Teen dùng điện thoại di động: Con dao hai lưỡi

Khi điện thoại di động ngày càng thông dụng thì độ tuổi sử dụng phương tiện liên lạc này cũng được trẻ hóa. Hiện nay, trong các nhà trường, không chỉ học sinh trung học mà nhiều học sinh tiểu học cũng được gia đình trang bị điện thoại.

Lợi ít, hại nhiều

 

Đến một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội vào giờ ra chơi hay lúc tan trường, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em học sinh túm tụm chơi trò chơi, nghe nhạc hay nhắn tin trên điện thoại di động. Sức hấp dẫn của những chiếc điện thoại khiến các em quên giờ vào học, thậm chí cả cặp sách hay một số đồ dùng cá nhân trên sân trường.

 

Em Lê Hồng Mai – học sinh lớp 5 cho biết, em được bố mẹ cho sử dụng điện thoại từ đầu năm học. Lý do là trong năm cuối cấp, Mai phải đi học thêm ở nhiều điểm khác nhau, thời gian học thường xuyên bị thay đổi nên em được bố trang bị cho chiếc điện thoại để tiện việc đưa đón, liên lạc.

 

Mặc dù trong giờ học, Mai luôn để điện thoại trong cặp và tắt chuông nhưng tiếng rung của máy cũng ảnh hưởng khá lớn đến sự tập trung của em. “Các bạn biết em có điện thoại nên thường xuyên mượn để chơi game, nghe nhạc hay gọi điện, nhắn tin nhờ. Khi máy báo có tin nhắn hồi âm em lại phải chuyển lại cho các bạn nên mất khá nhiều thời gian. Nếu em từ chối thì bị chê là keo kiệt”, Mai chia sẻ.

 

Cũng theo Hồng Mai, trong lớp em có 5 bạn dùng điện thoại di động. Nhiều lần trong giờ học, các bạn quên tắt âm thanh nên khi bất ngờ có chuông báo đã ảnh hưởng đến việc học tập của cả lớp. Có bạn trong giờ nghỉ trưa còn trùm chăn nhắn tin cả buổi, khiến các bạn bên cạnh cũng phải thức theo.

 
Sử dụng điện thoại quá sớm sẽ không tốt cho các em học sinh.
Sử dụng điện thoại quá sớm sẽ không tốt cho các em học sinh.
 

Không chỉ trang bị điện thoại cho con từ rất sớm, nhiều phụ huynh còn sẵn sàng cho trẻ mang điện thoại đắt tiền với đủ các tính năng chụp ảnh, quay phim, kết nối 3G đến trường. Điều này không chỉ khiến trẻ xao nhãng học hành mà còn có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Trường hợp của gia đình chị Lê Thu Hằng, ở quận Cầu Giấy là một ví dụ. Do công việc bận rộn nên chị Hằng thuê 1 lái xe taxi hàng ngày đưa đón cậu con trai đang học lớp 4 đi học.

 

Chị Hằng đã đưa cho con chiếc điện thoại iPhone 5 cũ của chị để tiện việc liên lạc. Sau 1 tuần đi công tác nước ngoài trở về, chị không thấy chiếc điện thoại đâu. Gặng hỏi mãi, cậu con trai chị Hằng mới ấp úng cho biết “đã cho một bạn trong lớp mượn vì bạn ấy đang có “công việc quan trọng” cần liên lạc”. Song khi kiểm tra lại thông tin từ phía cậu bạn kia, chị Hằng và cả bố mẹ cậu ta mới biết các con mình trao đổi điện thoại để… thi đấu game?!

 

Cần cẩn trọng và định hướng rõ ràng

 

Được biết, để đảm bảo chất lượng dạy và học, nhiều trường đã có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng thực tế, giáo viên không thể kiểm soát được triệt để vấn đề này.

 

Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định cấm học sinh tiểu học mang điện thoại di động tới trường nên nếu các em chỉ sử dụng để liên lạc với gia đình vào giờ ra chơi, cuối giờ học, không làm ảnh hưởng tới việc học tập của bản thân và các bạn khác thì nhà trường cũng không thể can thiệp.

 
Cần cân nhắc trước khi cho trẻ sử dụng điện thoại. Ảnh minh họa
Cần cân nhắc trước khi cho trẻ sử dụng điện thoại. Ảnh minh họa
 

Theo bác sỹ, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, hiện nay, việc trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại không phải là quá khó của các gia đình và trên thực tế nó đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc kết nối thông tin giữa cha mẹ và con cái.

 

Với những cha mẹ quá bận rộn, không đón con đúng giờ thì chiếc điện thoại trở thành phương tiện hữu hiệu để họ liên lạc, dặn dò con cái. Tuy vậy, trước khi đưa điện thoại cho trẻ, cha mẹ cần xem xét xem điều đó có thực sự cần thiết?

 

Và nếu trong hoàn cảnh “cực chẳng đã”, phụ huynh chỉ cần trang bị cho trẻ chiếc điện thoại ít tính năng, chỉ dùng để nghe gọi, đồng thời thường xuyên kiểm soát số tiền trong tài khoản, hướng dẫn trẻ cách sử dụng điện thoại văn minh, lịch sự và có hiệu quả, không nên cho con em mình dùng điện thoại có nhiều trò chơi, điện thoại đắt tiền, phòng ngừa bị trộm cắp.

 

Liên quan đến vấn đề sức khỏe, các phụ huynh cũng cần cân nhắc kỹ bởi việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với thiết bị này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý các em: Tình trạng trẻ nghiện chơi game trên điện thoại, tâm lý thường xuyên lo âu căng thẳng, sống khép mình hay sớm vấp phải những tệ nạn do mạng ảo đem lại…

 

Ngoài ra, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, điện thoại di động có thể gây ung thư não. Lứa tuổi học sinh tiểu học đang trong giai đoạn phát triển, việc cho các em tiếp xúc nhiều với sóng điện thoại sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến não của các em.

 

Do vậy, trước khi trang bị điện thoại di động cho trẻ, phụ huynh cần cẩn trọng và có sự định hướng cụ thể cho các em, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”…

 

Theo Huệ Linh

An ninh thủ đô