Teen “ăn vạ” khi phụ huynh “cắt” tiền tiêu
(Dân trí) - Bố mẹ yêu cầu chuyển sang đi xe buýt thay xe máy, tiền chi tiêu hàng ngày cũng bị cắt giảm khi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, Quỳnh Anh phản đối ngay tức khắc bằng cách… nhất quyết không chịu đến trường.
Dọa bỏ học vì bị giảm tiền tiêu
Bị phụ huynh cắt giảm tiền tiêu, nhiều teen “ăn vạ” bằng cách không chịu đến lớp (ảnh minh họa).
Cô Tú, nhà ở P.17, Q. Gò Vấp cũng đang hết sức đau đầu chuyện cắt giảm các chi tiêu không cần thiết với “quý tử” đang theo học lớp 10. “Nó tiêu tốn nhất nhà, tiền ăn uống, vui chơi, học thêm, tham gia hoạt động này nọ mà lại không hiệu quả… buộc mình phải cắt giảm chứ chi phí trong gia đình bây giờ đang tăng quá cao”, cô Tú phân trần.
Khổ nổi, cậu con cô thứ gì… cũng ham lại thêm tính “sĩ” với bạn bè. Nhóm này nhóm nọ, cuộc vui nào cậu cũng tham gia nên lúc nào cũng kêu thiếu. Khi cô nói sẽ“cắt” tiền cho hàng tuần, tập bớt đàn đúm, tụ tập ăn uống đi, cậu con giãy nảy bao biện: “Mẹ ra mà xem, bây giờ quán xá thứ gì cũng đắt, con không xin thêm đã đành, mẹ đòi bớt con sống sao được”.
Đến khi cô nói cậu con nghỉ học trượt patin, học nhảy… vì đi học chủ yếu đua theo bạn bè, chứ không đam mê không hiệu quả thì cậu con làm căng… dọa chết.
“Con với cái, chẳng biết thông cảm chút nào cho bố mẹ. Lúc này bố mẹ cố gắng lắm để giữ việc học thêm văn hóa cho nó thế mà nó còn nói, bố mẹ đẻ con mà không nuôi được con, để con thua kém bạn bè”, cô Tú than thản.
Học cách tiết kiệm
Khi bị cắt giảm chi tiêu, nhiều bạn trẻ làm mình làm mẩy rồi đưa ra không ít yêu sách “dọa” bố mẹ để được đáp ứng cho những yêu cầu của mình. Họ không biết rằng, cũng hết cách bố mẹ mới tính đến việc “rút” các khoản chi tiêu, các hoạt động của con để cân đối cuộc sống trong gia đình. Không biết thông cảm cho khó khăn của bố mẹ đã đành họ còn đẩy các vị phụ huynh vào những tình huống vô cùng oái oăm.
Các bạn trẻ cần học cách chi tiêu tiết kiệm để chia sẻ khó khăn với bố mẹ (Ảnh: Hoài Nam)
Cô Bích, nhà ở Nguyễn Văn Đậu (Q. Bình Thạnh) cho biết Thanh, cô con gái đang học lớp 9 của mình đã bỏ nhà đi một tuần liền chỉ vì xin đi dã ngoại cũng nhóm bạn ở Tiền Giang nhưng không được bố mẹ chấp nhận.
Cô Bích khổ sở: “Cả gia đình sống dựa vào quán bún riêu, chi tiêu nặng nề mà bọn trẻ đi học giờ có đủ khoản chơi bời, sinh nhật, họp mặt… . Đi dã ngoại do nhóm mấy đứa tự tổ chức đòi 400.000 đồng, mình lấy đâu ra? Thế là nó vẫn bỏ đi, khi về thản nhiên nói rằng… con vay tiền bạn để đi”.
Đúng là việc thay đổi những thói quen trong chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày thật không dễ nên có thể hiểu cho các phản ứng trên của các bạn trẻ. Thế nhưng, thay vì “ăn vạ” bố mẹ, có lẽ họ nên nhìn lại mình để có thể chia sẻ gánh nặng trong gia đình bằng rất nhiều cách. Tiết kiệm hơn trong các khoản chi tiêu không cần thiết, biết chọn lọc những hoạt động nào cần tham gia và từ chối những cuộc vui không cần thiết.
Thủy, trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết, khi tiền tiêu hàng tháng chỉ còn 300.000 đồng thay vì 500.000 đồng như trước, cô đã nghĩ ra nhiều cách để không phải gặp cảnh… hết tiền xài. Trước đây mỗi ngày mất vài nghìn tiền nước thì nay đi học, Thủy mang theo nước lọc đóng chai từ nhà. Thủy cũng chịu khó ăn cơm nhà thay để giảm ăn hàng ngoài quán.
“Mỗi lần bạn bè tụ họp hay tổ chức sinh nhật, mình đều gợi ý các bạn thay vì tổ chức ngoài quán rất tốn kém thì sẽ nấu ăn ngay tại nhà. Như vậy tiết kiệm được nhiều mà bố mẹ cũng sẽ hiểu và tin tưởng hơn về mối quan hệ bạn bè của con”, Thủy chia sẻ.
Về phía phụ huynh, với các con đang ở lứa tuổi lớn, ham vui thì việc cắt giảm đột ngột các chi tiêu cũng là… hạ sách dễ gây tác dụng ngược. Họ nên từng bước cho con thấy khó khăn trong gia đình và từ từ uốn nắn cách chi tiêu, sinh hoạt của con cho phù hợp với giá cả. Khi đó, con cái sẽ dễ thích nghi hơn với việc tiền tiêu bị giảm. Còn nếu không, trẻ sẵn sàng “phản kháng”, thậm chí đi vay nợ để tiêu như trường hợp của Thanh con cô Bích
Linh, SV năm nhất trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ cho hay cô không hình dung đến việc bố mẹ cắt tiền tiêu và các hoạt động vui chơi của mình thế nào. Thế nhưng cả tháng nay, Linh thấy bố mẹ hay bàn bạc với nhau về các khoản tiêu trong gia đình nên cảm nhận được bố mẹ đang gặp khó khăn.
“Tuần vừa rồi, mẹ đưa cho mình 200.000 đồng chứ không phải 300.000 đồng nữa và nói: “Mẹ chỉ còn từng này, con có thể lo liệu được không?”. Thấy thương mẹ lắm và mình sẽ cố gắng để thu xếp”, Linh nói. Cô gái tính, để thích nghi với năm đầu ở ĐH, sau đó cô sẽ đi làm thêm để có thể tự lo liệu cho các khoản chi tiêu cá nhân, giảm gánh nặng cho bố mẹ.
Hoài Nam