phải lên đường".

Không chỉ là buổi họp mặt đơn thuần, mỗi năm, xã có thông lệ thưởng cho những HS vừa đậu vào các trường ĐH, CĐ, THCN. Món quà tuy nhỏ, nhưng cũng mang lại nguồn động viên cho thành quả học tập của HS và khích lệ tinh thần các em đang học 12.

Chia sẻ với nhau những kinh nghiệm của cuộc sống, việc học, đời sống của SV xa nhà... và mỗi SV lại mang theo mình một hành trang là những nhắn gởi của lãnh đạo địa phương, của chính những người thầy người cô trước đây của mình.

Tất Thắng, cực SV trường Sư phạm vẫn mãi không quên lời động viên của thầy mình. Lúc ấy Thắng đang học năm 3, thầy dặn: "So với các người bạn trang lứa, tụi em bây giờ không nhiều tiền bằng họ. Có thể, trước mắt các bạn không đi học sẽ có rẫy này rẫy kia; còn các em chỉ có vài tấm bằng. Nhưng tương lai nằm trong tay của những người trí thức".

Tết gây quỹ

Không còn nhớ ai là người đưa ra ý tưởng, chỉ biết tất cả cùng bắt tay vào làm. Một "phòng trà dã chiến" trong 3 ngày xuân. Nhóm HS,SV thuộc 2 thôn Nam Hồng, Quyết Tiến của xã Thống Nhất đã làm được điều mới nghe đã giật mình. Mở 1 phòng trà chỉ trong mấy ngày Tết.

Khởi đầu là đi vay tiền ở những vị phụ huynh khá giả. Một cái rạp "đám cưới" được dựng lên. Thế là cùng nhau è cổ ra để lên menu, định giá thức uống và mời bạn bè đến ủng hộ. Mỗi năm lấy công làm lời cũng được vài triệu. Và số tiền ấy thì để các bạn HS,SV có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi. Kỳ Diệu, thủ quỹ của nhóm cho biết: "Năm rồi, quỹ lên đến 5 triệu, và đã có 5 SV được vay vốn học tập".

Anh Hoàng Ngọc Long, cựu SV trường Y Tây Nguyên, đang là nhóm trưởng chia sẻ: "Làm rất vất vả, gặp nhau có mấy ngày để lê kế hoạch, chuẩn bị mọi thứ. Nhưng bù lại, rất nhiều người ủng hộ cho phong trào. Các bạn HSSV cũng hy sinh những ngày Tết của mình để làm phục vụ, giữ xe, rửa ly tách, pha chế...". Ai siêng đi café thì làm pha chế, phục vụ. Ai nhút nhát thì vào rửa lý, nấu nước...Công việc cứ được phân chia trước giờ mở cửa.

Thảo Linh, người đã gắn bó với phòng trà 2 năm kể: "Năm nào cũng bị ba la. Ba mồng chẳng thấy mặt người thân, đi chúc Tết bà con, họ hàng thì qua loa, vội vàng". Phòng trà chỉ mở ban đêm. Nhưng ban ngày, những SV lớn phải đi mua thêm những thứ lặt vặt, pha sẵn một vài thức uống... nên Linh luôn luôn phải có mặt cả ban ngày.

Một nơi để các bạn SV, HS gắn kết với nhau. Một nơi để gây quỹ cho SV. Và cũng là một nơi để kéo các bạn SV, thanh thiếu niên ở thôn mình xa các phương thức giải trí không lành mạnh khác.

Cũng 2 năm nay, nhóm SV này còn in lịch để bán kiếm lời. Nghe đâu, số tiền dành dụm được, các bạn sẽ ủng hộ để mở một thư viện tại quê nhà. Số đầu sách do các bạn SV tặng, đi xin bạn bè cũng được vài trăm cuốn.

Tết không nghỉ

Tết vừa rồi, tôi may mắn được cùng một nhóm gồm những người trẻ mang Tết đến cho bà con đồng bào ở Lâm Đồng. Tối 25 Tết, chuyến đi mới được khởi hành và kết thúc đúng Giao thừa. Họ là những người trẻ, các bạn SV là chính đã lập thành một nhóm thường đi giúp người nghèo.

Với phương châm: "Có gì cho nấy", quà các bạn mang theo là những bộ quần áo cũ, thuốc cảm, lương thực, sách vở, bút viết... Xe 50 chỗ ngồi chất đầy quà. Tiền xe do các thành viên đóng góp với lời giải thích: "Cũng giống như mình bỏ tiền ra đi du lịch vậy. Vừa được biết đó biết đây vừa được làm công tác từ thiện". Không những thế, các bạn còn về xin của nhà mang đi làm từ thiện. Gặp gì xin nấy...

Cũng có người say xe, cũng có người mệt nhoài khi phải dừng nhiều trạm phát quà. Nhưng luôn bắt gặp những nụ cười rạng rỡ phá tan nét mệt mỏi của đường xá. Có bạn, khi ngồi trên xe thì kêu gào vì đói, nhưng vẫn không ngơi tay trao những món quà đến các bé. Vài SV phải nói dối gia đình khi chiếc điện thoại di động suốt ngày hiện số "ba má" và phải giải thích tại sao giờ này chưa về.

Nhóm cũng có một cái tên cho mình. Nhưng lỡ hứa với anh C., nhóm trưởng là không mang tên nhóm lên mặt báo, nên đành giữ lời. Lúc mới hình thành, nhóm chỉ quy tụ được chục người, là bạn bè của nhau. Rồi mỗi chuyến đi, lại có thêm vài thành viên mới được giới thiệu. Có những người không còn thời gian để thực hiện chuyến đi thì cũng đóng góp những phần quà của mình.

Mỗi năm nhóm có vài chuyến đi, ở những thời điểm khác nhau đối tượng thường là các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa. Nhưng trước Tết, bằng mọi giá phải... mang Tết đến với trẻ em nghèo. Thường đêm cuối cùng của năm thì hành trình mới kết thúc tại TPHCM, và đương nhiên, nhiều bạn trẻ phải đón giao thừa xa nhà. Thậm chí có người mồng 2 Tết mới được về quê vì...hết xe. Nhưng, Phương Chi - một thành viên trong nhóm vui  vẻ: "Nhớ lại nụ cười ngây ngô của các em, hết buồn liền!"

Hỏi anh C. về kế hoạch của năm nay, anh bật mí: "Cũng sẽ là những chuyến đi xa. Đi đến những nơi mình có thể đến, mình phải đến. Nhóm chưa ai có kế hoạch Tết cho riêng mình".

Không có một cái Tết cho riêng mình, nhưng các bạn luôn hăng say với những kế hoạch Tết cho người khác. Có thể gọi đây là những cái Tết đặc biệt. Bởi họ đã tận dụng những ngày nghỉ để mang sắc xuân đến với quê hương, người nghèo.

Theo Đoan Trúc
Vietnamnet