Sức mạnh của Lan
26 tuổi, còn rất trẻ, nhưng Trần Thị Ngọc Lan đã có khá nhiều tác phẩm. Bắt đầy với tuổi 15 là sáng tác đầu tay - tiểu thuyết “Ánh sao rơi” (NXB Thanh Hóa). Nhưng, điều khiến nhiều người cảm phục Lan hơn cảm, chính là từ khi cầm bút chị chỉ viết bằng tay trái và cơ thể bị tàn tật khi mới lên 5 tuổi...
Cuộc đời của Lan không được suôn sẻ, sau trận sốt bại liệt kéo dài đã biến cô bé Lan thành tàn tật. Cơ thể chị không nhúc nhích được - đôi mắt chị ngấn nước - cứ bám vào tường mà đứng lên, bước đi rồi ngã, đau ê ẩm. Nhưng có một niềm tin nào đó như một ánh sao rọi vào tâm hồn trẻ thơ của cô bé. Lan đã đứng dậy và bước đi mặc cho cái nhìn thương hại, xót xa của người đời. Hơn hai mươi năm tập đi mà những bước đi của chị vẫn đầy khó nhọc.
Năm chị lên lớp một, vì bàn tay phải không cầm nổi cây bút, chị đã hì hụi tập viết bằng tay trái. Và bằng sự nỗ lực không ngừng, cô bé có nghị lực phi thường ấy đã được đặc cách cho học “nhảy cóc” từ lớp 1 lên lớp 3. Cuộc sống đầy gian khổ và thử thách ấy đã dự báo cho cây viết trẻ Ngọc Lan một con đường đi đòi hỏi phải có niềm tin vào cuộc sống thật lớn.
Sinh năm 1979, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hoá. Trần Thị Ngọc Lan hiện đang làm việc tại NXB Văn học. Sáng tác thơ từ khi còn là HS tiểu học.
Một số tác phẩm đã in: “Ánh sao rơi”- (Tiểu thuyết NXB Thanh Hoá “Phu Bòn” (Tiểu thuyết NXB Văn Học), “Mắt đá” (tập thơ NXBVăn Học)... cùng rất nhiều giải thưởng. |
Chị bắt đầu đặt chân đến với ngưỡng cửa của văn học với sáng tác Ánh sao rơi. Cuốn tiểu thuyết kể về tuổi học trò và thời SV trong mơ ước của cô bé 15 tuổi, 16 tuổi. Đó là những giây phút thiêng liêng nhưng đầy ẩn ức. Chị viết về Hà Nội như thật khiến mọi người cứ ngỡ chị đã từng sống ở Hà Nội. Cuốn tiểu thuyết đầu tay được sự ủng hộ của rất nhiều độc giả khi họ biết đến cuộc đời Ngọc Lan. Gần 2000 bức thư đến với chị bằng sự ấm áp của tấm lòng. Thế là đủ để cho chị hiểu vì sao chị phải tiếp tục sống và viết.
Năm 1998 đạt giải khuyến khích bình thơ của Đài tiếng nói Việt Nam đã động viên chị rất nhiều. Tiếp theo là giải trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000 với tập thơ “Nỗi buồn cho em”, giải thưởng Lê Thánh Tông của NXB Thanh Hoá... Khi tốt nghiệp cấp III trường huyện, chị rất muốn thi vào ĐH. Nhưng gia đình chị khó khăn, cha mẹ thì già, làm ruộng cần mẫn cũng chỉ đủ nuôi người anh gần 30 buổi bị tâm thần bẩm sinh. Biết làm sao được, có lẽ thấu hiểu được nỗi khổ dai dẳng ấy Lan đã sớm rèn cho mình sự tự lập. Chị quyết định thi vào trường Viết văn Nguyễn Du.
Thật buồn, một kỷ niệm chị rất khó quên, khi nộp hồ sơ và thi tuyển vào Trường Viết văn Nguyễn Du lúc bấy giờ và đã bị nhận một sự từ chối, chỉ vì nhà trường e ngại chị không có đủ sức khoẻ để học tập. Một bản năng sống như trỗi dậy, chị đã viết thư gửi cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - chỉ với khát vọng được nhận vào trường để học tập và sáng tác. Câu trả lời đã mỉm cười với nỗ lực không ngừng và con đường đầy gian truân mà chị đã và đang trải qua. Và Ngọc Lan luôn được đánh giá là SV giỏi.
Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du năm 2003, chị được nhận vào làm việc biên tập tại NXB Văn học. Chị bộc bạch: “Mình không còn dám nghĩ tới hạnh phúc như bao nhiều phụ nữ bình thường khác, dù cũng đã đến tuổi lập gia đình, đành dành hết cho văn chương để an ủi mình vậy”.
Bước đầu đến với công việc, được sự khích lệ rất lớn của giám đốc NXB Nguyễn Văn Lưu và đồng nghiệp trong cơ quan. Hàng ngày trên con đường chùa Châu Long, chị đi bộ đến cơ quan làm việc trước con mắt ngạc nhiên, thán phục của mọi người. Mọi sự đến với chị đều như ngẫu nhiên chị biết rằng khi đến với văn chương bản năng sống của chị thật là kỳ diệu.
Năm 2000, khi chị đặt bút viết tiểu thuyết Phu Bòn, lúc ấy ám ảnh về quá khứ về con người thật khủng khiếp: “Phu Bòn là một thế giới bị huỷ hoại, đổ vỡ. Đấy là ám ảnh khi chị nghĩ về thế giới con người, thân phận con người đặt trong thời gian vô cùng vô tận. Phu Bòn là dòng nước mắt không bao giờ cạn của chính Ngọc Lan”.
“Tôi bất giác nhớ về Phu Bòn như nhớ về một thiên đường nguyên thuỷ nhất... Trên cái nền di sản đổ nát ấy sinh ra tôi tôi có một cái tên tôi có một hình hài có đất đai để bầu bạn có làng xã để dan díu...“ (trích Phu Bòn).
Tình yêu trong văn thơ của chị có sự cao thượng và khát khao cứu rỗi. ước mơ của chị thật dung dị, bình thường: “Không có điều kiện để chăm nom sức khoẻ cho cha mẹ già và người anh trai tâm thần đang sống ở quê. Lan chỉ có một an ủi là phải sống sao cho tốt để không hoài phí tuổi xuân và dứt đi gánh nặng tinh thần cho cha mẹ già yếu”.
Theo Ngọc Anh
Giáo Dục Thời Đại