Teen mang họ “tùy”

Họ có thể là những teen luôn làm mọi thứ theo kiểu tùy hứng, tùy tiện, hoặc cũng có khi là... tùy người khác quyết định.

 
Teen mang họ “tùy”  - 1

Trong tình yêu bạn cũng nên hạn chế chữ "tùy", vì nếu cái gì cũng "tùy" thì bạn sẽ mất đi chính kiến, mất đi nét riêng của mình... (Hình ảnh chỉ có tính minh họa) 
 
Tùy... hứng

 

Rất có năng khiếu viết lách, lại là người có rất nhiều ý tưởng mới lạ và sáng tạo, là cộng tác viên của một tờ báo điện tử dành cho tuổi teen được mấy năm nay, bài viết luôn được đánh giá tốt, nhưng cậu bạn K (HN) mới chỉ được đăng lèo tèo có vài bài. Sở dĩ như vậy là bởi ý tưởng hay thì có, nhưng để viết ra, K còn xem mình có... hứng hay không đã. Thậm chí nhiều khi hứng có rồi, nhưng viết được một đoạn, tự dưng thấy hơi bị “tắc”, thay vì suy ngẫm thêm một chút, K ngay lập tức “gác bút” luôn, vì: “Cụt hứng rồi, không viết tiếp nữa”. Vậy là, K đành save (cất) chúng lại trong máy, chờ ngày hoàn thành nốt.

 

Nhưng ý tưởng thì chẳng chờ đợi ai cả, bởi thế K luôn gặp tình huống tiếc rẻ vì mình định viết về cái này, cái kia, nhưng đọc báo thì thấy người ta cũng vừa mới... viết mất rồi.

 

Trong chuyện học hành, K cũng luôn dựa vào việc có hứng, không có hứng như vậy. Điều đó cũng đồng nghĩa là hứng thì học bài, làm bài cực đầy đủ, trơn tru, còn ngược lại thì mặc kệ: “Đến đâu thì đến”. Khổ nỗi, tối nào K cũng online chat chit, chơi game, nghe nhạc chán chê nên sau đó chẳng mấy khi tìm ra hứng thú học bài. Thông minh, tiếp thu rất nhanh, nhưng vì lý do ấy mà kết quả học tập của K lúc nào cũng lẹt đẹt.

 

Tùy tiện

 

Chân dung thứ hai của những teen mang họ “tùy” là: Tùy tiện. Họ không bỏ việc như những người tùy hứng, ngược lại, làm rất đầy đủ, nhưng kết quả mà họ làm ra thì khiến ai cũng phải ngao ngán.

 

Mỗi lần chia nhóm làm bài tập, nếu cô xếp anh bạn P (trường MT) vào nhóm nào thì y như rằng các thành viên còn lại trong nhóm hết lắc đầu lại đến thở dài. Lúc phân công, chia việc thì P rất hồ hởi, chẳng thoái thác cái gì, nhưng đến hạn nộp thì y như rằng hoặc là P khất thêm 1, 2 ngày, hoặc là P đưa ra một bài làm không thể “í ẹ” hơn. Ai có góp ý điều gì, P thản nhiên: “Sức tôi chỉ làm được vậy thôi đấy, không vừa ý thì tự đi mà làm”.

 

Những lần kịp thời gian thì cả nhóm đành phải chia nhau ra hoàn thành phần của tên “cãi cùn” là P. Nhưng cũng có những lúc, P hứa lên hứa xuống là sẽ làm cẩn thận, nhưng sáng mai cả nhóm phải nộp bài, tối hôm trước nhóm trưởng giục P đưa bài để tổng hợp nốt thì P mới gãi đầu gãi tai: “Thôi chết, tui mới làm được có mỗi tẹo. Mà bây giờ cuống quá, chẳng nghĩ được gì”. Vậy là cả nhóm lĩnh trọn điểm kém, bị phê bình trước lớp.

 

Tùy = thế nào cũng được?

 

Trong tình yêu, nhiều bạn gái cũng sử dụng chữ “tùy” rất thường xuyên, tiêu biểu như trường hợp của cô nàng Y (trường VT).

 

Thích chàng đơn phương đã lâu, Y vô cùng sung sướng khi đến một ngày biết rằng chàng cũng có “tình cảm đặc biệt” với mình. Vì rất yêu chàng, lại thấy chàng đẹp trai, học giỏi, nhiều “vệ tinh”, Y cố gắng chiều chuộng chàng hết mực, điều gì cũng làm theo ý chàng với suy nghĩ rằng nếu vậy thì chàng lúc nào cũng yêu thương mình. Mỗi lần hai người đi chơi, chàng hỏi Y muốn đi đâu, kiểu gì cũng nhận được câu trả lời quen thuộc: “Tùy anh”, chàng hỏi Y thích ăn gì, lại cũng “Tùy anh”. Chàng đưa Y đến đâu, về muộn hay sớm, Y cũng “tùy chàng”.

 

Mới yêu thì không sao, nhưng được một thời gian, nàng vẫn cứ “tùy” như vậy, khiến cho chàng phát ngấy, chẳng khác gì đang yêu một con búp bê vậy. Bi hài hơn, một lần, hai người đi chơi về hơi muộn, chàng định bụng dùng “phép thử”, rủ Y vào... nhà nghỉ, Y cũng cúi đầu, chẳng phản đối. May cho Y, chàng không phải là một tên sở khanh nên lúc ấy đưa Y về nhà luôn. Và chàng quyết định chia tay, vì cảm thấy “con gái gì mà dễ dãi quá”.

 

***

 

Cả ba chữ “tùy” như trên đều mang lại những điều chẳng mấy tốt đẹp. Bạn có là một teen mang họ “tùy” không? Nếu có, liệu bạn có muốn mình tiếp tục “tùy” như vậy nữa không?

 

Theo Mực Tím