Tàu Thanh niên vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc ra Trường Sa

Ngày 28/5, tại Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2014 chủ đề Tuổi trẻ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam xuất phát.

Tham dự lễ tiễn đoàn có Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải; Bí thư T.Ư Đoàn Đặng Quốc Toàn, trưởng đoàn Hành trình; Đại tá Nguyễn Phong Cảnh, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Thân Thị Thư; cùng đông đảo ĐVTN, chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân.

 

Phát biểu tại lễ tiễn đoàn, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải cho biết, đây là năm thứ 6 liên tiếp T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Hành trình năm nay diễn ra đúng thời điểm tình hình trên biển Đông đang có nhiều diễn biến căng thẳng. Thanh niên cả nước đang cực lực phản đối các hành động sai trái và yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức giàn khoan và các phương tiện hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.
 
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải tặng hoa cho đoàn Hành trình xuất phát ra Trường Sa.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải tặng hoa cho đoàn Hành trình xuất phát ra Trường Sa.

 

Anh Nguyễn Long Hải nêu rõ: “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương là điểm nhấn quan trọng, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, được tổ chức định kỳ hằng năm đã tạo được sự quan tâm của xã hội, có sức lan tỏa trong nhận thức và tình cảm của các bạn trẻ và đồng bào cả nước”.

 

Hành trình năm nay có 198 đại biểu đến từ nhiều địa phương, tổ chức chính trị xã hội, trong đó có 90 đại biểu là những gương mặt trẻ tiêu biểu của Đoàn Thanh niên (cán bộ Đoàn, doanh nhân trẻ, thầy thuốc trẻ, sinh viên, văn nghệ sĩ, y bác sĩ, phóng viên báo chí…). Bí thư T.Ư Đoàn Đặng Quốc Toàn làm trưởng đoàn.

 

Nét mới năm nay, các đại biểu sẽ là sứ giả chuyển tải tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa, truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc tới cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Nhiều vật phẩm biểu trưng sẽ được gửi tới Trường Sa như: Thùng đất Đồi A1; Tác phẩm điêu khắc gốm Âm vang Điện Biên - Hào khí Trường Sa; Tượng đài Chiến thắng; Mô hình cột mốc số 0 ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào; Tượng Thánh Gióng được mang từ Đền thờ Thánh Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)…

 

Có mặt trong Hành trình, Trần Văn Thược (Sinh viên năm 3, trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), trưởng nhóm tác giả thực hiện tác phẩm điêu khắc gốm Âm vang Điện Biên – Hào khí Trường Sa chia sẻ: “Bức tượng có một phần đất được lấy từ Đồi A1 trong lần nhóm đi thực tế. Bức tượng với những đường nét khỏe khoắn thể hiện sức trẻ nhiệt huyết, sáng tạo và gắn với khát vọng nối liền hơn nữa biên giới với hải đảo của Tổ quốc; giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc”.

 

Nhiều hoạt động được tổ chức trong hành trình như: Học kỳ quân đội trên biển; viết nhật ký Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương, thi ảnh, thi kỹ năng, sáng tác văn, thơ, các bài hát... Tại các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, đoàn sẽ thăm hỏi, tặng quà, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

 

Đặc biệt, nhịp cầu giữa tiền tuyến tại Trường Sa và hậu phương trong đất liền sẽ được các bạn trẻ kết nối bằng cách thực hiện các clip phóng sự nhắn gửi tình cảm, lời động viên thăm hỏi của người thân trong đất liền gửi tới các chiến sĩ Trường Sa và ngược lại.

 

Theo Mai Xuân Tùng

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm