Teen mệt mỏi, "khó thở" khi bị hỏi người yêu dịp Tết

(Dân trí) - Bên cạnh niềm vui, cảm giác ấm áp gặp gỡ người thân, họ hàng dịp Tết sau một năm xa cách, nhiều cô gái đã rất khó xử, mệt mỏi vì bị “sờ gáy”, hỏi thăm chuyện người yêu.

Câu hỏi “khó trả lời”

 

Sinh năm 1992, vừa ra trường, đi làm được vài tháng, vậy mà gia đình Thanh (cựu SV trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên) đã rất sốt sắng chuyện cưới xin, trong khi cô bạn còn chưa có người yêu.

 

Thanh cho biết: “Gần như mỗi ngày, mẹ đều hỏi chuyện và khuyên nhủ mình lựa chọn bạn trai để cưới. Mình đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức chỉ để thuyết phục mẹ không nhắc tới chuyện ấy nữa. Cũng may vì có ông nội can thiệp, góp ý, mẹ đã tạm dừng chủ đề ấy lại, để mình có cái Tết yên tĩnh và thanh thản”.

 

Đã có công việc ổn định được 4 năm, mọi người đều cho rằng Ngọc (cựu SV trường ĐH Thương mại) nên tính chuyện “trăm năm”. Nhưng Ngọc lại không cho nghĩ vậy, vì cô vẫn muốn dành thời gian, tập trung phát triển sự nghiệp.

 

“Mình chia sẻ mong muốn của bản thân nên bố mẹ cũng ủng hộ con gái. Tuy nhiên, vài người hàng xóm lại “cố tình” không hiểu, khiến mình nghe đến phát chán, mặc dù chỉ trong mấy ngày vừa qua. Vài lần đầu, mình có lên tiếng giải thích lý do “gác” chuyện yêu đương nhưng họ lại quay sang khuyên nhủ rõ nhiều, nên mình sợ và không ý kiến gì luôn.

 

Mình đã sợ đến mức, ngay ngày đầu tiên năm mới đến chúc Tết người thân, phải rón rén đi lại và không dám nói câu nào, tự coi bản thân như người “tàng hình”, ngồi trong góc khuất nhất để không ai nhận ra và thăm hỏi đến nữa”, Ngọc bày tỏ.

 
Đề tài người yêu luôn khiến không ít bạn gái cảm thấy khó trả lời dịp Tết.

Đề tài người yêu luôn khiến không ít bạn gái cảm thấy khó trả lời dịp Tết.
 

Vì lỡ dở vài mối tình, hiện tại dù vừa bước sang tuổi 29, Thu (Thanh Hóa) vẫn đang ở tình trạng “độc thân”. Suốt 2 năm nay, việc trở về quê đã trở thành nỗi “ám ảnh” của cô.

 

“Tuổi như mình, ở quê đã bị coi là “gái ế” nên mỗi dịp trở về, bị hỏi ghê lắm. Ngay đến bố mẹ cũng vô cùng lo lắng, sốt ruột nên nhiều khi về nhà hoặc gọi điện thoại trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe phụ huynh, lời giục cưới đó khiến mình thấy áp lực.

 

Nhưng điều mình cảm thấy mệt mỏi hơn là ánh mắt, sự quan tâm thái quá của những người thân hai bên họ hàng. Mỗi lần gặp mặt, chị lại bị ngồi nghe 3,4 tiếng đồng hồ ù cả tai, hoa cả mắt bởi lời chỉ giáo, động viên chuyện chồng con. Do đó, dịp Tết này chị không đi đâu hết mà chỉ nằm ở nhà”, Thu cho biết.

