Tầm gửi tuổi teen

Là con gái út, lại mồ côi cha từ nhỏ nên Trang (Q.7, TPHCM), được mẹ nuông chiều hết mực. Mẹ Trang luôn nói: “Ngày nào còn ở với mẹ thì cứ để mẹ lo”. Thế là Trang mặc nhiên tận hưởng mà chẳng suy nghĩ gì.

Tốt nghiệp cấp 3, hoàn tất học bổng đi du học, chỉ chờ ngày lên đường nhưng Trang bất ngờ quyết định bỏ. Người ngoài không hiểu nhưng mẹ Trang biết, không có bà, con gái chẳng làm được việc gì. 

18 tuổi rồi nhưng đi đâu Trang cũng nhờ mẹ chở vì không biết đường, đi mua hàng thì không biết trả giá, áo đứt nút cũng không biết khâu. Việc gì cũng “mẹ, mẹ”...

Lớn... ngược

Nhà của Tuấn ở quận 4, TPHCM, lúc nào cũng ầm ĩ bởi tiếng hét của Tuấn. “Tại sao mẹ không giặt cái áo này cho con?”, “Tại sao mẹ lại chuẩn bị bộ đồ này, hôm nay con học thể dục cơ mà”, “Trời ơi, đã nói hôm nay con học toán chứ không phải lý mà mẹ chuẩn bị sách tập gì sai be bét, bực cả mình”.

Học sinh lớp 11, cao 1,7 m nhưng Tuấn không biết làm gì hết. Bạn bè đến rủ đi dã ngoại tròn mắt khi thấy Tuấn ngồi một chỗ mà kêu ầm lên: “Ba lô đâu?”, “Giày đâu?”, “Mũ đâu?”, còn mẹ Tuấn thì loay hoay tìm đồ. Bạn bè hỏi sao không tự làm thì Tuấn trả lời rất vô tư: “Tao là con trai, cần gì quan tâm tới mấy cái đấy, mai mốt lớn kiếm vợ về để nó lo, chính mẹ tao đã nói thế mà”.

Thanh Hương (Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn), lại “nai tơ nhí nhảnh” kiểu khác. Hương có anh người yêu cưng như cưng trứng và luôn dặn dò “Ai làm gì em cứ nói với anh”. Thế là, từ một người bình thường, Hương biến thành một cây tầm gửi. Suốt ngày “thằng Tâm không cho em mượn máy nhắn tin”, “nhỏ Lan ngồi chỗ của em”, “chúng nó photocopy bài cho em mờ quá”...

Đến khi làm gia sư cho một đứa bé lớp hai, thằng nhóc nghịch ngợm quá, thay vì “cô sẽ méc với ba mẹ em” thì Hương lại “cô sẽ méc với... chú, em sẽ bị ăn đòn”. Thằng bé ngơ ngác tròn mắt, nặn óc suy nghĩ không biết cô sẽ méc chú nào.

Búp bê không xinh

Bảo Trâm (Đại học Khoa học Tự nhiên) vẫn được mọi người yêu quý vì là một “cô bé lí lắc, nhí nhảnh”. Trâm luôn nghĩ ra nhiều trò để chọc vui mọi người nhưng lâu dần cô có những hành động quá lố. Đang chỗ sân trường đông người mà cô bắt Trung - bạn trai, phải cõng lên lớp cho bằng được, hay nói lệch giờ học báo hại cả lớp bạn bị thầy mắng... Dần dần, Trung và mọi người nhận ra, hình như Trâm không hề nhí nhảnh tự nhiên.

Còn Giang (Đại học Văn Lang) mỗi lần đi ăn cùng bạn bè là luôn có người gắp sẵn thức ăn cho vì cô ăn chậm lại hiền. Đi học thì mọi người thay nhau đưa đón vì Giang đi xe yếu, hay ngã phải băng bó hoài. Nhưng nếu biết rằng Giang ăn chẳng thua ai, phóng xe thì ào ào và băng bó chỉ để tạo thêm “phong cách” thì mọi người sẽ nghĩ gì?

Bà Lê Thị Dung, Phòng Tham vấn, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, cho rằng, đôi khi, sự quan tâm quá mức của bố mẹ và người thân đã ảnh hưởng tới sự trưởng thành của các bạn trẻ.

Nhiều khi, chính sự quan tâm đó đã lấy mất không gian khiến các bạn không có cơ hội, dù là nhỏ nhất để "lớn", để sống và hành xử đúng với lứa tuổi.

Ngoài ra, nhiều bạn trẻ đã ngộ nhận rằng phải trẻ con mới là đáng yêu mà không biết “bó tuổi” chính là kìm hãm sự trưởng thành và cá tính của mình.

Theo Hường Phạm
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm