Tặng tiền vào dịp Valentine, thực tế hay thực dụng?

Lan Hương

(Dân trí) - Việc tặng tiền như một món quà vào dịp Valentine đã không còn xa lạ với giới trẻ. Liệu đây có phải là một biểu hiện của sự thực dụng?

Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học Đào Lê Tâm An (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết: "Có 5 ngôn ngữ phổ biến để thể hiện tình yêu, bao gồm: Lời khẳng định (Words of Affirmation); Hành động giúp đỡ (Acts of Service); Quà tặng (Receiving Gifts); Thời gian chất lượng (Quality Time); Cử chỉ âu yếm (Physical Touch).

Không khó hiểu khi các cặp đôi thường sử dụng việc tặng quà để bày tỏ tình cảm, thể hiện sự tri ân đến nửa kia. Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu sai ý nghĩa của việc tặng quà, coi nó là một nghĩa vụ thay vì một trong những cách để thể hiện sự yêu thương".

Tặng tiền vào dịp Valentine, thực tế hay thực dụng? - 1

Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Tâm lý học Đào Lê Tâm Anh (Ảnh: Lan Hương)

"Chính sự phổ biến của việc tặng quà - vốn được thúc đẩy mãnh liệt hơn bởi mạng xã hội - đã gây ra một tác dụng phụ cho cộng đồng: Nhiều người sẽ cảm thấy ganh tị, so sánh hạnh phúc của bản thân theo kiểu "Họ có quà còn mình thì không", hoặc "Quà của mình nhỏ hơn quà của họ", anh Tâm An chia sẻ.

Điều này càng được khẳng định rõ ràng hơn vào mỗi dịp Valentine, trên mạng xã hội lại ngập tràn những hình ảnh, story "khoe quà" của các cặp đôi.

Điểm đáng nói ở đây đó là những món quà mà chúng ta thường bắt gặp nhất trên mạng xã hội lại là những bó hoa làm bằng tiền thật hay những tấm ảnh chụp màn hình số tiền vừa được chuyển khoản.

Chuyện tặng tiền vào ngày lễ đã trở thành một việc được bình thường hóa những năm gần đây. Thậm chí, nó đã trở thành một "thủ tục" không thể thiếu của nhiều cặp đôi vào dịp lễ này.

Tặng tiền vào dịp Valentine, thực tế hay thực dụng? - 2

Tặng tiền vào những ngày lễ đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ thời gian gần đây. (Ảnh: Chụp màn hình)

Theo Nghiên cứu sinh Tâm lý học Tâm An, điều này không chỉ ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của bản thân những người trẻ, mà còn tạo ra sự mưu cầu độc hại lên đối phương, ép buộc tình cảm này phải tuân theo số đông mà không xuất phát từ nhu cầu, cách thể hiện tình cảm của những người trong cuộc.

Quà tặng nói chung vốn là một sự tự nguyện, đem lại niềm vui cho người khác. Nhưng theo quan sát của anh Tâm An, việc tặng quà dần bị đẩy thành sự bứt rứt dưới dạng hài hước hóa theo mô típ "Ngày đáng sợ của đàn ông sắp đến", "Các anh đã chuẩn bị tinh thần chưa?",…

Và vì quà tặng mang tính tự nguyện, nên giá trị của món quà không chỉ dựa vào trị giá của sản phẩm, mà còn liên quan đến sự đầu tư tình cảm, thời gian, công sức của người tặng. Nếu bạn tặng một món quà nhưng bản thân bạn không tự nguyện thì dù món quà ấy có đắt giá đến đâu, nó cũng trở nên vô nghĩa.

Chia sẻ về việc nhiều người thường tặng tiền vào dịp Valentine, anh Tâm An bày tỏ: "Ở mỗi cặp đôi khác nhau sẽ có những "quy luật ngầm", phụ thuộc vào nhu cầu của người trong cuộc.

Có người thích những món quà thủ công, có người thích đồ hữu dụng trong cuộc sống, có người thích vật phẩm trang trí và cũng có cặp đôi cảm thấy hài lòng với việc gửi một số tiền để đối phương tự chọn món đồ cần thiết.

Việc chọn gửi một số tiền thay vì quà tặng thông thường và đánh giá đó là thực dụng là chưa đủ dữ kiện để kết luận".

Đồng tình với ý kiến này, bạn Phạm Gia Hiển chia sẻ: "Mình nghĩ việc tặng tiền vào Valentine là thực tế chứ không phải thực dụng. Khi những người trưởng thành yêu nhau, họ không quan tâm nhiều đến hình thức món quà mà thứ họ đề cao là tính ứng dụng của món quà đó.

Ví dụ, nếu bạn quá bận không có thời gian chọn quà hoặc bạn không biết người yêu mình thực sự thích gì (hoặc thích quá nhiều thứ) thì tại sao bạn không tặng cho cô ấy một số tiền để giải quyết tất cả các vấn đề trên?

Thế nên, mình nghĩ rằng ranh giới giữa thực tế và thực dụng rất mong manh, nó chỉ cách nhau bởi một ý niệm trong đầu mỗi người. Bạn không thể kết luận một người có thực dụng hay không chỉ với một món quà".

Tặng tiền vào dịp Valentine, thực tế hay thực dụng? - 3

Ngày lễ Valentine là dịp các cặp đôi thể hiện tình cảm theo nhiều cách khác nhau (Ảnh: Lan Hương).

Nghiên cứu sinh Tâm An cũng nói thêm rằng: "Việc tặng tiền vào Valentine thường dễ được chấp nhận hơn ở những cặp đôi đã hiểu nhu cầu của nhau, bên nhau đủ lâu, vì ở một góc độ nào đó, tiền vẫn là chủ đề nhạy cảm, dễ bị hiểu sai, hiểu lệch.

Cùng là việc gửi một số tiền nhưng sẽ có người biến tấu để nó trở nên ý nghĩa và ít nhạy cảm hơn, ví dụ chuyển khoản một con số có ý nghĩa, xếp tiền thành trái tim, bông hoa,...".

Bạn Nguyễn Bạch Dương (21 tuổi, Thanh Hóa) cho biết: "Cứ mỗi dịp Valentine, mình lại nhận được một bó hoa làm bằng tiền mặt từ anh người yêu. Điều này đã trở nên rất quen thuộc với mình.

Mình chưa từng nghĩ việc tặng và nhận tiền vào Valentine là biểu hiện của sự thực dụng bởi với người khác, đó có thể chỉ là một số tiền không có ý nghĩa nhưng với mình, món quà này giống như thứ chứng giám cho tình cảm của hai đứa qua các mùa Valentine.

Hơn cả, với một món quà có thể khiến cả hai người cùng vui thì chẳng việc gì tụi mình phải quan tâm đến những lời bàn tán, phê bình bên ngoài rằng món quà đó có thực dụng hay không".