“Sự im lặng đáng sợ của bầy cừu”

“Xin các bạn cho tôi câu hỏi” là câu nói quen thuộc cho thính giả của bất cứ diễn giả hay giảng viên nào khi kết thúc bài giảng, buổi nói chuyện. Nhưng không phải lúc nào những người trẻ cũng “hào phóng” đáp ứng lời đề nghị lịch sự đó.

Nhiều lần khi tham dự những buổi diễn thuyết hay giao lưu, tôi chứng kiến cảnh diễn giả (trong và ngoài nước) ngạc nhiên, lúng túng trước “sự im lặng của bầy cừu”: chẳng có một cánh tay nào giơ lên để đặt vấn đề, để hỏi, để tìm hiểu, chất vấn những gì họ đã nghe. Và rồi cuối cùng, những buổi thảo luận với đề tài xã hội, văn hoá thú vị lại thường chỉ kết thúc trong sự hẫng hụt, thậm chí tẻ nhạt.

 

Mới đây, khi biết tiến sĩ Carol Swain, đại học Vaderbilt ( Mỹ) sẽ có buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM về đề tài Người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ và những đóng góp của họ cho xã hội, tôi rủ một người bạn cũng theo học một ngành xã hội tham dự, nhưng cô từ chối với một cái nhăn mặt: “Nghe chi ba cái chuyện xa xôi đó!”. Nhưng rồi cũng có nhiều bạn trẻ khác đến với buổi nói chuyện để được hiểu thêm về Martin Luther King, Malcolm X với phong trào đấu tranh đòi nhân quyền, đấu tranh phản đối chiến tranh Việt Nam.

 

Cuối buổi diễn thuyết, tiến sĩ Swain đã xúc động nói: “Cám ơn các bạn đã đặt cho tôi những câu hỏi thú vị. Khi các bạn hỏi, tôi trả lời cũng có nghĩa là chúng ta đang tìm hiểu và xích lại gần nhau hơn!”.

 

Liệu có phải sinh viên Việt Nam thiếu kiến thức, kiến văn hạn hẹp đến nỗi không biết gì để trao đổi, để hỏi han? Xin thưa, hoàn toàn không! Nhiều người trong số họ rất giỏi, dù đang ở ghế giảng đường họ đã có khả năng kiếm ra rất nhiều tiền.

 

Phần lớn nguyên nhân của sự im lặng, lười phát biểu hay phát biểu một cách máy móc, nông cạn chỉ là do thái độ thờ ơ trước các vấn đề văn hoá, xã hội, những vấn đề mà theo nhiều bạn “chẳng ăn nhập gì với việc làm ra tiền”, “chỉ làm mất thời gian”(!).

 

Ngày nay, khái niệm “hội nhập văn hoá” và “giao lưu văn hoá” đã quen thuộc với tất cả mọi người, nhất là với lớp trẻ, lớp người luôn xông xáo trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, “hội nhập”, “giao lưu” như thế nào? Liệu tất cả có phải chỉ dừng lại ở việc thụ hưởng những sản phẩm văn hoá và tinh thần ngoại quốc một cách thụ động?

 

Hội nhập và giao lưu văn hoá không chỉ là sành nghe nhạc ngoại, phim ảnh ngoại, sành nói tiếng nước ngoài… mà còn là ở chính thái độ khao khát muốn tìm hiểu những giá trị lịch sử - văn hoá của bạn bè thế giới.

 

Và một trong rất nhiều cách giản dị nhất để làm được điều đó là hãy chủ động nói: “Tôi muốn hỏi về vấn đề này…?”, chứ đừng thờ ơ ngồi chờ người khác nói câu: “Xin các bạn cho tôi câu hỏi!”.               

 

Dương Thanh Vân

(Đại học KHXH&NV TPHCM)

 

Sài Gòn Tiếp Thị