Sudoku - trò chơi hớp hồn giới trẻ

Luật chơi rất đơn giản: Bạn hãy điền làm sao cho các con số từ 1 đến 9 xuất hiện trong mỗi hàng, mỗi cột và mỗi ô lớn. Nghe có vẻ dễ ăn, vậy mà đã biết bao nhiêu người mất ăn mất ngủ vì nó.

Bảng câu đố hình vuông, mỗi chiều có 9 ô nhỏ, hợp thành 9 cột, 9 hàng và được chia thành 9 ô lớn 3x3. Một vài ô nhỏ được đánh số, đó là những manh mối duy nhất để bạn tìm lời giải. Tuỳ theo mức độ nhiều hay ít của các manh mối, các câu đố được xếp loại dễ, trung bình, khó hay cực khó.

 

Khởi đầu

 

Sudoku là một từ Nhật, có thể dịch tạm là “con số độc nhất”. Ở Anh, trong vòng có vài tháng, từ chỗ không mấy người biết đến, nó đã tạo nên một cơn lốc, khiến cho khách đi tàu phải lỡ ga còn học sinh thì quên làm bài tập.

 

Người mang trò chơi này đến Anh là một vị thẩm phán về hưu từng làm việc ở Hong Kong tên là Wayne Gould. Ông tìm thấy một tạp chí Sudoku trong chuyến nghỉ hè ở Nhật. Mặc dù không biết tiếng Nhật, ông rất tò mò về trò chơi. Gould mày mò ra cách chơi khi so sánh câu đố với lời giải được in ở cuối quyển tạp chí. Sau đó, ông say mê nó đến mức dùng khả năng lập trình máy tính để viết chương trình và tạo ra vô số các câu đố khác nhau.

 

“Tôi có hai mục tiêu. Một là làm cho người ta biết nhiều hơn đến trò chơi này. Thật là đáng kinh ngạc khi Sukodu là loại hình giải trí phổ thông ở Nhật đến thế, trong khi những nước trên thế giới hình như không biết gì đến nó. Hai là tôi muốn chứng minh một ông thẩm phán cũng có khả năng lập nên một chương trình phần mềm và kiếm ra tiền từ việc đó”. 

 

Mục tiêu đầu tiên mà Gould nhằm tới là tờ báo nổi tiếng Times của Anh, nhưng ông biết việc này không dễ dàng gì: Nếu bạn gọi điện cho một ai đó ở tờ Times và nói, này tôi có câu đố cho các anh xem, hẳn bạn sẽ nghe từ bên kia những tiếng thở dài não nuột, ông tâm sự. Nhưng tôi chuẩn bị rất kỹ về chuyện trông câu đố sẽ như thế nào trên mặt báo. Vì vậy vị biên tập viên khi nghe tôi phát biểu hiểu ngay tôi muốn nói gì.

 

Trào lưu

 

Tờ Times bắt đầu đăng tải trò chơi trên số báo ngày 12/11 năm ngoái. Và cuộc chạy đua bắt đầu. Ba ngày sau, tờ Mail tung ra bản Sudoku của riêng mình, và chả bao lâu sau tất cả các nhật báo phát hành trên toàn nước Anh đã kịp ăn theo, ngoại trừ tờ chuyên về tài chính Financial Times. Ai nấy đều khẳng định câu đố của họ mới là hay nhất. Chẳng hạn, tờ Guardian có lần chạy một câu đố Sudoku trên mỗi trang của phần phụ san và tuyên bố họ là tờ báo duy nhất có các câu đố được viết tay trên núi Phú Sĩ.  

 

Sukodu có sẵn trên Internet và có thể download xuống điện thoại di động. Một số tờ báo còn mở các cuộc thi trên toàn quốc, và mốt chơi Sudoku đang lan từ Anh tới Australia, Nam Phi và Mỹ. Một số báo dùng chương trình của Gould, số khác tự tạo ra các câu đố của riêng mình, thuê các công ty hay mua lại chúng từ các nhà xuất bản Nhật.

 

Gốc gác của Sudoku

 

Tim Preston, giám đốc Puzzler Media - nhà xuất bản các tạp chí và sách câu đố lớn nhất của Anh, cho rằng Sudoku thực ra là phát minh của nhà toán học thế kỷ 18 Leonhard Euler. Là người gốc Basel (Thuỵ Sĩ), nhưng phần lớn cuộc đời mình, ông phục vụ hoàng gia Nga ở St Petersburg. Euler và có thú vui đưa ra các câu đố.

 

Trong số các trò chơi ông nghĩ ra có Hình vuông Latinh. Đó là sự sắp xếp các con số sao cho chúng không trùng lặp theo chiều ngang lẫn chiều dọc. Euler thông minh đến mức ông có thể thực hiện những phép tính phức tạp và xây dựng các công thức hoàn toàn bằng trí nhớ, sau khi ông đã bị mù.

 

Trong nhiều năm, chỉ có giới toán học biết đến Hình vuông Latinh. Đến thập kỷ 1970, nhà xuất bản Dell của Mỹ đưa nó vào những tập sách đố, và đặt tên cho nó là Vị trí con số.

 

Với một cái tên chán ngắt như thế, chả mấy chốc nó đã rơi vào lãng quên, Preston bình luận. Nhưng may mắn là trò chơi được đưa tới Nhật và một nhà xuất bản có tên là Nikoli đổi tên nó thành Sudoku.

 

Ở Nhật, tất cả các câu đố Sudoku đều được viết tay. Preston cho đó là một điều lạ lùng: Họ có rất nhiều tác giả. Ai mà có câu đố được đăng trên một trong các tạp chí của Nikoli coi đó một vinh dự lớn. Bạn có thể nghĩ rằng một nước công nghệ cao như Nhật phải nghĩ ra những chương trình máy tính để làm những câu đố này... Nhưng họ khẳng định các câu đố viết tay hay hơn nhiều.

 

Puzzler Media trước đây từng mua các Sudoku của Nikoli và in chúng trong các quyển sách đố, nhưng chỉ đến khi Gould tung nó lên trên mặt báo, Sudoku mới trở thành trào lưu.

 

Fan của Sukodu

 

Những ngày này, thử vào bất kỳ toa tàu điện ngầm ở London hay lên trên các xe buýt hai tầng vào giờ cao điểm, bạn sẽ bắt gặp ít nhất một người đang chơi Sukodu.

 

Cô Rachel Darby cho biết: Trò chơi này hoàn toàn dựa vào logic, không giống như đố chữ, bạn không cần phải có sẵn kiến thức về lĩnh vực gì. Cách chơi cũng đơn giản.

 

 Không gì tuyệt vời hơn cái cảm giác mãn nguyện khi giải được một câu hóc búa, mặc dù để ra một giờ ở cơ quan để giải Sudoku kể ra cũng hơi quá đáng. Có ai biết cách nào để sếp tôi cũng mê trò này không?, Kenneth Mack tâm sự. 

 

Gould hiện biếu không những câu đố cho các tờ báo để quảng bá cho chương trình phần mềm Sukodu mà ông bán qua Internet. Ông không chịu tiết lộ mình kiếm được bao nhiêu tiền mà chỉ thừa nhận: Tôi giàu hơn trước kia.

 

Theo Minh Châu
Sinh Viên Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm