Tạo môi trường tốt nhất cho thanh niên cống hiến

Bác Hồ khẳng định, Đoàn Thanh niên phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với giới trẻ, phải tạo môi trường tốt nhất cho thanh niên cống hiến và hưởng thụ, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, trao đổi nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Đắc Vinh nói rằng, tư tưởng của Bác nằm trong dòng chảy của tư duy nhân loại, trên tinh thần kế thừa có chọn lọc nên tư tưởng bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ mà ta gọi một cách hình ảnh là tư tưởng trồng người của Bác chính là sự kế thừa những minh triết trong quan điểm về con người, về giáo dục của dân tộc và nhân loại.

 

Quốc sách phát triển đất nước

 

Thưa anh, sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên?

 

Được sinh ra trong một gia đình am hiểu Hán học nên Bác ghi nhớ kế sách phát triển của Quản Trọng (725-645 TCN): “Kế sách cho một năm, lấy việc trồng lúa làm đầu. Kế sách cho mười năm, lấy việc trồng cây làm đầu. Kế sách cho trăm năm, lấy việc trồng người làm đầu. Lúa thì trồng một gặt một. Cây thì trồng một hái mười. Người thì trồng một gặt trăm”.

 

Tư tưởng bồi dưỡng thế hệ trẻ của Bác còn là sự kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Người nhận ra rằng, cách mạng muốn thành công, trước hết phải tập hợp lực lượng cách mạng, muốn thức tỉnh dân tộc đi theo con đường cách mạng, trước hết phải giác ngộ cách mạng cho thanh niên và từ thức tỉnh thanh niên để thức tỉnh dân tộc.

 

Vì thế, tháng 6/1925, Người thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, quy tụ tất cả những thanh niên Việt Nam yêu nước đầy nhiệt huyết vào trong một tổ chức thống nhất. Từ đây, những hoạt động của Hội đã ảnh hưởng rõ rệt và tích cực đến việc ra đời các tổ chức cộng sản và việc thành lập Đảng sau này.

 
Tạo môi trường tốt nhất cho thanh niên cống hiến
Các đại biểu trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2014 giao lưu với cán bộ, chiến sỹ trên đảo Phan Vinh B. Ảnh: Xuân Tùng.
 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn đề cao vai trò xung kích của thanh niên?

 

Bác có lời dạy bất hủ: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Đúng là trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng lẫy lừng của mình, thanh niên luôn được Bác coi là lực lượng xung phong, đi đầu, được Bác đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ sự nghiệp cách mạng.

 

Bản thân Bác cũng là một minh chứng sinh động về tấm gương tuổi trẻ quyết tâm gây dựng sự nghiệp lớn lao, thoát ra khỏi lối sống, nếp nghĩ đã cổ hủ, lạc hậu. Hơn ai hết, Bác thấy rõ sự đóng góp của tuổi trẻ Việt Nam trong sự trường tồn và phát triển bền vững của dân tộc.
 
Họ là lực lượng tham gia đông đảo và nhiệt tình nhất, hùng hậu nhất, dũng cảm nhất trong các cuộc chống xâm lăng, là những con người có lý tưởng, giàu đức hy sinh, sẵn sàng xả thân và trở thành một lực lượng chủ yếu trong khối liên minh cách mạng.

 

Từ những nhận thức đó, Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định: Vận mệnh của dân tộc, tương lai của đất nước tùy thuộc vào ý chí, nghị lực của thanh niên.

 

Theo anh, chúng ta học gì từ tư tưởng của Bác để phát huy vai trò, sức mạnh của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

 

Thực tế, vai trò, sức mạnh của thanh niên không phải là cái có sẵn, bất biến và tất yếu. Muốn huy động sức trẻ thì thế hệ đi trước, đặc biệt lãnh tụ phong trào phải thực hiện thành công chiến lược trồng người.

 

“Trồng người” xét về khía cạnh nào đó cũng giống như trồng cây. Nếu trồng cây phải chăm lo, vun xới mầm cây nhỏ bé, yếu ớt để nó phát triển thành cây khỏe mạnh, có ích cho đời thì “trồng người” cũng phải bắt đầu bằng việc dạy dỗ, uốn nắn, giáo dục từ khi còn thơ ấu. Người coi chiến lược “trồng người”, coi việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là một trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là quốc sách phát triển đất nước.

 

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là chân lý mà còn là con đường thực hiện chân lý. Tính hành động, tính thực tiễn là một đặc điểm trong con người và tư tưởng Hồ Chí Minh, nên chiến lược bồi dưỡng thế hệ trẻ cũng được trù tính kỹ càng và cụ thể.

 
Anh Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Anh Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Rường cột của nước nhà

 

Trong Di chúc, Bác căn dặn “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” và Bác đã đặt trọn niềm tin vào đoàn viên thanh niên Việt Nam?

 

Đúng vậy, Bác từng nói “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Tin tưởng vào thế hệ trẻ là điều cần thiết ở mọi quốc gia, trong mọi thời kỳ, ở mọi sự nghiệp.

 

Nhất là ở Việt Nam, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN bởi như Người từng nhận định, tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, thanh niên là rường cột của nước nhà. Nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ trong chiến lược xây dựng con người, trước hết là phải quan tâm và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Xây dựng họ thành những con người hội tụ đủ cả hai yếu tố đức và tài, hồng và chuyên.

 

Để thanh niên là rường cột của nước nhà, sinh thời, Bác Hồ đòi hỏi ở tổ chức Đoàn Thanh niên điều gì, thưa anh?

 

Sinh thời, Bác rất quan tâm và đòi hỏi Đoàn Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ là nơi đoàn kết, tập hợp thanh niên để giúp Đảng giáo dục họ thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Người khẳng định, muốn củng cố và phát triển thì Đoàn Thanh niên phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên, phải biết tổ chức các phong trào thi đua, tạo môi trường tốt nhất cho thanh niên cống hiến và hưởng thụ.

 

Người đòi hỏi Đoàn Thanh niên khi đề xuất một phong trào thi đua phải có định hướng đúng, có kế hoạch thực hiện cụ thể, có nội dung thi đua thiết thực, rõ ràng, có sự lãnh đạo, chỉ đạo theo dõi thường xuyên.

 

Có làm như vậy, phong trào của Đoàn mới thực sự phát triển, thực sự là cánh tay phải, đội hậu bị tin cậy của Đảng trong giáo dục và rèn luyện để hình thành nhân cách trong sáng cho thanh thiếu niên.

 

Cảm ơn anh.

 

Theo Phong Cầm

Tiền phong