Teen ngừa thai bằng việc… nghe lỏm
(Dân trí) - Không dùng bất kỳ một biện pháp bảo vệ nào, trước và sau mỗi lần quan hệ, M ăn thật nhiều dứa để... tránh thai. Bị gia đình phát hiện “dấu hiệu bất thường” khi đã cái thai đang sang tháng thứ 4 nhưng M vẫn đinh ninh… mình không thể mang bầu.
Những kiểu tránh thai… từ trên trời rơi xuống
Giới trẻ ngày càng mạnh dạn "chứng minh tình yêu"
Cả đến khi gia đình phát hiện “dấu hiệu bất thường” khi đã cái thai đang sang tháng thứ 4 nhưng M vẫn đinh ninh… mình không thể mang bầu. Chỉ đến khi làm siêu âm, thử máu biết chắc “dính”, M mới khóc òa. Gia đình hai bên phải vội vàng làm đám cưới, trong khi hai nhân vật chính vẫn không ngừng… đổ lỗi cho nhau.
Không ít bạn trẻ còn rỉ tai nhau những kiểu tránh thai như ăn nhiều rau răm, uống thật nhiều nhiều nước đá trước khi quan hệ. Hầu hết những “bài học” về sức khỏe sinh sản này họ đều “học” được từ việc nghe người này người khác nói hoặc đọc được trên internet.
Bà Quỳnh Nga, chuyên viên tư vấn tâm lý đường dây 1900.59.99.21 chia sẻ nhiều bạn trẻ gọi điện đến kể về những tình huống vô cùng oái oăm khi áp dụng những cách tránh thai lạ đời. Người thì nuốt cao sao vàng, uống dầu gió, thậm chí uống nước điều hòa kinh nguyệt... Rất nhiều bạn quan hệ xong thì nhảy dây, hít xà đơn, chạy nhảy… tin rằng như vậy không thể có thai. Đến khi "dính" thì họ bất ngờ, cuống cuồng.
Nhiều kênh “nhiễu loạn”
Theo các chuyên gia tâm lý, giới tính vẫn là một chủ đề “nhạy cảm” ở Việt Nam nên các bạn trẻ thường tìm hiểu theo “đường vòng” nghe thông tin từ người lớn, từ bạn bè, tìm hiểu qua internet nên càng dễ bị "nhiễu".
Trong đó có những ngộ nhận hết sức ngây ngô như sau khi hết “đèn đỏ” nếu đứng gần con trai sẽ dính bầu ngay hay quan hệ trong ngày đèn đỏ không để "dính", muốn tránh thai hoặc phá thai thì ăn nhiều dứa… Nhiều người chia sẻ rằng họ nghe lỏm được các “bí kíp” này từ chính ông bà, bố mẹ.
Hầu hết các bạn trẻ vẫn tin vào những suy diễn, những giải thích thiếu khoa học của ông bà, cha mẹ truyền lại. Hơn nữa, do những hạn chế về mặt xã hội nên hầu hết các bạn trẻ thường chỉ tâm sự với bạn thân về chuyện “tế nhị”. Chính điều này lại nhân rộng thông tin “nghe lỏm”.
Về vấn đầy này, TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM phải thốt lên “Điều nguy hiểm là những ngộ nhận này chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ mẹ sang con, từ con sang cháu”. Ông nói thêm nguyên nhân sâu xa là chúng ta cố giấu các vấn đề thuộc lĩnh vực này hoặc không có lý giải thỏa đáng mang tính tránh nhiệm.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Quỳnh Nga đánh giá, giới trẻ bây giờ không hoàn toàn mù mờ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình duc. Ít nhiều họ biết đến thuốc tránh thai hàng ngày, viên tránh thai khẩn cấp và biết tác hại của việc nạo phá thai... “Nhưng thực tế lại có quá nhiều kênh, nhiều nguồn thông tin tiếp cận, có nhiều nguồn chưa được kiểm chứng nên các em bị rối. Nhất là khi các thông tin không đồng nhất, nhiều cái mang tính suy diễn mà đến người lớn cũng “ngờ ngợ”.
Bà Nga nhấn mạnh, cách tiếp cận thông tin rất nguy hiểm khác là các em thường truyền tai nhau về những điều mình biết được. Người này truyền người kia, nên một người hiểu sai sẽ dẫn đến rất nhiều hiểu sai. Chính sự mập mờ về sức khỏe giới tính, tình dục là nguyên nhân dẫn đến những cách phòng tránh vô cùng ngây ngô dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Hoài Nam