 

Giật bắn người khi bị hỏi chuyện người yêu

 

Tưởng đâu qua cửa ải của mẹ là đã có thể “sóng yên bể lặng”, chưa kịp thở phào, Thanh lại gặp phải “đối thủ” khác. Cô bạn không ngờ khi đến nhà bác trai chúc Tết, đã trở thành “trung tâm của dư luận”. Nhận được đáp án phủ nhận cho câu hỏi: “Có người yêu chưa? Khi nào lấy chồng?”, mọi người chỉ tiếc “rèn sắt không thành thép”.

 

Thanh chia sẻ: “Mỗi người một câu, đã nhanh chóng dìm mình vào trong “biển lửa” của cuộc vận động lấy chồng sớm”. Thậm chí, nhiều cô, dì, vì quá quan tâm đã ra sức giới thiệu, mai mối cho mình với những nam thanh niên khác. Cười không được, khóc không xong, những ngày Tết còn lại đối với mình bỗng dưng trở nên chán ngán”.

 

Mẹ Thanh đã tỏ ra rất vui vì việc mối lái của những người thân và đề nghị cô bạn tranh thủ gặp mặt, mở lòng xây dựng mối quan hệ, phát triển tình cảm với những đối tượng đó.

 

“Mình cố gắng ậm ừ cho qua, không dám phản đối vì sợ mẹ lại bắt đầu “bài ca” thuyết phục hoặc có thái độ “cưỡng chế” gay gắt. Vài ngày nữa mình phải ra Hà Nội đi làm rồi nên sẽ không lo khâu kiểm duyệt hẹn hò của mẹ”.

 

Mặc dù cố ẩn mình bằng phương pháp “lẩn tránh”, thu nhỏ người lại nhưng cuối cùng Ngọc vẫn không thành công. “Khi bị gọi đến tên, mình đã giật bắn cả người. Trong suốt buổi gặp mặt, mình luôn nơm nớp, thấp thỏm lo sợ bị phát hiện và hỏi tới nên không tập trung tinh thần và có phản ứng bất ngờ”, Ngọc nói. Ngọc cho rằng, dù trốn đến đâu vẫn không thoát khỏi tình trạng vây hỏi, do đó, dịp Tết năm sau, cô bạn sẽ tuyệt đối ở ẩn tại nhà.

 

Lấy cớ bị mệt, Thu xung phong trông nhà và nghỉ ngơi. Sau khi đến ông bà, Thu đã trở về nhà và khóa kín cửa lại, lên giường đắp chăn ngủ. Vì những ngày cuối năm công việc bộn bề, phải thức khuya liên miên nên chị ngủ sâu và không nhận ra bố mẹ đã về.

 

Khi tỉnh ngủ, vì âm thanh vọng lên rất nhỏ, Thu không phát hiện ra nhà còn có khách, liền chạy xuống xem ti vi. Vừa đến cửa phòng, Thu đã khựng lại vì khách đã kịp nhìn thấy. Lúc này, Thu mới thấm thía câu nói: “Tiến thoái, lưỡng nan” vì phân vân chạy về phòng hay bước tới chào khách.

 

Song, không có đủ thời gian cho Thu quyết định vì bố mẹ của chị đã lên tiếng gọi vào chào hỏi, trò chuyện với khách. Đúng như điều Thu lo lắng, hai người bạn thân của bố mẹ đã hỏi han chị rất kỹ về chuyện yêu đương, cưới xin.

 

“Lúc đó, mình đã “đứng hình” trong vài giây nên nghe họ hỏi, cảm thấy khá căng thẳng và bực bội. Thậm chí, vì mệt mỏi, chán nản suốt mấy ngày liên tục bị truy hỏi, giày vò về một vấn đề, chị đã suýt mất kiên nhẫn.

 

Cuối cùng, may có điện thoại giải cứu, mình lấy cớ chạy về phòng nói chuyện để không phải tiếp tục nghe và trả lời trước những câu hỏi của khách. Có lẽ cho đến khi lấy chồng, mình phải sử dụng chiến thuật Không ra ngoài, không bước ra khỏi phòng”, Thu than thở.

 

Hoài Thư